Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối: Đảm bảo minh bạch, chính xác
Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối vừa ra mắt được đánh giá là công cụ hữu hiệu chống hàng giả, hàng nhái.
Phát biểu tại Hội thảo Tổng kết Dự án SRECA ra mắt Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại áp dụng công nghệ chuỗi khối (Blochain) diễn ra ngày 21/3, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trong hoạt động kinh doanh quốc tế ngày càng quan trọng. Tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bất thành văn với hàng hóa nhập khẩu và trở thành thói quen của người tiêu dùng.
“Việc phát triển Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối, chúng tôi coi đây là giải pháp chống hàng giả hàng nhái, đảm bảo uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh .
Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng cho hay: Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối là phiên bản 2 được Cục Xúc tiến thương mại và Tổ chức Phát triển Đức (GIZ) cùng nghiên cứu, phát triển khắc phục được điểm hạn chế về tính bảo mật và trung thực về dữ liệu của phiên bản trước đó. Với hệ thống này, hy vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt lòng tin của người tiêu dùng.
Truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam tuy chưa phải là quy định bắt buộc nhưng được Chính phủ khuyến khích, do đó phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, hệ thống truy xuất của Cục Xúc tiến thương mại có sự khác biệt bởi được gắn với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, vì vậy bám sát yêu cầu về thủ tục quy trình xuất khẩu.
Mặt khác, khi vận hành hệ thống Cục Xúc tiến thương mại yêu cầu các bên tham gia tuân thủ các quy định, quy trình sử dụng nhằm đảm bảo tính minh bạch, xác thực và tạo được uy tín với khách hàng nước ngoài.
Về phía Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), bà Hoàng Thị Thu Hương- Cán bộ Dự án SRECA bày tỏ: Dự án Hỗ trợ Hợp tác kinh tế khu vực châu Á (SRECA) có các quốc gia tham gia gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Trung Quốc.
Với Việt Nam, nông sản là ngành có đàm phán và nghị định thư với Trung Quốc từ năm 2015-2016. Sau đó từ nghị định thư, các loại nông sản trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch. Vì thế SRECA có các hoạt động cùng phía Việt Nam xây dựng nền tảng hướng dẫn, thực hiện các bước và thủ tục xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc theo đường chính ngạch từ năm 2017. Từ 4 loại trái cây đầu tiên, đến nay 10 loại trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
“Chặng đường từ năm 2017 tới nay không ngắn nhưng chưa đủ dài và còn nhiều thứ để làm tiếp, trong đó có việc nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại”, đại diện GIZ bày tỏ.
Bà Hoàng Thị Thu Hương cũng nhận định: Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại phiên bản 2 mới chỉ giải quyết một phần nhu cầu của khách hàng là khối doanh nghiệp. Để tạo ứng dụng có tính tin cậy cao hơn thì đây phải là hệ thống khép kín, chứ không chỉ dừng ở khâu tổ chức sản xuất như hiện nay.
Nhưng với phiên bản hiện nay, hy vọng hệ thống sẽ được khách hàng cùng chia sẻ, lan tỏa và sử dụng nhiều hơn nữa. Mong rằng tuổi thọ của phần mềm này sẽ kéo dài trong nhiều năm mang lại hiệu quả tốt nhất cho người dùng khối doanh nghiệp và là dịch vụ Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục cung cấp cho khách hàng.
Đồng tình với chia sẻ của đại diện GIZ, ông Vũ Bá Phú cho rằng: Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối cần được hoàn thiện hơn nữa để trở thành chuỗi hoàn chỉnh từ sản xuất- chế biến-đóng gói- thương mại.
Với hệ thống này, trước mắt, Cục Xúc tiến thương mại sẽ làm việc với các tổ chức trên thế giới nhằm quảng bá, giới thiệu. Đồng thời làm việc với các đối tác thương mại của Việt Nam để đảm bảo tính liên thông về dữ liệu và sự công nhận lẫn nhau. Hướng tới mục tiêu đảm bảo tính xác thực cao và lòng tin của người tiêu dùng khi sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại.