Hè về thêm nỗi lo gửi trẻ
Cuộc sống của không ít công nhân lao động luôn gắn với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền và mỗi khi hè về, con trẻ được nghỉ học, họ lại thêm nỗi lo không biết gửi con ở đâu cho an toàn, thuận tiện và bản thân được yên tâm làm việc.
Đặc thù công việc của công nhân lao động là làm ca, kíp và liên tục tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống nên ít có thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Vì vậy, vào mỗi dịp hè, khi con trẻ được nghỉ học, nhiều công nhân lao động bày tỏ lo lắng không biết gửi con ở đâu cho an toàn, thuận tiện và bản thân được yên tâm làm việc.
Nhiều người đã lựa chọn giải pháp đón ông, bà từ dưới quê lên trông cháu hoặc gửi con về quê nhờ ông, bà trông, cho con đi học thêm, đổi ca làm để ở nhà trông con, thậm chí nhiều công nhân chấp nhận lựa chọn giải pháp mạo hiểm là để con ở nhà chơi một mình.
Tại nhiều xóm trọ có đông công nhân thuê trọ, không khí trong những ngày hè thường ồn ã, náo nhiệt hơn bởi con em công nhân được nghỉ hè và tự chơi đùa với nhau. Tìm đến một xóm trọ có đông công nhân thuê trọ tại thôn Cổ Điển (xã Hải Bối, huyện Đông Anh), chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục trẻ em là con công nhân ở đủ mọi lứa tuổi từ mầm non đến tiểu học đang nô đùa trong một khoảng sân trước dãy nhà trọ cấp 4, trong căn phòng ngay cổng vào xóm trọ có một người phụ nữ đang tất bật chuẩn bị cho bữa cơm trưa nhưng vẫn tập trung quan sát đám trẻ nô đùa.
Đặc thù công việc của công nhân lao động là làm ca, kíp và liên tục tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống nên ít có thời gian quan tâm, chăm sóc con cái.
Vì vậy, vào mỗi dịp hè, khi con trẻ được nghỉ học, nhiều công nhân lao động bày tỏ lo lắng không biết gửi con ở đâu cho an toàn, thuận tiện và bản thân được yên tâm làm việc. Nhiều người đã lựa chọn giải pháp đón ông, bà từ dưới quê lên trông cháu hoặc gửi con về quê nhờ ông, bà trông, cho con đi học thêm, đổi ca làm để ở nhà trông con, thậm chí nhiều công nhân chấp nhận lựa chọn giải pháp mạo hiểm là để con ở nhà chơi một mình.
Chia sẻ với chúng tôi, người phụ nữ tên Trần Thị Vân, công nhân đang làm việc tại KCN Thăng Long cho biết, đa phần người thuê trọ ở đây đều là các hộ gia đình công nhân, vào dịp hè, con em chúng tôi được nghỉ học nên các hộ gia đình đã thống nhất với nhau sẽ xin đổi ca làm tại công ty để làm sao luôn có người ở xóm trọ trông nom đám trẻ con. “Vì trẻ con trong xóm đều đã lớn, biết tự ăn uống, vệ sinh và biết nô đùa, trông nom lẫn nhau nên chỉ cần một người lớn ở nhà là có thể quản lý được.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ phía chủ nhà trọ, ví như khi đi chợ, nấu cơm cho các cháu, tôi có thể nhờ chủ nhà trọ trông nom giúp. Việc các hộ gia đình trong xóm trọ phân công nhau để trông con trong những ngày hè như thế này giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí vì không phải mất tiền gửi con, đồng thời, nhờ đó mà chúng tôi cũng yên tâm lao động sản xuất hơn” – chị Vân bày tỏ.
Đồng lương công nhân còn eo hẹp nhưng vì dịp nghỉ hè không nhờ được người trông con lại càng không thể để con ở nhà một mình nên vợ chồng anh Nguyễn Văn Chung (quê Nghệ An), đang làm việc tại KCN Phú Nghĩa đã quyết định cho con đi học thêm. Theo lời anh Chung, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp hè là vợ chồng anh lại đau đầu chuyện trông con.
Có năm vợ chồng gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp, năm nào ông bà rảnh thì vợ chồng anh lại đón ông bà lên ở cùng để trông cháu những ngày nghỉ hè. Năm nay con anh bước vào lớp 1, ông bà ở quê cũng đã có tuổi nên không tiện gửi con. Vì vậy, vợ chồng anh quyết định cho con đi học thêm.
Cho con đi học thêm chúng tôi sẽ yên tâm hơn vì con đi học vừa được trau dồi kiến thức lại được các cô trông nom. May mắn là trong xóm trọ cũng có một vài người cho con đi học thêm chung lớp với con tôi nên chúng tôi thay phiên nhau đưa đón các cháu đi học. Nhờ đó mà công việc của chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều” – anh Chung chia sẻ.
Dịp hè, nhiều công nhân có con nhỏ ở độ tuổi mầm non không dám gửi con ở các điểm trông trẻ tư thục vì lo sợ con sẽ bị bạo hành nên phải đón ông bà từ dưới quê lên trông giúp để yên tâm làm việc. Chị Nguyễn Thị Hoa (quê Nam Định), công nhân đang làm việc tại KCN Sài Đồng chia sẻ, trước khi con được nghỉ hè, vợ chồng tôi đã đi tìm hiểu mấy điểm trông giữ trẻ tư thục ở gần chỗ trọ nhưng thấy điều kiện không đảm bảo, một người trông từ 15 – 20 trẻ.
Hơn nữa, do lo sợ con sẽ bị bạo hành như nhiều vụ báo chí đã đưa tin nên vợ chồng tôi đã quyết định đón ông bà từ dưới quê lên để trông giúp. Như thế vừa tiết kiệm được chi phí gửi con mà con lại được an toàn và vợ chồng tôi cũng yên tâm làm việc, đảm bảo năng suất lao động.
Với những gia đình công nhân có con đang học tiểu học, vì con đã tự chăm sóc được cho bản thân nên trong dịp hè họ thường quyết định để con ở nhà trọ một mình, cùng với đó là vô số các loại đồ chơi điện tử, điện thoại, vô tuyến… Anh Vũ Văn Chiến, công nhân đang làm việc tại KCN Thăng Long chia sẻ, vợ chồng tôi có 2 cháu, cháu lớn năm nay 10 tuổi, cháu nhỏ được 7 tuổi. Dịp nghỉ hè năm nay, vợ chồng tôi quyết định để các con ở phòng trọ và tự trông nom lẫn nhau vì cả hai đều đã lớn. Hi vọng rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với các con.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc quyết định để con ở nhà trọ một mình là lựa chọn vô cùng mạo hiểm bởi đối với trẻ nhỏ, nguy cơ xảy ra tại nạn, thương tích sẽ cao hơn khi trẻ tự chơi, tự sinh hoạt mà không có sự giám sát của người lớn, đôi khi trẻ có thể trở thành nạn nhân của các vụ bắt cóc, lạm dụng.
Với những trẻ lớn hơn, khi không có sự quan tâm của người lớn và trẻ chưa đủ chín chắn để nhận biết rõ tốt, xấu nên sẽ dễ sa vào các tệ nạn như nghiện game, dễ bị lôi kéo, xúi giục. Xuất phát từ nỗi lo của công nhân về vấn đề gửi con trong dịp hè, thêm vào đó là phần lớn con công nhân ít khi được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, do bố mẹ phải làm ca, kíp, tăng ca, không có điều kiện và thời gian cho con đi chơi.
Thiết nghĩ bên cạnh việc quan tâm, chăm lo cho công nhân lao động thì người sử dụng lao động và các tổ chức chính trị xã hội như Công đoàn, Đoàn thanh niên… cần có những hoạt động thiết thực, ý nghĩa dành cho con em công nhân trong dịp hè.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/he-ve-them-noi-lo-gui-tre-92953.html