Hệ thống xác định VĐV khuyết tật tại Paralympic hoạt động như thế nào?
Paralympic - Thế vận hội dành cho người khuyết tật - đang được tổ chức tại Paris, Pháp với hơn 4.000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới tham gia tranh tài 549 nội dung huy chương ở 22 môn thể thao
Paralympic 2024 sẽ diễn ra từ ngày 28/8 đến ngày 8/9. Một điều có thể gây bối rối cho những người mới xem Paralympic là hệ thống phân loại độc đáo của giải đấu này.
"Phân loại là nền tảng của Phong trào Paralympic, nó quyết định vận động viên nào đủ điều kiện tham gia thi đấu môn thể thao nào và cách các vận động viên được nhóm lại với nhau để thi đấu", Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) cho biết.
Dưới đây là các thông tin đáng lưu ý về hệ thống phân loại Paralympic:
Thế nào là một vận động viên Paralympic?
Theo IPC, các vận động viên Paralympic được phân loại theo "mức độ hạn chế hoạt động do suy giảm gây ra".
IPC cho biết vì các môn thể thao khác nhau đòi hỏi nhu cầu thể chất khác nhau nên quá trình phân loại "nhằm mục đích giảm thiểu tác động của khiếm khuyết đến thành tích của vận động viên" để năng lực thể thao của họ được thể hiện.
Các nhóm phân loại được chỉ định bằng một chữ cái, thường là chữ cái đầu của môn thể thao và một con số. Thông thường, số càng thấp thì mức độ suy giảm càng lớn, nhưng không phải lúc nào cũng vậy, theo trang web của Paralympic.
Quá trình "Đánh giá vận động viên" của IPC nhằm mục đích trả lời ba vấn đề sau đây:
Vận động viên có bị 'khuyết tật' vĩnh viễn không?
Đầu tiên, phải xem xét liệu vận động viên có "tình trạng sức khỏe tiềm ẩn" dẫn đến "suy giảm đủ điều kiện vĩnh viễn" hay không. Đánh giá được thực hiện bởi cơ quan quản lý Liên đoàn thể thao quốc tế giám sát từng môn thể thao riêng lẻ.
Có 10 loại khiếm khuyết khác nhau, thường được chia thành ba nhóm: khiếm khuyết thể chất (sức mạnh cơ bắp bị suy yếu, phạm vi chuyển động bị suy yếu, khiếm khuyết chi, chênh lệch chiều dài chân, tăng trương lực cơ, mất ổn định, chứng loạng choạng và vóc dáng thấp), khiếm khuyết thị lực và khiếm khuyết trí tuệ.
Trong khi một số môn thể thao mang đến cơ hội cạnh tranh cho cả 10 khiếm khuyết (ví dụ như bơi lội và điền kinh dành cho người khuyết tật) thì có những môn thể thao chỉ dành riêng cho một khiếm khuyết, như bóng ném dành cho người khiếm thị.
"Tiêu chí khuyết tật tối thiểu" cho từng môn thể thao
Sau khi đánh giá xem một vận động viên có "khuyết tật đủ điều kiện" hay không, thì cần phải xác định xem vận động viên đó có đáp ứng "tiêu chí khuyết tật tối thiểu" hay không.
Theo trang web của IPC, mỗi môn thể thao đều có các quy tắc "mô tả mức độ nghiêm trọng của khuyết tật để một vận động viên được coi là đủ điều kiện tham gia thi đấu".
"Tiêu chí khuyết tật tối thiểu" được sử dụng để xác định xem "suy giảm đủ điều kiện" của vận động viên có ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của môn thể thao của họ hay không.
Ví dụ về "tiêu chí khuyết tật tối thiểu" bao gồm chiều cao tối đa được xác định cho các vận động viên có vóc dáng thấp hoặc mức độ cụt chi được xác định cho các vận động viên bị khuyết tật chi. Tiêu chí này dựa trên nghiên cứu khoa học.
Phân hạng trong mỗi môn thể thao
Bước cuối cùng là quyết định môn thể thao của vận động viên.
Trong khi các môn thể thao như khúc côn cầu trên băng và cử tạ dành cho người khuyết tật chỉ có một hạng, các môn khác có nhiều phân loại khác nhau. Trong môn điền kinh, có hơn 50 phân loại.
Cơ chế phân loại sẽ nhóm các vận động viên có hạn chế về thể thao tương tự nhau để họ có thể thi đấu ở trình độ tương tự, nhưng không nhất thiết phải nhóm riêng các vận động viên có cùng khiếm khuyết.
IPC cho biết: "Nếu những khiếm khuyết khác nhau gây ra hạn chế hoạt động tương tự, các vận động viên có những khiếm khuyết này vẫn được phép thi đấu cùng nhau".
Vì một số khiếm khuyết tiến triển theo thời gian nên các vận động viên có thể thay đổi phân loại nhiều lần trong suốt sự nghiệp của mình.
Hai giai đoạn cuối cùng được thực hiện bởi một hội đồng phân loại gồm tối thiểu hai chuyên gia được IPC mô tả là có "kiến thức chuyên sâu về các khiếm khuyết và tác động của chúng đối với các môn thể thao tương ứng". Những người phân loại bao gồm bác sĩ, nhà vật lý trị liệu, huấn luyện viên, nhà khoa học thể thao, nhà tâm lý học và bác sĩ nhãn khoa.
Ví dụ về một số phân loại
Điền kinh và Nhảy (Các môn chạy và nhảy có tiền tố T - track)
T11-13: Suy giảm thị lực (hạng thương tật T13 là hạng dành cho các VĐV suy yếu về thị lực).
T20: Khuyết tật trí tuệ.
T45-47: Chi trên hoặc các chi bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt chi, suy giảm sức mạnh cơ hoặc suy giảm phạm vi vận động thụ động.
Para Taekwondo (Tiền tố K được sử dụng do từ tiếng Hàn có nghĩa là đấu tập, 'kyorugi')
K43: Cắt cụt cả hai bên dưới khuỷu tay hoặc mất chức năng tương đương ở cả hai chi trên.
K44: Cắt cụt một bên cánh tay (hoặc mất chức năng tương đương) hoặc mất ngón chân ảnh hưởng đến khả năng nhấc gót chân đúng cách.
Xe đạp dành cho người khuyết tật (Các tiền tố được sử dụng là B cho xe đạp đôi dành cho người khiếm thị - blind tandems, C cho xe đạp - cycling, T cho xe ba bánh - tricycle, H cho xe đạp tay - handbike)
H1 đến H5: Chấn thương tủy sống hoặc phải sử dụng chân giả ở một hoặc cả hai chi dưới.
T1 và T2: Rối loạn vận động và các vấn đề về thăng bằng, như bại não hoặc liệt nửa người.