Héo hon vì chồng, con mắc nghiện

Những người phụ nữ có chồng, có con mắc nghiện ma túy đều đã và đang ở trong tình cảnh héo hon, sống mòn. Câu chuyện về cuộc đời của họ khiến nhiều người không khỏi chua xót, hậu họa vì ma túy vẫn luôn là lời cảnh tỉnh không bao giờ cũ.

Từ tỉnh miền núi xa xôi cách Bắc Giang mấy trăm cây số, bà Bàn Thị V ở thôn Yên Bình, xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vất vả bắt xe khách đến bến, rồi ngơ ngác thuê anh xe ôm chở đến Cơ sở cai nghiện ma túy (xã Song Mai, TP Bắc Giang) để gặp con. Bàn Văn T (28 tuổi) - đứa con trai còn lại duy nhất của bà vừa phải đi cai nghiện bắt buộc tại đây. Trời nắng chang chang, khuôn mặt, lưng áo sũng mồ hôi, người phụ nữ gày gò có phần khắc khổ, trông già hơn nhiều so với tuổi 45 khệ nệ xách một số đồ dùng, thực phẩm mang từ quê gửi cho con.

Người thân thăm gặp học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (xã Song Mai, TP Bắc Giang).

Người thân thăm gặp học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (xã Song Mai, TP Bắc Giang).

“Từ hôm nó vào đây cũng được một tháng rồi, hôm nay tôi mới bố trí được thời gian, tiền bạc đến thăm được”, bà V giãi bày. Khi tôi ngỏ ý muốn được chia sẻ về đứa con trai mắc nghiện, bà rơm rớm nước mắt: “Hồi vợ chồng mới lấy nhau, chúng tôi cũng hạnh phúc với bao dự định tốt đẹp. Ngày ấy chồng đi làm xây dựng, tôi ở nhà ruộng nương. Sinh được hai đứa con trai, đứa nào cũng cao lớn. Nhưng rồi ma túy bập vào làng quê khiến gia đình phút chốc tan tành. Chồng tôi mắc nghiện, của nả cứ trôi dần, còn phải bán cả ruộng để “nuôi”. Đằng đẵng gần 10 năm đồng hành, thuyết phục chồng cai thành công được hơn ba năm thì nay lại đến con.

Tôi nhớ ngày T còn bé, thấy bố nghiện ngập nó buồn và giận lắm, nó bảo ghét bố vì làm mẹ khổ. Vậy mà nó lại đi theo vết xe đổ của ông ấy. Tình cảnh gia đình càng buồn hơn khi đứa con trai đầu không may chết do tai nạn giao thông, chưa cả kịp lấy vợ”. Khi chồng cai thành công, tỏ ra tu chí làm ăn ở quê, bà V theo người thân đến Bắc Giang xin làm công nhân ở KCN Quang Châu (Việt Yên), thu nhập từ 7-8 triệu đồng mỗi tháng. Thấy vậy bà “kéo” đứa con trai xuống cùng làm.

Hai mẹ con thuê nhà, mỗi tháng cũng tiết kiệm được một lương. Thế nhưng cuối năm ngoái, công ty ít việc, thu nhập chỉ còn phân nửa, nên bà V tạm thời một mình về quê. Ai dè xa mẹ được vài tháng thì T mắc nghiện. T còn đi ăn cắp để có tiền mua ma túy nhưng chưa kịp lấy được gì thì bị lực lượng công an bắt, đưa đi cai nghiện bắt buộc. Đứa con khỏe mạnh, cao to thế giờ gầy gò, ốm yếu sau khi vướng vào ma túy. Chồng, con nghiện hút khiến bà vô cùng đau đớn. “Tôi sống mà như không sống, tất cả chỉ là chịu đựng. Nó lớn rồi, đâu phải như đứa trẻ mà đi đâu cũng bế đi theo. Tôi chỉ cầu mong có phép màu nào giúp con cai nghiện thành công, rồi lấy vợ, sinh cháu; mẹ con có cháo ăn cháo, có cơm ăn cơm”, bà V nói.

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang đang quản lý gần 230 học viên. Sau những giờ thăm gặp, những người mẹ, người vợ có chồng, con đều nén nỗi buồn đau, lặng lẽ lau nước mắt và chờ đợi, hy vọng, tin tưởng nơi đây sẽ giúp người thân của mình cai nghiện thành công.

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang đang quản lý gần 230 học viên toàn nam giới. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Cơ sở cho biết trong số này có không ít học viên vào đây đến lần thứ ba, thứ tư. Đơn cử như anh Trần Văn K ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang). Theo lời giới thiệu vào chiều thứ Sáu đúng ngày thăm gặp, ông Thắng đưa tôi đến gặp vợ - chị Nguyễn Thị Th. Nhắc đến người chồng nghiện ngập, chị bật khóc nức nở khi cuộc nói chuyện với chồng vừa xong trở thành cuộc cãi vã gay gắt. Chị đau đớn nhận ra rằng, con đường quay lại cho chồng mình còn gập ghềnh.

Hết giờ thăm gặp, tôi tìm gặp chị, câu chuyện chồng mắc nghiện mà chị kể khiến tôi vô cùng khâm phục người phụ nữ này. Chị bảo, anh mắc nghiện từ khi mới cưới nhau được vài năm. Đó là năm 1994, khi nhiều người còn chưa biết ma túy là gì thì chồng đã bập vào. Gia đình anh có điều kiện, tiền bạc rủng rỉnh nên càng ngày anh càng lún sâu. Thuốc phiện, heroin, morphin, ma túy đá, thuốc lắc, ke, đá, ngựa… anh đều đã từng sử dụng nên chị từ chối sinh thêm đứa con thứ hai, sợ rằng đẻ ra con không khỏe mạnh. Thường xuyên thức khuya, đêm ít ngủ, dậy muộn, ngày ngủ nhiều, ăn uống thất thường, ngáp vặt.

Khi nhìn thấy chồng trong tình trạng lơ lửng, hay cáu gắt, sửng cồ, chị đã rất sợ hãi và tìm mọi cách đưa đi cai. Lần này vào đây cai đã là lần thứ 4. Nhưng cứ được một thời gian về nhà lại tái, mọi thứ vẫn cứ trượt dài. Bỏ thì thương, vương thì tội, chị đứng dậy được là nhờ vào sự hết mực thương yêu của những người thân đặc biệt là bố mẹ chồng, anh chị em chồng. Chị còn an ủi bản thân thôi thì chồng như thế nhưng may kéo được đứa con gái duy nhất sinh năm 1990.

Mấy năm trước cha mẹ chồng qua đời. Nhớ lại lời trăng trối của hai cụ, chị không nỡ lòng nào rời bỏ anh. Bởi chị vẫn còn thương và rất yêu chồng. Rồi chị kể lần nào đến thăm gặp anh cũng gây cho chị ức chế, bởi anh bảo rằng vì vợ mà anh phải vào đây cai tập trung, cứ để cho anh cai tại nhà để anh còn được tự do đi lại. Nhưng chị cương quyết không đồng ý.

Cố tỏ ra vui vẻ sau thời gian thăm gặp ít ỏi để động viên chồng, con kiên trì cai nghiện. Những người mẹ, người vợ lại nén nỗi buồn đau, buông tiếng thở dài, lặng lẽ lau nước mắt và chờ đợi, hy vọng, tin tưởng nơi đây sẽ giúp người thân của mình cai nghiện thành công.

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/405842/heo-hon-vi-chong-con-mac-nghien.html