Hệ thống xử lý nước thải một số cảng cá ở Quảng Ngãi 'chết lâm sàng' vì thiếu kinh phí
Mặc dù Quảng Ngãi đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải ở các cảng cá trên địa bàn, song đa phần các hệ thống này đều không hoạt động.
Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 4.500 tàu cá lớn, nhỏ. Địa phương này hiện có năm cảng cá được UBND tỉnh công nhận là cảng cá loại II, đồng thời được Bộ NN&PTNT công bố là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản.
Trong số đó, có hai cảng cá là cảng Sa Huỳnh và cảng Tịnh Kỳ; ba cảng neo trú tàu thuyền gồm Lý Sơn, Mỹ Á, Tịnh Hòa.
Nước thải chảy thẳng xuống biển
Tại cảng cá Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi, mỗi ngày tiếp nhận hàng chục lượt tàu cá ra vào bán hải sản, tiếp nhiên liệu và vật tư để tiếp tục ra khơi. Số lượng tàu cá ra vào liên tục khiến khu vực cầu cảng luôn trong tình trạng đông đúc.
Để đáp ứng, cảng cá Tịnh Kỳ được xây dựng hệ thống thu gom, lắng lọc nước thải với quy mô đầu tư nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, dù đã có hệ thống xử lý, nước thải tại cảng cá Tịnh Kỳ vẫn được xả thẳng trực tiếp xuống biển. Việc dọn rửa cầu cảng, tàu cá, khoang hải sản cũng được xả thẳng trực tiếp xuống vùng nước ngay trước cảng.
Theo ghi nhận, trên cầu cảng, nước thải đen kịt, xác hải sản vương vãi khắp nơi nhưng không được thu gom, xử lý. Nước thải đọng thành từng vũng đen ngòm, nồng nặc mùi hôi, ruồi nhặng khắp nơi. Ngay phía bên dưới mặt nước cảng cá, rác thải đủ loại nổi khắp nơi gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng.
Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải tại cảng cá Tịnh Kỳ lại trong tình trạng "đắp chiếu”. Nước thải không được chảy qua hệ thống mà trực tiếp xả thẳng xuống biển. Dòng nước đen ngòm, hôi thối nồng nặc.
Không chỉ ở cảng cá Tịnh Kỳ, cảng cá Sa Huỳnh cũng trong tình trạng ô nhiễm. Mặc dù tại cảng cá Sa Huỳnh cũng được tỉnh Quảng Ngãi "rót" nhiều tỷ đồng để nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm tại cảng vẫn không được khắc phục triệt để. Hệ thống xử lý nước thải không thể hoạt động thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Tánh (người dân địa phương) bức xúc, tình trạng ô nhiễm ở đây đã diễn ra suốt nhiều năm qua rồi. Nước thải đen ngòm từ việc bốc dở hải sản tại cảng không qua xử lý được xả thẳng xuống cửa biển nên khi có gió bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Thiếu kinh phí vận hành
Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng, nâng cấp các trạm xử lý nước thải. Tuy nhiên, sau xây dựng, nâng cấp, một số nhà máy xử thu gom, xử lý nước thải lại bị "lãng quên" do thiếu kinh phí vận hành.
Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Ban quản lý Các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các cảng cá được đầu tư xây dựng đúng thiết kế, đảm bảo các tiêu chí quy định. Tuy nhiên, do các cảng cá đang hoạt động tự chủ, nguồn thu chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên. Không đủ kinh phí để vận hành các hệ thống này thường xuyên.
“Để giải quyết bài toán môi trường tại các cảng cá, nhà nước cần bố trí kinh phí đảm bảo hoạt động của hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Về lâu dài, cần phải thành lập quỹ môi trường và thu phí môi trường đối với các doanh nghiệp đến thu mua hải sản tại cảng và các chủ tàu. Nguồn quỹ môi trường sẽ dùng vào việc xử lý nước thải tại cảng, đảm bảo môi trường sạch theo đúng tiêu chí của cảng cá loại II và hướng đến cảng cá loại I vào năm 2030”, ông Trung kiến nghị.
Ban quản lý đã tham mưu Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp với Sở TN&MT, các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các đợt thu gom, xử lý rác tại các cảng cá.
Đề xuất biện pháp chế tài xử lý đối với các trường hợp xả rác thải ra biển. Nguồn xử phạt sẽ được chi cho công tác xử lý môi trường. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân, những người làm kinh doanh tại cảng cá nâng cao ý thức thu gom, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.