Héo hon vì 'siêu mỏ đá' nổ mìn kiểu 'công nghệ hiện đại'
Theo người dân ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc nổ mìn khai thác mỏ đá vôi để làm nguyên liệu sản xuất xi măng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh, hàng trăm nhà nứt nẻ, ruộng lúa luôn trong tình trạng thiếu nước, năng suất thấp. Doanh nghiệp nổ mìn và nhà máy xi măng đã có phương án bồi thường nhưng nhiều hộ vẫn không đồng tình.
Nhà nứt, ruộng khô, bụi bặm, ồn ào
Từ tháng 3/2014, mỏ đá này đi vào hoạt động, từ đó dân “sống trong sợ hãi”. Qua quan sát, nhận thấy hàng trăm ngôi nhà gần nơi khai thác bị nứt toác tường, nền nhà, nguy cơ nhà sập hiện hữu.
Chỉ tay vào bức tường nứt nẻ, bà Nguyễn Thị Khứu (70 tuổi, ngụ đội 8, thôn Xuân Điền Lộc) sống cách mỏ đá chừng 200m, ái ngại tâm sự: “Do họ khai thác đá âm dưới đất chừng 20m nên đã gây ra chấn động lớn, nhà cửa của bà con trong thôn đều bị rạn nứt nhiều chỗ khiến ai cũng lo sợ. Hàng ngày, cứ tầm 11h là phía Nhà máy Xi măng Đồng Lâm cho nổ mìn, người già, trẻ em đều ngủ không được. Mỗi lần như thế, nền đất nhà tui lại rung chuyển, khung cửa sổ cứ rung lên bần bật. Nền sân, bờ tường vì thế mà rạn nứt. Nhà tôi mới xây cách đây hai năm giờ đã hỏng, mưa dột. Dành dụm cả đời mới xây được ngôi nhà, rồi đây không biết sống ra sao.Thật là khổ, lo đến mất ăn, mất ngủ”.
Một ngôi nhà xây dựng bề thế, hai tầng, cách mỏ đá vôi chừng 600m cũng nham nhở các vết nứt trên tường nhà, đó là nhà của bà Thái Thị Điệp (50 tuổi, ngụ thôn Xuân Lộc). Theo bà Điệp, cuộc sống của người dân nơi đây hết bình yên từ ngày nhà máy xi măng cho nổ mìn.
Không chỉ nứt nhà, quá trình vận chuyển đá cũng gây nên nhiều hệ lụy về môi trường. Mỗi khi xe chở đá chạy qua khu dân cư bụi đường bay mịt mù đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống người dân. Ban đêm dù đã quét nhà sạch sẽ nhưng sáng ra bụi đã bám đầy.
Việc nổ mìn bị cho là còn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do áp lực nổ lớn, đất đá văng tung tóe khắp mặt ruộng khiến những cánh đồng lúa xung quanh năng suất giảm. Hoa màu cũng chết héo do khói thuốc nổ và cạn kiệt nước ngầm. Ruộng có nhiều khu vực phải bỏ hoang, không thể sản xuất. Việc nổ mìn còn khiến nguồn nước sinh hoạt ở đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Trần Văn Phước (57 tuổi, ngụ thôn Xuân Lộc) phân tích: “Tôi trồng 4 sào ruộng nhưng luôn trong tình trạng thiếu nước vì mạch nước ngầm chảy hết vào mỏ. Dù tôi bơm nước hàng ngày nhưng năng suất vụ vừa qua quá giảm, trước 1 sào hơn 3 tạ lúa, bây giờ chỉ còn một nửa dù bón phân gấp đôi. Nếu tình trạng này tiếp tục, chắc tôi phải bỏ hoang ruộng”.
Ba năm giằng co kiện tụng
Được biết, năm 2011 Công ty CP Xi măng Đồng Lâm cho xây dựng 1 trạm đập đá, đến cuối năm 2012 tiếp tục xây một khu mỏ đá vôi để khai phá, nổ mìn lấy đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Nhà máy xi măng này thuê Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc (trụ sở chính đóng tại tỉnh Hải Dương) khai thác mỏ đá vôi này và được Bộ TN&MT cấp Giấy phép số 1708/GP-BTNMT ngày 31/8/2009 phê duyệt 90ha; thời hạn 30 năm; trữ lượng khai thác trên 1 triệu tấn/năm.
Thống kê của UBND xã Phong Xuân cho thấy đã có 128 nhà dân thuộc 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc và Cổ Xuân - Quảng Lộc bị nứt nẻ với 20ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Đây là những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai thác đá vôi tại mỏ trong khoảng cách dưới 500m (chưa kể phạm vi trên 500m).
Theo ông Nguyễn Bá Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân, từ năm 2015 đến nay người dân bắt đầu phản ánh và gửi đơn lên xã về việc nhà bị nứt. Sau những phản ánh của dân, xã Phong Xuân đã phối hợp với các ban, ngành liên quan, huyện Phong Điền vào cuộc kiểm tra.
Hiện Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm đã phối hợp với UBND xã Phong Xuân khảo sát đền bù, hỗ trợ tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng sửa chữa nhà bị nứt nẻ cho các hộ, nhưng vẫn còn một số hộ vẫn chưa đồng ý vì mức hỗ trợ chưa thỏa đáng.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch này, sắp tới xã sẽ phối hợp với công ty tiếp tục đối thoại với các hộ dân nhằm tìm tiếng nói chung; đồng thời báo cáo UBND huyện để có phương án tháo gỡ. Còn vấn đề bụi, địa phương cũng đã yêu cầu đơn vị vận tải cho tưới nước hàng ngày trên các tuyến đường xe đi qua nhằm giảm thiểu bụi. Về đất sản xuất bị ảnh hưởng, xã sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm thống kê thiệt hại nhằm bồi thường.
Một số nhà dân dù cách mỏ đá vôi với bán kính hơn 500m nhưng cho rằng vẫn bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, và họ không hề được nhận một đồng tiền đền bù. Ông Trần Văn Bình (64 tuổi, ngụ thôn Xuân Lộc) bức xúc: “Tôi sống cách các hộ được bồi thường chỉ 1 con đường nhỏ, vết nứt của nhà tôi rất lớn nhưng không có ai hỏi thăm gì. Đa phần dân ở đây nhận tiền đền bù chừng 5 đến 10 triệu mỗi hộ, một số khác hỏng nặng nhà máy trực tiếp cho người tới sửa sang.
Tôi mong rằng, các cấp ban ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu để những hộ dân bị thiệt hại nặng như tôi cũng được bảo vệ. Tôi định sửa nhà nhưng nhà tôi hỏng vì mìn, sửa rồi lại hỏng mà thôi. Chúng tôi cần được an cư lâu dài”.
“Nổ mìn thì phải có chấn động”
Để nắm rõ thêm sự việc, PLVN đã gặp đại diện đơn vị khai thác mỏ đá là Công ty Tân Việt Bắc. Ông Đoàn Văn Tuấn (Chỉ huy trưởng công trường mỏ đá vôi Đồng Lâm) cho biết, từ tháng 3/2014, Công ty bắt đầu khai thác, đến tháng 8/2014 thì bắt đầu nổ mìn. Trung bình mỗi lần công ty dùng 3 tấn thuốc nổ với hình thức nổ vi sai phi điện. Đây là công nghệ tiên tiến nhất ở Việt Nam, giảm rung chấn, tiếng ồn.
Ngoài ra, Công ty còn hạn chế nổ khi phá đá quá cỡ, đồng thời tăng cường dùng búa đập phá đá lớn để giảm thiểu đá văng xa và tiếng ồn. Đơn vị có 30 đầu xe vận chuyển, trung bình mỗi ngày, khai thác khoảng 8.000 tấn đá để cung cấp cho Nhà máy Xi măng Đồng Lâm.
“Nổ mìn thì phải có chấn động, chứ không thể nói không có. Thế nhưng phải đánh giá trên nhiều phương diện. Công ty Tân Việt Bắc đã áp dụng phương pháp khai thác đá tiên tiến, hiện đại nhất. Chúng tôi cũng đã làm đúng luật, mong người dân nơi đây hiểu và thông cảm”, ông Tuấn nói.
Tìm gặp đại diện phía Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, ông Nguyễn Văn Bắc (Giám đốc điều hành mỏ đá vôi Phong Xuân) cho hay, những diện tích lúa bị ảnh hưởng, đơn vị đã thỏa thuận hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân, cụ thể 1 triệu đồng/1 sào. Có những thửa ruộng thiếu nước, Công ty hỗ trợ thêm 300 nghìn/sào.
Riêng nhà cửa, các công trình kiến trúc, đơn vị đã phối hợp với UBND huyện Phong Điền, UBND xã Phong Xuân kiểm tra, xác minh mức độ và đã hỗ trợ 118 hộ dân với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng (96 hộ nhận bằng tiền mặt, 18 hộ công ty trực tiếp sửa, còn 4 hộ chưa chấp nhận) và theo đánh giá của vị này “nhìn chung dân đã hài lòng”.
Một mâu thuẫn khác dân và nhà máy giằng co, đó là việc nổ mìn của nhà máy có làm ảnh hưởng đến nhà dân hay không. Công ty được cấp phép khai thác 90ha, độ sâu 30m, hiện tại đơn vị này đã khai thác 20ha, độ sâu 20m.
“Đơn vị chúng tôi đã mời Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh, huyện rồi công an và hội kỹ thuật nổ mìn cùng với những giám sát hàng đầu từ Hà Nội vào kiểm tra đo độ chấn động, sóng và tiếng ồn, kết quả đều trong mức cho phép. Chưa hề có ban ngành nào kết luận, nguyên nhân nhà nứt là do nổ mìn cả. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát các nhà hư hỏng nhằm có hướng hỗ trợ thêm cho bà con”, vị này nói.
Cũng theo ông Bắc “theo quy định, công ty chỉ hỗ trợ cho những hộ sống cách mỏ dưới 300m nhưng Đồng Lâm đã cố gắng hỗ trợ tới những hộ sống cách ranh giới mỏ dưới 500m. Vừa rồi, đơn vị đã xây dựng, trao tặng 3 nhà tình nghĩa ở địa phương, đồng thời cũng hỗ trợ 1.200 tấn xi măng cho xã Phong Xuân xây dựng nông thôn mới”.
Thuật lại những thông tin trên cho một số hộ dân khiếu nại, các hộ đều cho rằng trả lời của nhà máy là chưa thỏa đáng. Các hộ dân đề nghị trong sự việc này, cần có sự vào cuộc của các cơ quan cấp cao hơn để đưa ra kết luận, phân xử khách quan, đúng luật.
Các chuyên gia, cơ quan chức năng nhận xét và đưa ra hướng xử lý ra sao về sự việc này? PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo tới.
Ông Trịnh Đức Hùng (Chủ tịch UBND huyện Phong Điền) cho hay, về lâu dài huyện sẽ tính đến phương án di dời những hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi khác. Tuy nhiên, không rõ kế hoạch di dời ra sao, nguồn tiền đền bù từ đâu, các hộ dân còn phải “sống trong lo sợ” đến lúc nào.