Hết lòng vì dân

Do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lớn, khoảng 20 giờ 30 phút ngày 10-9, đoạn đê sông Lô tại khu vực thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) giáp với xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã bị vỡ khoảng 15m, khiến nước tràn vào trong đê làm nhiều gia đình phải di dời đến nơi an toàn, một số bị cô lập. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Quang đã có mặt kịp thời, phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân...

Sáng 11-9, có mặt tại điểm đê bị vỡ, chúng tôi thấy dòng nước lũ đục ngầu từ sông Lô vẫn chảy qua vị trí đê vỡ về phía thôn Sài Lĩnh. Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Sơn Dương cùng dân quân xã Quyết Thắng và cán bộ xã, thôn túc trực 24/24 giờ tại nhiều vị trí để theo dõi mực nước sông Lô, không để người dân đi ra khu vực nguy hiểm.

Vẫn chưa hết bàng hoàng, ông Nguyễn Văn Gương, 70 tuổi, nhà cách điểm đê bị vỡ chưa đầy 200m cho biết: “Từ sáng 10-9, trên thân đê xuất hiện dấu hiệu rò rỉ nước. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã phát đi cảnh báo và tổ chức di dời khẩn cấp 15 gia đình trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Mặc dù các lực lượng chức năng và người dân tìm mọi cách để khắc phục sự cố, tuy nhiên do nước sông Lô chảy mạnh nên đến tối đoạn đê đã bị vỡ. Nhà ở gần điểm đê vỡ nên tôi rất lo sợ, nhưng khi lực lượng Quân đội, công an, dân quân có mặt để giúp đỡ di dời người và tài sản thì tôi yên tâm hơn. Từ trước đến nay tôi chưa từng chứng kiến trận bão lũ nào lớn như lần này”.

 Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang vận chuyển trang bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang vận chuyển trang bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

“Hết lòng vì dân” là câu cửa miệng của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Quang những ngày bão lũ hoành hành. Khi xảy ra sự cố vỡ đê ở thôn Sài Lĩnh cũng là lúc nhà của Đại úy QNCN Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên đồ bản kiêm thủ kho vật chất cứu hộ-cứu nạn, thuộc Ban Tác huấn, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang ngập nặng hơn, thế nhưng anh vẫn hết mình vì công việc, vì sự an nguy của đồng bào. Mặc dù trời mưa nhưng lưng áo anh đẫm mồ hôi do liên tục kiểm đếm, xuất kho phao, áo phao, trang bị phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ-cứu nạn.

Tranh thủ lúc giải lao, tôi hỏi chuyện gia đình thì được anh cho biết, đã mấy ngày nay, do mưa lũ làm ngập đường khiến vợ anh (là giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Trung Trực, huyện Yên Sơn) bị kẹt ở trường. Ở nhà chỉ có bố mẹ đã ngoài 80 tuổi và hai con nhỏ, cháu lớn học lớp 6, cháu nhỏ học lớp 2. Khu vực nhà anh ở phường Tân Quang, TP Tuyên Quang đang bị ngập hơn 1m. Nước dâng bất ngờ khiến xe máy, tủ lạnh... bị hư hỏng. Điện, nước không có, mạng điện thoại chập chờn khiến anh không thể liên lạc thường xuyên về gia đình... “Tôi phải cố gắng vượt qua hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ vì càng lúc khó khăn thì người dân càng cần bộ đội. Không chỉ riêng tôi, nhiều đồng đội khác cũng như vậy...”, Đại úy QNCN Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.

 Vị trí xảy ra sự cố vỡ đê tại thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Vị trí xảy ra sự cố vỡ đê tại thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Tính đến trưa 11-9, tại thôn Sài Lĩnh đã có 35 hộ dân được di dời đến nơi an toàn, còn 11 hộ đang bị cô lập. Cùng cán bộ Ban CHQS huyện Sơn Dương đi xuồng máy đến thăm, động viên các gia đình bị cô lập, chúng tôi càng cảm nhận rõ tinh thần trách nhiệm, tình cảm của các cán bộ, chiến sĩ đối với người dân.

Chị Trần Thị Thuận, một trong những gia đình bị cô lập, cho biết: “Vợ chồng tôi có 3 con nhỏ. Từ 9 giờ tối ngày 10-9, nước lũ bắt đầu tràn về. Do nhà tôi ở trên cao nên không bị ngập nhưng tất cả đường đi lối lại đều chìm trong biển nước. Mặc dù không thể ra ngoài nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên được bộ đội, đại diện chính quyền địa phương gọi điện thăm hỏi và trực tiếp đi xuồng đến kiểm tra an toàn và tiếp tế nước, lương thực nếu cần, nhờ đó giúp gia đình tôi yên tâm hơn”.

Theo Đại tá Hà Đình Khiêm, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang, từ khi bão số 3 đổ bộ vào nước ta, Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang đã huy động 100% lực lượng trực, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Khối cơ quan Bộ CHQS tỉnh tổ chức một trung đội để sẵn sàng cơ động. Bộ đội luôn sẵn sàng cao, có mặt kịp thời khi xảy ra tình huống, vì thế mặc dù phải căng mình thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn toàn tỉnh nhưng ngay khi có hiện tượng rò rỉ nước qua thân đê ở thôn Sài Lĩnh, bộ đội đã có mặt kịp thời, giúp bà con di dời đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, đặc biệt, không xảy ra thiệt hại về người.

Hiện nay chưa có phương án phù hợp để xử lý sự cố vỡ đê, vì vậy bộ đội vẫn tiếp tục ứng trực tại hiện trường để theo dõi mực nước, cảnh báo người dân, đồng thời tổ chức ca nô cơ động đi tiếp tế đồ ăn, lương thực, nước uống, thăm hỏi, động viên các gia đình bị ngập nước, cô lập, bảo đảm không để người dân đói, khát...

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN - CHƯƠNG THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/het-long-vi-dan-793898