'Hẹn gặp lại Sài Gòn', 'Hà Nội mùa đông năm 46'... và những phim điện ảnh về Bác Hồ
Hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo của các văn nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt ở lĩnh vực điện ảnh.
Phim điện ảnh đầu tiên về Bác Hồ là Hẹn gặp lại Sài Gòn của đạo diễn Long Vân, kịch bản Sơn Tùng.
NSƯT Tiến Hợi thể hiện hình tượng Bác Hồ thời trẻ. Phim cũng khắc họa hình bóng một người con gái xuất hiện bên cuộc đời người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Út Vân do NSND Thu Hà đảm nhận.
Kịch bản phim ban đầu được đặt tên là Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng. Cả ê-kíp làm phim từ biên kịch, đạo diễn cho đến quay phim Nguyễn Quang Tuấn, các nghệ sĩ Tiến Hợi, Thu Hà… đều coi đây như một “nhiệm vụ chính trị cũng như thể hiện lòng kính yêu Bác”. Nhiều người trong đoàn phim đã không nhận thù lao để dành hết kinh phí cho phim.
Sau khi công chiếu năm 1990, Hẹn gặp lại Sài Gòn được in ra 5 bản, trong đó có 4 bản chiếu trong nước và một bản được Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tặng nhân dân Ấn Độ.
Sau này các nhà làm phim Việt Nam thực hiện thêm một số tác phẩm điện ảnh khác về Bác Hồ như Hà Nội mùa đông năm 46 (đạo diễn Đặng Nhật Minh,sản xuất năm 1997), Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, sản xuất năm 2003), Thầu Chín ở Xiêm(đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, sản xuất năm 2015), Nhà tiên tri (đạo diễn Vương Đức, ra mắt năm 2015).
Hà Nội mùa đông năm 46 nằm trong danh sách những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng, khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với những quyết sách sáng suốt, đầy trí tuệ.
NSƯT Tiến Hợi một lần nữa được vào vai Bác Hồ. Nếu trong bộ phim điện ảnh đầu tiên, ông thể hiện thành công hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trung thực, trong sáng, hoài bão, ở Hà Nội mùa đông năm 46, nam nghệ sĩ nhận nhiệm vụ lột tả sự kiên định, sáng suốt và đầy quyết đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một trong những phim điện ảnh gần nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh được công chiếu là Thầu Chín ở Xiêm. Phim có cốt truyện trung thành gần như tuyệt đối với lịch sử, xoay quanh những diễn biến cuộc sống của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1928-1929.
Lúc này, nhà lãnh tụ đã trải qua 17 năm hoạt động ở nhiều quốc gia, về đến Thái Lan và có mật danh là Thầu Chín. Ở đây Nguyễn Ái Quốc xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
Để đầu tư cho Thầu Chín ở Xiêm, ê-kíp làm phim trải qua chuyến đi thực tế hàng tháng trời ở Thái Lan. Hầu hết chi tiết trong phim đều là những chi tiết có thật. Không chỉ về mặt tư liệu lịch sử, đoàn làm phim còn phải đầu tư cho các cảnh quay, phục dựng lại một cảng biển của Bangkok nay đã biến thành khách sạn và sân bay Udon.
Thầu Chín ở Xiêm có thời lượng gần 100 phút do Cục Điện ảnh đặt hàng Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam với kinh phí 10 tỷ đồng, được chọn công chiếu khai mạc Tuần phim kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cùng ra mắt năm 2015, bộ phim Nhà tiên tri tái hiện giai đoạn lịch sử từ năm 1947-1950 tại chiến khu Việt Bắc. Kịch bản kết cấu chặt chẽ, nhiều tình tiết thú vị, cho thấy tầm nhìn chiến lược, khả năng tiên đoán của Hồ Chí Minh trước những bước đi của lịch sử, về thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt, phim mang đến hình ảnh vị Chủ tịch nước thật bình dị và gần gũi, qua tài diễn xuất của NSND Bùi Bài Bình.
Nam nghệ sĩ ép cân, giảm từ 56 kg xuống còn 50 kg, để râu cho phù hợp với ngoại hình của Bác. Ông cố gắng học thêm ngoại ngữ để có thể thoại tốt khi thể hiện những đoạn thoại tiếng nước ngoài.
Năm 2020, Cục Điện ảnh tổ chức thi kịch bản phim, kịch bản về thời niên thiếu của Bác là Vầng trăng thơ ấu của tác giả Đặng Thị Thanh Bình giành giải và đang trong quá trình hoàn thiện phim. Vầng trăng thơ ấu dự kiến ra mắt khán giả trong năm 2024.
Tuy nhiên, số lượng phim điện ảnh về Bác Hồ được đánh giá còn khá khiêm tốn, chưa thực sự có tác phẩm điện ảnh tầm cỡ về cuộc đời vĩ đại của Người. Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhìn nhận điện ảnh Việt còn nợ khán giả với mảng đề tài về chân dung lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.