Hết lòng vì người bệnh

Gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) liên tiếp thành công trong điều trị những ca bệnh khó, mang lại sự sống, niềm vui cho nhiều người bệnh và gia đình họ. Ngoài các kỹ thuật y khoa mới, sự hết lòng vì người bệnh của y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tạo nên những kỳ tích trong công tác khám, chữa bệnh…

Gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) liên tiếp thành công trong điều trị những ca bệnh khó, mang lại sự sống, niềm vui cho nhiều người bệnh và gia đình họ. Ngoài các kỹ thuật y khoa mới, sự hết lòng vì người bệnh của y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tạo nên những kỳ tích trong công tác khám, chữa bệnh…

Đầu tháng 11 này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cấp cứu kịp thời và điều trị thành công cho một bệnh nhân bị điện giật ngưng tim, ngưng thở thông qua kỹ thuật hạ thân nhiệt. Ðây là một kỹ thuật mới đã được Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng để điều trị thành công cho nhiều trường hợp trong thời gian qua.

Bệnh nhân mới nhất được điều trị bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt thành công 26 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh). Bệnh nhân này kể lại, anh vừa là lái xe, vừa làm thêm nghề sửa điện. Vào ngày 28-10, khi đang sửa điện, không may anh bị điện giật và ngã xuống đất, bất tỉnh. Người nhà đã nhanh chóng đưa anh vào Bệnh viện huyện Bình Chánh để cứu chữa. Sau đó, anh được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Người cha của bệnh nhân này cho biết thêm, khi hay tin, ông đã cấp tốc chạy đến bệnh viện, nhìn thấy con nằm bất động, gia đình cứ nghĩ sẽ không qua khỏi. Sau hơn ba ngày nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân bắt đầu tỉnh lại. Ðúng là một chuyện thần kỳ.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trường Duy, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, kỹ thuật hạ thân nhiệt là làm lạnh chủ động để đưa thân nhiệt bệnh nhân xuống 33-360C. Kỹ thuật này Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng cho nhiều bệnh nhân và đều có kết quả tốt. Trên thế giới, kỹ thuật hạ thân nhiệt có hai phương pháp thực hiện: Kiểm soát thân nhiệt nội mạch, hoặc kiểm soát thân nhiệt bề mặt và bệnh viện đều áp dụng cả hai. Với kỹ thuật hạ thân nhiệt, từ tháng 6-2020 đến nay, bệnh viện đã cứu sống nhiều bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở.

Bác sĩ chuyên khoa II (CKII) Ðặng Quý Ðức, Phó Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, để cứu sống bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở, khi phát hiện bệnh nhân gặp sự cố, người nhà phải làm biện pháp sơ cứu để bảo tồn lưu lượng máu nuôi não, nuôi tim, nuôi các cơ quan nội tạng quan trọng cho bệnh nhân và phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất. Nếu cơ sở y tế không làm được kỹ thuật hạ thân nhiệt thì phải hồi sức cấp cứu ngưng tim, ngưng thở cao cấp hơn, sau đó chuyển đến trung tâm có thể áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để có thể điều trị tốt cho bệnh nhân phục hồi ý thức, tri giác cũng như trở lại sinh hoạt bình thường như trước đây…

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị một ca khó, hiếm gặp khi người mẹ mắc bệnh ung thư vòm mũi họng và đang mang thai 20 tuần tuổi. Trong ngày xuất viện, bệnh nhân N.T.H.H, ngụ huyện Ðức Trọng (Lâm Ðồng) xúc động chia sẻ: "Ðã có lúc em nghĩ mình không qua nổi, nhưng không ngờ đến nay cả hai mẹ con em đều khỏe mạnh. Cứ như là điều kỳ diệu".

Bệnh nhân N.T.H.H nhập Bệnh viện Chợ Rẫy vào tháng 7-2020 trong tình trạng chảy máu mũi họng, nôn ra nhiều máu. Bác sĩ CKII Dương Thị Thanh Mai, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Tai mũi họng cho biết, bệnh viện đã khám lâm sàng, cận lâm sàng cho bệnh nhân. Sau bảy ngày sinh thiết, kết quả giải phẫu bệnh khẳng định bệnh nhân bị ung thư vòm mũi họng ác tính giai đoạn ba và mang thai ở tuần thứ 22. "Các bác sĩ đánh giá đây là ca bệnh nặng, hiếm gặp, nguy cơ tử vong cao cho cả hai mẹ con vì xuất huyết mũi họng lượng nhiều gây suy hô hấp cấp, thiếu máu nặng có thể suy đa cơ quan cho thai phụ và suy thai, mất tim thai bất cứ lúc nào", bác sĩ CKII Thanh Mai cho biết thêm.

Trước sự tiến triển rất nhanh của căn bệnh, Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã hội chẩn liên khoa, liên viện nhiều lần để đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và thai nhi. Kết quả can thiệp sau hội chẩn, bệnh nhân đã hết chảy máu mũi họng, thở mũi thông thoáng, ăn uống được, tim thai tốt, các xét nghiệm máu kết quả trong giới hạn bình thường. Sau bốn đợt hóa trị DCX, bệnh nhân không còn chảy máu mũi họng, nội soi vòm họng trơn, hạch cổ và khối u vòm giảm kích thước. Sau 15 tuần điều trị và theo dõi tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sản phụ đã được bác sĩ Bệnh viện sản Hùng Vương mổ lấy thai là bé trai nặng 2,3 kg.

Tiến sĩ, bác sĩ Susan Thanh Thanh, Phó Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại, khi nhận được điện thoại của Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Thanh Thanh đoán ngay đây là một ca khó. Sau khi kiểm tra, hiểu rõ bệnh tình của bệnh nhân, bác sĩ Thanh Thanh cho rằng chỉ có mổ lấy khối u thì mới có thể giải quyết tình trạng chảy máu mũi cho bệnh nhân. Khi bệnh viện quyết định mổ, khoa Huyết học đã chuẩn bị một lượng máu rất lớn nhằm bảo đảm tính mạng cho bệnh nhân trong và sau khi mổ…

PGS, TS, BS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là một thành công lớn của Bệnh viện Chợ Rẫy. Ðiều trị thành công ca khó này là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc bệnh viện, sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng giữa các chuyên khoa trong bệnh viện, với những bác sĩ giàu kinh nghiệm và hết lòng yêu thương bệnh nhân. Ðặc biệt, ê-kíp điều trị còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Bệnh viện sản Hùng Vương…

PGS Trần Minh Trường tâm sự, đến giờ ông vẫn không quên được nụ cười của vợ chồng bệnh nhân khi các bác sĩ cho hai vợ chồng nghe tim thai đập rất mạnh. Ðó là nụ cười của hạnh phúc, của sự tin tưởng vào các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Chính sự yêu thương bệnh nhân như những người thân trong gia đình, các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mới theo đuổi đến cùng để mang đến điều kỳ diệu cho những bệnh nhân của mình…

Bài, ảnh: Linh Nguyễn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/het-long-vi-nguoi-benh-624296/