HEAD Honda bán chênh giá SH Mode đến 14 triệu đồng
Mẫu xe SH Mode được Honda Việt Nam niêm yết với giá chưa đến 65 triệu đồng với bản cao cấp nhất. Tuy nhiên, thời gian gần đây dòng xe này đang bị các HEAD Honda đội giá lên rất cao, có nơi bán chênh giá đến 14 triệu đồng.
Bán chênh giá
Cụ thể, tính đến ngày 6/4/2023 giá niêm yết của Honda Việt Nam cho dòng SH Mode 125 với phiên bản tiêu chuẩn là gần 58,2 triệu đồng; phiên bản cao cấp là gần 63,3 triệu đồng; phiên bản đặc biệt là gần 64,5 triệu đồng; phiên bản thể thao có giá là gần 65 triệu đồng.
Thế nhưng, ghi nhận của PV tại một số HEAD Honda trên địa bàn Tp.HCM, mẫu xe SH Mode đang bị bán với giá cao hơn rất nhiều so với giá đề xuất của hãng. Với mỗi phiên bản, từng HEAD Honda đều có một giá riêng cho mình, mà không đồng nhất chung.
Điển hình, tại HEAD Bình Minh 2 (địa chỉ: Số 234, đường Võ Văn Ngân, Tp. Thủ Đức), mẫu SH Mode 125 phiên bản thể thao đang được bán với giá 79 triệu đồng, chênh với giá niêm yết đến 14 triệu đồng. Còn đối với bản đặc biệt, giá bán là 67,9 triệu đồng, chênh khoảng 3,5 triệu; bản tiêu chuẩn được bán giá 59,9 triệu chênh hơn 1,7 triệu đồng.
Tương tự, HEAD Phát Tiến 1 nằm tại số 17, đường Nơ Trang Long (Bình Thạnh), tư vấn bán hàng cho hay SH Mode 125 phiên bản thể thao giá dao động 74-75 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất hãng đến 10 triệu đồng; phiên bản đặc biệt được bán với giá 66-68 triệu đồng, chênh 1,5-3,5 triệu đồng; phiên bản tiêu chuẩn giá bán từ 59-60 triệu đồng, chênh 800-1,8 triệu đồng; phiên bản cao cấp được bán 66-68 triệu đồng, chênh 2,7-4,7 triệu đồng.
Không “ham lời” như các đại lý khác, HEAD Việt Thái Trung (địa chỉ: Số 1, đường Quang Trung, quận Gò Vấp) đưa ra mức 59-60 triệu đồng cho phiên bản tiêu chuẩn của SH Mode, chỉ chênh 1 triệu đồng so với giá niêm yết. Tuy nhiên đối với phiên bản thể thao lại được bán với giá 75 triệu đồng, chênh đến 10 triệu đồng; phiên bản đặc biệt bán giá 67,3 triệu đồng, chênh 1,8 triệu đồng; phiên bản cao cấp được bán với giá 65,7 triệu đồng, chênh hơn 2,4 triệu đồng.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chênh giá trên, các tư vấn viên của HEAD Honda đều cho rằng: “Cửa hàng phải tốn thêm chi phí và các loại thuế, nên phải bán cao hơn mức giá đề xuất và giá của hãng niêm yết chỉ là giá tham khảo mà thôi”.
Nhân viên tư vấn của HEAD Bình Minh 2 khẳng định với PV: “Anh không thể nào mua SH Mode trên thị trường với mức giá niêm yết của hãng được, đó chỉ là giá tham khảo, trên thị trường ở đâu cũng sẽ bán chênh giá mà thôi”.
Trong khi đó, tư vấn viên bán hàng của HEAD Việt Thái Trung lại cho rằng: “Giá SH mode thay đổi theo từng ngày, có thể tăng giảm tùy theo thị trường, nên em chỉ tư vấn anh giá trong khoảng giao động anh ạ”.
Cá biệt, tư vấn viên của HEAD Timexco trên đường Kha Vạn Cân (Tp. Thủ Đức) cho rằng chính sách bán hàng của Honda Việt Nam buộc các HEAD phải bán chênh giá mới bù đắp được thiệt hại mà những mẫu xe bán thấp hơn với giá niêm yết gây ra.
“Những dòng xe mới ra, được ưa chuộng thì Honda Việt Nam giao về các HEAD rất nhỏ giọt. Ví dụ hãng buộc các HEAD nếu lấy 10 chiếc xe thuộc dòng bán chạy thì phải ‘kẹp’ thêm một số lượng nhất định dòng xe bán ế”, tư vấn viên này lý giải.
Đối với vấn đề liên quan đến hóa đơn, tư vấn viên này cho biết sẽ xuất hóa đơn bằng với giá niêm yết chứ không xuất hóa đơn theo giá bán. Đặc biệt, khách hàng mua xe được hướng dẫn chuyển khoản vào số tài khoản của một cá nhân.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại nhiều HEAD Honda, cửa hàng chính hãng Yamaha... trên địa bàn Tp.HCM.
Bán xe “hai giá” và chỉ đạo khẩn của Tổng cục Thuế
Bán xe “hai giá” là thuật ngữ mà dư luận và người tiêu dùng nói về chiêu trò kinh doanh không lành mạnh của các đại lý ô tô, xe máy chính hãng được nhà sản xuất ủy nhiệm.
Cụ thể, các đại lý bán xe với giá cao hơn nhiều so với giá đề xuất hoặc niêm yết nhưng khi xuất hóa đơn lại ghi giá thấp hơn nhiều so với thực tế. Theo Tổng cục Thuế, hành vi này có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, người tiêu dùng lại chịu nhiều thiệt thòi vì phải trả thêm từ 5 đến 10 triệu đồng cho mỗi chiếc xe máy và hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho mỗi ô tô.
Liên quan đến vấn đề này, Tài chính Doanh nghiệp đã truyền tải thông điệp của Tổng cục Thuế trong bài: “Ngành thuế xử lý bán xe ‘hai giá’ không dễ”. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh - kiểm tra, quản lý hóa đơn nhằm tránh tình trạng bán xe “hai giá”.
Đồng thời, thực hiện đánh giá phân loại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động đại lý, kinh doanh ôtô, xe máy có dấu hiệu rủi ro khi không xuất hóa đơn, ghi giá hóa đơn thấp hơn giá thực tế giao dịch để xem xét bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đột xuất.
Theo Tổng cục Thuế, sắp tới cơ quan thuế sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để quản lý; định kỳ rà soát hệ thống quản lý hóa đơn điện tử, thu thập thông tin và đánh giá dữ liệu đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn. Từ đó thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý giá để xử lý các hành vi vi phạm.
Trường hợp phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm, các Cục thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, khởi tố theo quy định.