Hệ thống y tế bất lực và tê liệt, Ấn Độ 'vỡ trận' vì Covid-19
Trước làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai vô cùng khốc liệt, hệ thống y tế của Ấn Độ gần như tê liệt và sụp đổ. Những cụm từ xuất hiện thường xuyên trên các trang báo là choáng ngợp, tức giận, sợ hãi, bất lực, kiệt sức, mệt mỏi…
Tại Rajkot, một thị trấn nhỏ ở bang miền Tây Ấn Độ Gujarat, một tờ báo địa phương đã dành hẳn 8 trong số 20 trang để đăng cáo phó của 285 người vừa qua đời vì Covid-19.
“Ba người trong số họ là bệnh nhân của tôi”, bác sĩ Vivek Jivani (30 tuổi) đang làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở Rajkot - một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19 lần thứ hai tại Ấn Độ, cho biết.
Bất lực và lo lắng, anh vẫn dành 10 phút mỗi sáng để cầu nguyện cho những bệnh nhân của mình. “Mỗi khi có một bệnh nhân qua đời, tôi lại tự nhủ rằng phải cố gắng hơn nữa khi tiếp nhận những người tiếp theo”, anh nói.
"Quằn quại" trong dịch bệnh
Trước làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai vô cùng khốc liệt, hệ thống y tế của Ấn Độ gần như tê liệt và sụp đổ. Những cụm từ xuất hiện thường xuyên trên các trang báo là choáng ngợp, tức giận, sợ hãi, bất lực, kiệt sức, mệt mỏi…
Tiến sĩ Jalil Parkar, một chuyên gia nghiên cứu về xung huyết học tại Bệnh viện Lilavati ở Mumbai cho hay, không giống như ở làn sóng dịch bệnh lần thứ nhất, khi các bác sĩ đã dần quen với bản chất của virus SARS-CoV-2 thì ở lần bùng phát này, khối lượng khổng lồ bệnh nhân, một loạt biến thể mới lây lan nhanh và nguy hiểm, nguồn lực hạn chế, nỗi sợ hãi bao trùm…đang nhấn chìm Ấn Độ trong chết chóc.
Ông ví đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ hai lần này giống như Thế chiến thứ II – với quy mô khủng khiếp, nguy hiểm hơn và thậm chí khó ngăn chặn hơn lần đầu tiên.
Còn nhớ, tháng 12/2020, khi tình trạng dịch bệnh Covid-19 có phần lắng xuống, các chính trị gia, người dân và nhiều chuyên gia y tế bắt đầu mang tâm lý chủ quan trước những nguy cơ mới.
Từ bỏ khẩu trang và giãn cách xã hội, hàng loạt các cuộc biểu tình chính trị, những đám cưới xa hoa, lễ hội tôn giáo kéo dài hàng tháng… liên tục được tổ chức và đây chính là những “ổ bệnh” khiến virus SARS-CoV-2 lan ra khắp đất nước với tốc độ chóng mặt.
Theo số liệu thống kê, Ấn Độ hiện ghi nhận khoảng 347.000 ca nhiễm mới và hơn 2.500 người tử vong do Covid-19 mỗi ngày. Thủ đô New Delhi, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đã ghi nhận 24.331 ca nhiễm mới và 348 ca tử vong hôm 23/4. Các bệnh viện luôn quá tải bệnh nhân và hỗn loạn, tình trạng tranh cướp giường bệnh, thuốc men, vật tư y tế…diễn ra phổ biến.
Tiến sĩ S. Chatterjee, bác sĩ nội khoa tại Bệnh viện Indraprastha Apollo (New Delhi) cho biết, giống như nhiều bác sĩ khác, ông đang kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần khi phải làm việc liên tục với cường độ trung bình 18 giờ/ngày. Ông hầu như không có thời gian ăn và ngủ khi 10 ngày qua, mỗi ngày ông chỉ có 4 tiếng để ngủ.
“Thủ đô New Delhi là nơi có cơ sở hạ tầng tốt nhất hiện nay nhưng để thành phố có thể vượt qua được cơn bão dịch bùng phát này vẫn khó có thể tin được”, Tiến sĩ S. Chatterjee nói.
Ngoài tình trạng khan hiếm giường bệnh, thuốc remdesivir, một loại thuốc chống virus được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, hiện cũng đang rất khan hiếm và được bán với giá gấp sáu lần giá trên thị trường chợ đen.
Chạy đua với thời gian
Với làn sóng dịch bệnh lần thứ hai, các bác sĩ Ấn Độ đang phải chạy đua với thời gian để đưa ra những phương pháp điều trị tốt nhất dưới áp lực và thách thức chưa từng có.
Do nguồn dự trữ oxy đang dần cạn kiệt, bác sĩ Rajendra Prasad, bác sĩ phẫu thuật thần kinh và cột sống tại Bệnh viện Indraprastha Apollo (New Delhi) cho hay, các bác sĩ phải đối mặt với sự lựa chọn bất khả thi là quyết định xem bệnh nhân nguy kịch nào cần nhiều oxy hơn.
“Những trường hợp nào cần ưu tiên? Ai là người đặc biệt nghiêm trọng và ai ở trong tình trạng xấu? Đây không phải là những tình huống mà chúng tôi chưa từng phải đối mặt trước đó", ông kể.
Giống như những bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ phẫu thuật trong nước, ông hiện phải nhanh chóng nắm vững các phương pháp tiếp cận đa ngành để đối phó với tình hình khẩn cấp của đại dịch.
Ngay cả những người đã từng ở trong những tình huống thực tế giống như chiến tranh cũng cảm thấy không được chuẩn bị.
Theo Tiến sĩ Reshma Tewari, Trưởng khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Artemis ở thành phố Gurgaon, người từng làm việc trong một bệnh viện quân đội vào năm 1999 khi Ấn Độ chiến đấu với Pakistan ở Kashmir, mọi bệnh viện ở thành phố đều quá tải như thời chiến tranh với rất nhiều thương vong.
“Với 30 năm kinh nghiệm, tôi không phải là người dễ chán nản. Nhưng tôi đang cảm thấy lo lắng, thấp thỏm. Tôi có thể chiến đấu trên một mặt trận, nhưng rất khó để chiến đấu trên hai mặt trận”, cô nói thêm.
Các chuyên gia cho biết, hiện nay nhiều bệnh nhân có triệu chứng khó thở và độ bão hòa oxy giảm nhanh hơn so với đợt đầu. Đối mặt với làn sóng người bệnh dâng cao, hầu hết các bệnh viện chỉ tiếp nhận những người có các triệu chứng nghiêm trọng và có bệnh đi kèm.
Tiến sĩ Vivek Shenoy, bác sĩ chuyên khoa cấp cao tại Bệnh viện Rajshekhar ở bang Bangalore nói: “Chúng tôi đã buộc phải từ chối những bệnh nhân mà chúng tôi biết là bị bệnh nặng, và sẽ không thể qua khỏi nếu không đến được bệnh viện”.
Cơ sở của ông chỉ có 25 giường chăm sóc nguy kịch và mỗi bệnh nhân nguy kịch phải nằm trung bình 10 ngày.
Nhiều các bác sĩ cho biết, họ không dám chia sẻ sự lo lắng hoặc nỗi sợ hãi với gia đình mình.Ngoài ra, các quy trình an toàn cũng khiến các y bác sĩ gần như bị cô lập giống như những bệnh nhân mà họ đang điều trị.
Bác sĩ Shakti V, bác sĩ y khoa tổng quát tại một trong những bệnh viện lớn nhất tại thành phố Chennai nhớ về một cặp vợ chồng già nhập viện vì Covid-19. Người vợ, 65 tuổi phải điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt và người chồng, 70 tuổi, ở khu Covid-19 thông thường.
"Mỗi ngày khi gặp tôi, ông lão đều cầu xin tôi cho gặp vợ. Chúng tôi thường không cho phép người nhà vào khu chăm sóc Covid-19 đặc biệt nhưng tôi đã phá lệ và đưa ông ấy ngồi trên xe lăn đến cửa sổ nơi phòng bà ấy nằm. Ông ấy thường quan sát bà ấy trong vài giờ mỗi ngày. Một ngày nọ, khi tình trạng bà ấy chuyển nặng, ông ấy đã gần như sụp đổ và nói rằng bà ấy là người thân duy nhất của ông".
Thật may mắn, cặp đôi sau đó đã bình phục và gửi lời cám ơn tới cô bác sĩ tốt bụng. Đối với bác sĩ Shakti V, điều này giống như một phép màu, phần nào giúp an ủi cô vượt qua những nỗi đau khi hàng ngày phải chứng kiến với những đau thương và mất mát .
(theo Straits Times)