Heo, chuột và nhiều loài khác có thể thở bằng… mông
Nghiên cứu mới chứng minh nhiều loài động vật có vú có khả năng hô hấp bằng đường ruột giống cá. Phát hiện có vẻ ngộ nghĩnh này có thể là tiền đề cho một ứng dụng y học đột phá.
Theo SciTech Daily, công trình đột phá đã chứng minh khẳ năng hô hấp đặc biệt của heo và chuột thông qua việc thiết kế một hệ thống cung cấp oxy tinh khiết dưới dạng chất lỏng qua hậu môn - trực tràng của chuột, rồi đưa chúng vào một môi trường oxy cực thấp. Với những con chuột không được thông khí, không con nào có thể sống sót quá 11 phút. Nhưng 75% số chuột được giúp đỡ để "thở" từ mông thì vẫn sống sót trong 50 phút.
Thí nghiệm được lặp lại với những con heo và thành công tương tự. Theo bài công bố trên AGU Advances, các thí nghiệm này nhằm chứng minh động vật có vú cũng có khả năng thở bằng đường ruột giống như nhiều loài sinh vật dưới nước như hải sâm, cá chạch và một số loài cá da trơn khác.
Theo giáo sư Takanori Takebe từ Đại học Y - Nha khoa Tokyo (Nhật Bản) và Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati (Mỹ), tác giả cao cấp của nghiên cứu, công trình này hướng tới một phương pháp hỗ trợ hô hấp mới cho con người, tất nhiên sẽ cần thêm một giai đoạn nghiên cứu để đánh giá độ an toàn và cách thực hiện tối ưu.
Hỗ trợ hô hấp qua đường ruột có thể ứng dụng trong các bệnh nhân viêm phổi nặng hay mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính, mà các phương pháp hỗ trợ hô hấp khác không còn đạt hiệu quả như mong muốn.
Phys.org trích dẫn nghên cứu rằng các cách thông khí qua đường ruột thông thường yêu cầu mài mòn lớp niêm mạc nên không khả thi về mặt lâm sàng, vì vậy các tác giả đã sử dụng chất lỏng thay thế trong nghiên cứu, là một hóa chất đã được chứng minh lâm sàng là tương thích sinh học và an toàn cho con người.
Giáo sư Takebe cho biết thêm: "Đại dịch Covid-19 gần đây đang làm tăng mạnh nhu cầu về các thiết bị hỗ trợ hô hấp, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các thiết bị sẵn. Hệ thống thông khí của chúng tôi cung cấp oxy cho động mạch, nếu được mở rộng để áp dụng cho con người, có khả năng đủ để điều trị bệnh nhân suy hô hấp nặng".
Nghiên cứu đang tiến tới giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng với sự hỗ trợ từ Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y tế Nhật Bản.