Hệ thống truyền thanh thông minh ở cơ sở: Tiện ích, hiệu quả

Đã từ lâu, hệ thống truyền thanh cơ sở có vai trò quan trọng là 'cầu nối' để truyền tải thông tin nhanh, hiệu quả đến đông đảo người dân. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống này, tỉnh Thái Nguyên đã từng bước hiện đại hóa bằng hệ thống truyền thanh thông minh.

Cán bộ văn hóa xã Phượng Tiến (Định Hóa) sử dụng máy tính để vận hành hệ thống truyền thanh thông minh.

Cán bộ văn hóa xã Phượng Tiến (Định Hóa) sử dụng máy tính để vận hành hệ thống truyền thanh thông minh.

Từ nhiều năm nay, ông Mai Công Thêm (Trưởng xóm Hợp Thành, xã Phượng Tiến, Định Hóa) duy trì thói quen nghe thông tin qua hệ thống loa truyền thanh của xã đầu giờ sáng và cuối buổi chiều mỗi ngày. Những thông tin về các sự kiện thời sự, chính trị nổi bật diễn ra mỗi ngày giúp ông và người dân trong xóm cập nhật thông tin mới nhất, từ chỉ đạo, điều hành của chính quyền cho đến các câu chuyện phát triển kinh tế ở địa phương, đời sống dân sinh…

Ông Thêm chia sẻ: Hoạt động của hệ thống truyền thanh không chỉ giúp chúng tôi nắm bắt thông tin kịp thời mà còn góp phần khích lệ phong trào thi đua lao động, sản xuất. Từ đó, người dân hăng hái, tích cực đóng góp công sức, tiền của để xây dựng đường làng, ngõ xóm, thiết chế văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như truyền tải được thông tin đến người dân một cách nhanh và hiệu quả nhất, từ đầu năm 2024 xã Phượng Tiến đã được đầu tư xây dựng hệ thống truyền thanh thông minh với 9 cụm loa phủ sóng ở 8 xóm trong xã.

Anh Quán Văn Huế, cán bộ văn hóa xã Phượng Tiến, chia sẻ: Hệ thống truyền thanh thông minh có ưu điểm là thiết bị gọn nhẹ, vận hành đơn giản, lắp đặt sử dụng dễ dàng, thuận lợi cho người điều khiển hoạt động. Ngoài ra, hệ thống này giúp cán bộ, công chức kiêm nhiệm phụ trách truyền thanh như chúng tôi giảm áp lực và xử lý công việc chuyên môn nhanh gọn, thuận tiện hơn. Đơn cử như với phần mềm chuyển đổi văn bản sang giọng nói tự động, chúng tôi không phải mất nhiều thời gian ngồi đọc, thu âm bản tin rồi xử lý tạp âm trước khi phát sóng như trước.

Tương tự xã Phượng Tiến, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) là địa phương cấp xã đầu tiên của tỉnh được trang bị hệ thống truyền thanh thông minh từ UBND xã kết nối kết nối với 5 cụm loa tại các xóm: Tiên Sơn, Khuổi Uốn, Nà Lay, Bản Chương. Đồng thời, xã cũng được trang bị máy tính thế hệ mới vận hành hệ thống loa thông minh, kết nối với cơ quan truyền thông của huyện.

Ông Mai Duy Yến, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc, chia sẻ: Hệ thống truyền thanh thông minh có ưu điểm là linh hoạt trong việc phát các bản tin, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực, lịch phát thanh được đặt theo giờ, ngày hoặc tuần… Qua đó giúp nhân viên vận hành được thuận tiện, nhanh chóng, nâng cao hiệu quả tuyên truyền ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân vùng cao.

Hệ thống truyền thanh thông minh là hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông truyền dẫn tín hiệu trên hạ tầng viễn thông Internet thay vì truyền dẫn qua dây hoặc truyền dẫn không dây qua sóng FM. Mỗi hệ thống truyền thanh thông minh cơ bản gồm các thiết bị như: máy tính, micro, cụm loa truyền thanh, bộ thu phát truyền thanh Internet sử dụng sim viễn thông 3G, 4G để thu phát chương trình.

Với nhiều ưu điểm như như: quản lý tập trung; sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung; đồng bộ dữ liệu từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở; dễ dàng kiểm tra được hoạt động của toàn bộ cụm loa và thiết lập lịch tiếp âm phát sóng; lắp đặt ở mọi địa hình, mọi phạm vi khoảng cách…, hệ thống này thể hiện hiệu quả vượt trội so với những hệ thống truyền thanh thông thường.

Tthực hiện Dự án phát triển thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025, đầu năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành xây dựng phần mềm Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh và lắp đặt 501 bộ thiết bị truyền thanh thông minh tại 39 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố, với tổng trị giá 20 tỷ đồng. Qua đó nâng tổng số địa phương cấp xã toàn tỉnh được trang bị hệ thống truyền thanh thông minh lên 56 đơn vị.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, cho biết: Các hệ thống truyền thanh thông minh đã góp phần nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới phương thức cung cấp thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác, hiệu quả, phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở. Việc đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh ở cấp xã cũng góp phần tích cực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong công tác thông tin tại cơ sở, đồng thời góp phần nâng cao trình độ về công nghệ thông tin, viễn thông cho cán bộ cơ sở…

Thu Hà

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202407/he-thong-truyen-thanh-thong-minh-o-co-sotien-ich-hieu-qua-7d60259/