Hệ thống trả lương ở các nước khác nhau như thế nào?

Hệ thống trả lương theo hiệu quả và kỹ năng và hệ thống trả lương theo thâm niên tại Bỉ, hệ thống trả lương dựa trên kỹ năng và hiệu suất tại Nhật...đều có những ưu điểm khác nhau.

Đồng euro. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng euro. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà tuyển dụng tại Bỉ có xu hướng chuyển sang hệ thống trả lương dựa chủ yếu vào hiệu quả và kỹ năng của nhân viên, thay vì dựa vào thâm niên công tác. Theo một cuộc khảo sát do chuyên gia Công ty dịch vụ tư vấn và quản lý nhân sự (Acerta) thực hiện, hơn 500 nhà tuyển dụng Bỉ đã bày tỏ mong muốn từ bỏ các bảng lương truyền thống để xác định mức lương cho nhân viên của họ. Chỉ có 1/4 (26%) trong số họ muốn tiếp tục dựa vào nguyên tắc thâm niên (công tác lâu năm thì lương cao hơn) trong việc trả lương. Phần còn lại chủ yếu ưa thích việc lương được xác định dựa trên hiệu suất và kỹ năng của nhân viên.

Hiện nay, 78% các công ty Bỉ vẫn sử dụng các bảng lương dựa trên thâm niên, theo Acerta Consult. Do đó, những nhân viên có thâm niên lâu năm thường nhận được mức lương cao hơn. Tuy nhiên, phần lớn các công ty này mong muốn từ bỏ hệ thống này. Chỉ có 26% các công ty muốn giữ thâm niên là tiêu chí trả lương cho nhân viên trong tương lai. Phần còn lại muốn trả lương dựa trên hiệu suất làm việc (40%) và kỹ năng chuyên môn (34%).

Hệ thống trả lương dựa trên kỹ năng và hiệu suất đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia. Theo nhà kinh tế học người Mỹ Edward Lazear, tại Nhật Bản, lương theo hiệu suất được áp dụng vì lý do lịch sử để tăng cường vốn sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông cho biết thêm những người lao động được nhận tiền thưởng có thể lên tới 30% tổng lương của họ khi lợi nhuận của công ty cao. Thực tiễn này cũng phát triển mạnh mẽ tại Mỹ, mặc dù ban đầu chỉ áp dụng cho các quản lý cấp cao. Ví dụ, một phần lớn lương của các giám đốc điều hành (CEO) là dưới dạng cổ phiếu hoặc quyền chọn cổ phiếu.

Theo bà Laura Couchard, chuyên gia về lương tại Acerta Consult, một hệ thống như vậy hoàn toàn có thể áp dụng ở Bỉ, nhưng cần tuân thủ một số điều kiện pháp lý. Vị chuyên gia này cho rằng Bỉ có đặc điểm là phải xác định mức lương tối thiểu cho nhân viên. Phần lương cố định này thay đổi tùy theo ngành nghề và thâm niên của nhân viên. Điều này tạo ra một khung pháp lý cho nhà tuyển dụng muốn từ bỏ các tiêu chí thâm niên. Hiện tại, luật pháp ở Bỉ không cho phép hoàn toàn trả lương theo biến số. Nhưng có thể tiến tới một hệ thống kết hợp.

Bà Laura Couchard khuyến nghị các nhà tuyển dụng nên áp dụng một hệ thống lương gồm một phần cố định và rõ ràng để nhân viên có thể dự đoán trước và cảm thấy yên tâm về thu nhập của mình, kèm theo các “tiền thưởng” dựa trên kỹ năng và kết quả công việc. Bà Laura Couchard cho rằng “Điều cần lưu ý là khi bạn chú trọng vào việc đánh giá kỹ năng và hiệu suất, bạn đặt ra áp lực lớn hơn cho nhân viên. Vì vậy, để có một chính sách lương tốt, cần có một chính sách phúc lợi tốt”. Khung phúc lợi này nên yêu cầu các nhà tuyển dụng xác định mức lương tối thiểu hợp lý và an toàn, cũng như cung cấp các tiền thưởng phù hợp với mục tiêu và giá trị của công ty.

Chuyên gia Laura Couchard nhấn mạnh ý tưởng chính là phát triển tài năng của nhân viên, đảm bảo rằng họ cảm thấy được hỗ trợ và gắn bó với công ty. Điều này không nên chỉ nhằm mục đích thu lợi nhuận một cách đơn thuần, cũng không nên là một chính sách khen thưởng và trừng phạt.

Như vậy, việc kết hợp giữa lương cố định và tiền thưởng dựa trên hiệu suất không chỉ tạo ra một môi trường làm việc công bằng và động lực, mà còn giúp các công ty đạt được sự cân bằng giữa việc phát triển tài năng và đảm bảo sự an toàn cho nhân viên. Đây chính là chìa khóa để xây dựng một chính sách lương hiệu quả và bền vững trong tương lai.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/he-thong-tra-luong-o-cac-nuoc-khac-nhau-nhu-the-nao/342926.html