Hết chịu nổi vì ô nhiễm
Hai nhà máy xi măng hoạt động khiến người dân chịu đựng ô nhiễm từ nhiều năm nay. Người dân mong muốn di dời sang nơi ở khác song chưa thể thực hiện được
Gửi đơn đến Báo Người Lao Động, các hộ dân tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh và thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) sống gần Nhà máy Xi măng Áng Sơn của Công ty CP Cosevco 6 và Nhà máy Xi măng Vạn Ninh của Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân cho biết đang hằng ngày phải chịu cảnh ô nhiễm trầm trọng từ khói, bụi, tiếng ồn...
Cá dưới ao không sống nổi, huống chi con người...
Những ngày qua, trời nắng, khói bụi từ Nhà máy Xi măng Vạn Ninh và Nhà máy Xi măng Áng Sơn lại phủ trắng đường vào thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh. Nhà cửa, vườn tược, ao hồ... đều bị phủ một lớp váng bụi xi măng trắng xóa.
Theo ông Nguyễn Văn Tình (thôn Áng Sơn), nhà ông đối diện cổng vào Nhà máy Xi măng Áng Sơn. Hằng ngày, khói bụi từ nhà máy khiến ông và các hộ dân ở đây sống trong cảnh ngột ngạt, nhất là những hộ dân nằm trong bán kính chưa đầy 1 km, bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. "Lâu nay đều vậy, 2 nhà máy xi măng xả khói ra khắp làng xóm.
Các nhà máy thường xả thải khói, bụi vào ban đêm, thi thoảng mới xả ban ngày. Đêm nào nhà máy xả thải thì sáng hôm sau, nhà cửa, vườn tược phủ một lớp bụi dày. Nếu xả bụi ban ngày, hạt rơi rất nặng, đi giữa đường không thể mở mắt. Cá dưới ao hồ cũng không sống nổi..." - ông Tình than thở.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thủy (xã Vạn Ninh) nói không chỉ chịu ô nhiễm do khói từ nhà máy thải ra mà người dân còn phải đối mặt với ô nhiễm tiếng ồn, bụi từ hàng trăm lượt phương tiện qua lại mỗi ngày.
Có mặt tại trục đường vào các nhà máy xi măng ở Vạn Ninh, chúng tôi chứng kiến có gần trăm lượt ô tô tải ra vào các nhà máy để "ăn hàng", kéo theo bụi đường mù mịt.
"Trong xã, nhiều người chết vì mắc các bệnh hiểm nghèo, đa phần là ung thư phổi, vòm họng và các bệnh lý về đường hô hấp. Riêng trẻ em thì bị bệnh về đường hô hấp, nhiều người sợ quá phải gửi con về nhà người thân ở cách xa để môi trường sống tốt hơn" - bà Thủy kể.
Theo người dân, hiện có hơn 100 hộ dân thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh và thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy chỉ sống cách Nhà máy Xi măng Vạn Ninh trong bán kính từ 500 - 700 m. Nguyện vọng của họ là sớm được di dời về một khu tái định cư cách xa nhà máy để giảm ô nhiễm.
Nín thở chờ tái định cư
Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, thừa nhận tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ Nhà máy Xi măng Áng Sơn và Nhà máy Xi măng Vạn Ninh gây ra nhiều phiền toái đến cuộc sống, ảnh hưởng sức khỏe cho hàng trăm hộ dân, trong đó có một số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sống quá gần các nhà máy này.
Trước tình trạng ô nhiễm, UBND xã Vạn Ninh đã có đề xuất xây dựng khu tái định cư, trước mắt là di dời 14 hộ dân sống gần các nhà máy. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư và đang hoàn thành các thủ tục để thi công, dự kiến nguồn kinh phí khoảng 18,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện đang gặp phải vướng mắc trong quá trình kiểm đếm tài sản, bồi thường cho người dân.
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, cho biết huyện đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra, đánh giá, xác định mức độ ô nhiễm môi trường tại khu dân cư thôn Áng Sơn. Do kết quả quan trắc cho thấy "mức độ ô nhiễm môi trường tại các nhà máy vẫn trong tiêu chuẩn cho phép" nên không có cơ sở để thu hồi đất và bồi thường cho người dân.
"Các hộ mong muốn di dời sang khu tái định cư nhưng vẫn muốn được bồi thường phần đất ở hiện tại. Cơ chế không cho phép huyện hay tỉnh thực hiện việc bồi thường di dời giải phóng mặt bằng. Phương án tốt nhất là nhà đầu tư tự xem xét thỏa thuận mua lại diện tích đất ở của các hộ dân bị ảnh hưởng. Thế nhưng, trong giai đoạn này, hoạt động sản xuất - kinh doanh tại 2 nhà máy đang gặp khó khăn nên sẽ rất khó" - ông Phạm Trung Đông giải thích.
Theo UBND huyện Quảng Ninh, năm 2014, Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân từng chi trả hơn 30 tỉ đồng để di dời 25 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở đá tại Nhà máy Xi măng Vạn Ninh. Đối với 15 hộ dân sinh sống ở khu vực kế cận Nhà máy Xi măng Áng Sơn của Công ty Cosevco 6 nên Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân không đồng ý chi trả.
Kiểm tra thường xuyên
Ông Phan Xuân Hào, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, thông tin các kết quả quan trắc, kiểm tra, đánh giá được sở thực hiện nhiều lần, từ đột xuất cho đến theo kế hoạch cụ thể, được máy móc ghi lại tự động, với sự giám sát của địa phương và chính các hộ dân, nên hết sức khách quan. Bên cạnh việc quan trắc, giám sát, sở cũng có ý kiến đối với các nhà máy về việc thực hiện đầu tư cải tiến kỹ thuật nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/het-chiu-noi-vi-o-nhiem-20231012215716519.htm