Heo Thái Lan về nhỏ giọt, giá heo giống lại tăng
Các doanh nghiệp đã đăng ký nhập khẩu gần 4,5 triệu con heo Thái Lan nhưng đến nay mới có gần 9.000 con heo thịt về đến Việt Nam
Ngày 8-7, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trang trại Đồng Hiệp, thành viên Công ty Thùy Dương Phát – doanh nghiệp (DN) đầu tiên nhập khẩu heo thịt Thái Lan ở phía Nam, cho biết hiện trang trại đang bỏ trống vì chưa có heo về.
"Lô heo thịt 500 con đầu tiên của công ty nhập khẩu ngày 26-6 đã được xuất bán xong vào ngày 2-7 nhưng lô tiếp theo bị chậm nhiều so với kế hoạch. Theo dự kiến, từ 3-4 ngày công ty sẽ nhập 1.000 con heo Thái Lan cung cấp cho thị trường nhưng đang vướng thủ tục ở nước trung gian.
Nhập heo sống rất khó khăn, trong khi Việt Nam và Thái Lan không chung biên giới. Heo đưa từ Thái Lan qua Lào phải kiểm tra từng con rồi sang xe; đến Việt Nam lại kiểm tra, sang xe nên rất mất thời gian, nhân lực và chi phí. Nguồn cung heo của Thái Lan cũng hạn chế vì chỉ một số trang trại mới được phép xuất khẩu heo sang Việt Nam, trong khi nhu cầu của DN Việt Nam thì lớn" – ông Thắng phân tích.
Trong khi đó, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết từ ngày 11-6 đến 15-6, qua đàm phán với Cục Thú y Thái Lan đã công nhận 13 trang trại/công ty của Thái Lan đủ điều kiện an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu heo sống sang Việt Nam. "Tính đến ngày 5-7, đã có 30 lượt DN Việt Nam đăng ký kiểm dịch nhập khẩu gần 4,5 triệu con heo sống từ 13 công ty xuất khẩu của Thái Lan. Trong đó, đã có 7 DN của Việt Nam nhập khẩu gần 9.000 con heo sống từ Thái Lan và đang tiếp tục nhập khẩu nhiều lô heo mới" - Cục Thú y thông tin.
Đáng chú ý, ngày 4-7, Cục Thú y nhận được văn bản của Cục Thú y Thái Lan đề nghị bổ sung nhiều công ty xuất khẩu heo sống vào Việt Nam. Tuy nhiên, qua rà soát Cục Thú y nhận thấy phần lớn các công ty này không có trang trại chăn nuôi heo (chỉ kinh doanh vận tải hàng hóa hoặc buôn bán heo).
Chính vì vậy, để bảo đảm các lô heo sống nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc từ những trang trại an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng các điều kiện đã thống nhất giữa hai nước, Cục Thú y đã báo cáo ngay với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này. Cục Thú y đang trao đổi, đàm phán với Cục Thú y Thái Lan, đề nghị cung cấp cho phía Việt Nam tài liệu liên quan của các công ty mới đăng ký bổ sung để xuất khẩu heo sống vào Việt Nam, nhằm bảo đảm đáp ứng các yêu cầu đã thống nhất với phía Thái Lan.
Do heo Thái Lan về nhỏ giọt nên giá heo hơi trong nước vẫn đứng yên ở mức 85.000 – 86.000 đồng/kg như thời điểm cách đây 1 tháng, khi Việt Nam cho phép nhập khẩu heo thịt để hạ nhiệt thị trường. Theo giới kinh doanh, nếu giá heo hơi trong nước giảm nữa thì DN sẽ ngưng nhập khẩu vì không còn lợi nhuận. "Năng lực sản xuất của Thái Lan khoảng 20 triệu con heo thịt/năm. Đây là đất nước du lịch nhưng ảnh hưởng Covid-19 nên không có khách đến dẫn đến dư heo nhưng không quá nhiều. Chính vì vậy, khi Việt Nam đẩy mạnh mua heo thì mặt bằng giá ở nước này tăng. Sau khi tính chi phí vận chuyển thì heo Thái Lan về đến Việt Nam cũng xấp xỉ 84.000 – 85.000 đồng/kg"- đại diện một DN nhập khẩu heo cho hay.
Heo giống tăng giá theo heo Thái Lan
Trong khi giá heo thịt không giảm thì giá heo giống lại tăng do các DN nhập khẩu heo giống từ Thái Lan đang chào giá từ 14 – 15 triệu đồng/con đối với heo hậu bị (heo cái từ 90 – 110 kg/con). Ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tám Do (Đồng Nai) cho biết hiện các trại bán heo giống đã tăng tiền phí tuyển chọn giống từ 2,5 triệu đồng/con (thời điểm tháng 5, trước khi heo giống Thái Lan về) lên 3-3,5 triệu đồng/con. "Ngoài tiền phí tuyển chọn giống, heo hậu bị sẽ được cân và tính giá bằng heo thịt theo thị trường. Như vậy, giá một con heo hậu bị 100 kg hiện nay khoảng 11,5 – 12 triệu đồng/con, vẫn thấp hơn heo giống Thái Lan" – ông Hậu nói.