Hết lòng vì sự nghiệp trăm năm. Bài 2: Ươm mầm xanh cho vùng khó
Ở từng giai đoạn khác nhau, sự nghiệp 'trồng người' nơi miền quê gió Lào, cát trắng Quảng Trị đều có những khó khăn, thách thức riêng. Điều đáng mừng là trong mọi hoàn cảnh, tinh thần cống hiến của đội ngũ đảng viên, giáo viên trên địa bàn luôn tỏa sáng. Họ đã dồn toàn tâm, toàn sức thực hiện tốt nhiệm vụ 'trồng người' và nhiều công việc khác mà Đảng giao phó.
Tiếp theo kỳ trước
Những đảng viên, giáo viên giữa đại ngàn
Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, hiện nay, toàn tỉnh đã xóa thôn, bản “trắng” đảng viên. Trên địa bàn không còn chi bộ sinh hoạt ghép. Thành quả chung ấy có sự đóng góp của các đảng viên, giáo viên vùng khó. Nhiều giáo viên miền xuôi đã đưa ánh sáng của Đảng lên với bản làng. Một số thầy cô chính là “hạt giống đỏ”, nảy mầm trong chi bộ thôn, bản, trường học vùng cao.
Nhiều năm qua, bên bếp lửa nhà sàn, người dân ở miền núi rừng phía Tây tỉnh Quảng Trị vẫn truyền tai nhau câu chuyện của cô giáo Phan Thị Pháp. 21 tuổi, cầm tấm bằng tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Bình Trị Thiên trên tay, cô Pháp hăm hở lên vùng cao dạy học. Bản Khe Ngài, xã Đakrông, huyện Đakrông nơi cô nhận nhiệm vụ nằm tít mít giữa đại ngàn. Thời ấy, bản “trắng” đảng viên. Cuộc sống người dân lầm lũi trong đói nghèo. Những hủ tục lạc hậu đeo bám bà con như một căn bệnh. Gạt sang bên nỗi lo “chôn vùi tuổi thanh xuân” giữa chốn rừng thiêng, nước độc, cô Pháp vận động dân bản dựng trường, mở lớp, rồi gieo những con chữ hy vọng.
Hôm nay, cái tên bản Khe Ngài không còn khiến người ta nổi gai ốc khi nhắc đến như ngày xưa. Chỉ vài chục phút lái xe máy từ trung tâm huyện, mọi người đã có thể đến ngay sân nhà cô Pháp. Đón tiếp khách miền xuôi, nàng dâu quý của bản Khe Ngài không khỏi xúc động. Cô cho biết, tuy đã nghỉ hưu nhưng hễ chi bộ, thôn xóm, trường cũ… cần việc gì, cô cũng sẵn sàng góp sức.
Khi được hỏi: “Động lực nào giúp cô luôn xông pha như thế?”, cô Pháp hồn hậu cho rằng vì mình là đảng viên. “Tôi là một trong những đảng viên người Kinh đầu tiên của chi bộ xã Đakrông. Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác xúc động đến nghẹn ngào khi đọc lời tuyên thệ trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ ngày vào Đảng, tôi được tiếp thêm động lực để bên cạnh chăm lo “trồng người” còn giúp bà con đẩy lùi những hủ tục lạc hậu; áp dụng phương thức sản xuất mới; thay đổi cách nghĩ, cách làm…”, cô Pháp nói.
Một thời, ở nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa như bản Khe Ngài, một bộ phận không nhỏ người dân chưa mặn mà lắm với việc vào Đảng. Một số người cho rằng, đói ăn thì chết, còn đói chữ không sao… Có người hỏi: “Vào Đảng, liệu có được trợ cấp gạo nhiều hơn không?”. Vì thế, những đảng viên như cô Phan Thị Pháp phải nỗ lực tuyên truyền, vận động, thay đổi nhận thức của người dân theo hướng “mưa dầm, thấm lâu”.
Đi trước nêu gương, cô vận động ngay chồng mình bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, trau dồi bản thân, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhờ thế, bấy giờ, gia đình cô Pháp là hộ hiếm hoi ở bản cả hai vợ chồng là đảng viên. Như một sự tiếp bước, con của vợ chồng cô Pháp cũng từng ngày nỗ lực để trở thành đảng viên, giáo viên như mẹ mình.
Câu chuyện của cô Phan Thị Pháp là một trong rất nhiều câu chuyện về những người đảng viên, giáo viên ở vùng cao Quảng Trị. Trong số họ, có người đã vào Đảng trước khi bước vào hành trình “cõng chữ lên non”, có người là “hạt giống đỏ” nảy mầm giữa đại ngàn. Tuy nhiên, dù là ai, họ cũng vì Đảng mà cống hiến. Các thầy cô đã góp phần xây chi bộ vùng khó, xóa bản “trắng” đảng viên…
Những tượng đài trong lòng dân
Chia sẻ câu chuyện của mình, cô giáo Phan Thị Pháp, đảng viên chi bộ thôn Khe Ngài, xã Đakrông, huyện Đakrông cho biết, trong những ngày gieo chữ gian khó, cô đã ít nhất ba lần suýt chết, lần bị nước sông cuốn trôi, lần bị sốt rét ác tính, lần mắc bệnh lạ mà ngay bác sĩ cũng không chẩn đoán ra… Không may mắn như cô Pháp, một số đảng viên, giáo viên tình nguyện lên vùng khó giảng dạy đã mãi mãi nằm lại đại ngàn.
Ở huyện Hướng Hóa, những đảng viên, giáo viên hưu trí vẫn kể câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Nghiệp. Cô Nghiệp là người Hà Giang. Năm 25 tuổi, cô gặp và đem lòng yêu thầy giáo Lê Đức Hùng. Tình yêu đã thôi thúc cô vượt cả ngàn cây số, vào làm dâu ở huyện Hướng Hóa, rồi cùng chồng “gieo chữ” cho em nhỏ ở khắp bản làng. Tháng ngày bên nhau, cô Nghiệp và chồng đã chinh phục rất nhiều khó khăn, thử thách. Thế nhưng, cô Nghiệp lại đã không vượt qua được căn bệnh sốt rét ác tính hết sức nguy hiểm.
Hiến dâng thanh xuân cho sự nghiệp “trồng người”, cũng như nhiều đồng nghiệp, mong muốn lớn nhất của cô Nguyễn Thị Nghiệp là được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thế mà, sau rất nhiều nỗ lực, cô Nghiệp lại không kịp tham dự buổi lễ kết nạp Đảng như mơ ước. Hôm nhập viện cấp cứu cũng là thời điểm chi bộ họp xét kết nạp Đảng cho cô. Sau khi cô Nghiệp mất, lãnh đạo Huyện ủy Hướng Hóa tận tay mang quyết định kết nạp Đảng đến căn nhà nhỏ của hai vợ chồng. Nhận tờ quyết định, thầy Hùng cẩn thận đặt lên bàn thờ, không ngăn nổi hai hàng nước mắt.
“Năm Nghiệp mất, hai con của chúng tôi chỉ mới 9 và 5 tuổi. Giờ đây, con gái đầu của tôi đã là đảng viên, đang công tác tại ngôi trường vùng khó mà ngày xưa mẹ từng dạy. Cậu con trai 5 tuổi ngày ấy nay đã tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế… Cháu không muốn ai phải rơi vào hoàn cảnh như mẹ mình”, thầy Hùng cho biết.
Trong những đảng viên, giáo viên tình nguyện đến vùng khó Quảng Trị công tác, rồi mãi mãi nằm lại mảnh đất này, đảng viên, nhà giáo Hà Công Văn được nhiều người biết đến. Thầy Văn là giáo viên đầu tiên của tỉnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Thầy Văn gùi ba lô lên vùng cao Quảng Trị ở tuổi đôi mươi. Ngày đầu tiên, đón thầy là hàng chục người dân, trong đó có nhiều em nhỏ gầy gò, đen đúa. Sau một hồi khua chân, múa tay, thầy Văn rất xúc động khi biết dân bản đã thay phiên nhau đứng ngóng chờ mình suốt mấy ngày. Chính ánh mắt chờ đợi, khát khao con chữ ấy về sau đã giúp thầy vượt qua những gian khó, trắc trở của giáo viên cắm bản.
“Sự nghiệp cắm bản” của đảng viên Hà Công Văn có lẽ sẽ vượt con số 37 năm nếu không xảy ra vụ tai nạn đau lòng. Thầy mất khi ngày 20/11 qua chưa lâu. Một năm sau ngày thầy Văn mất, cũng đúng ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng nghiệp, bạn bè từ Quảng Trị lặn lội ra Quảng Bình thăm. Ai cũng quặn lòng khi thấy phần mộ thầy quá đơn sơ, quạnh quẽ. Tâm sự ấy đã chạm vào trái tim các cựu giáo chức cũng là đồng nghiệp với thầy. Nhà giáo Nhân dân Lê Phước Long đã thay mặt Hội Cựu giáo chức thảo bức thư vận động tổ chức, cá nhân hảo tâm xây mộ cho thầy Văn. Thầy Long nói: “Việc làm này không chỉ để tri ân mà còn để nhắc nhở rằng, sự dâng hiến cho Nhân dân sẽ luôn bất tử, luôn được mọi người nhớ đến”.
Có một điều cảm động là dường như thời gian càng trôi qua càng tô thắm, nhắc nhớ sâu dày thêm câu chuyện về những đảng viên, giáo viên mãi nằm lại ở đại ngàn như thầy Văn, cô Nghiệp và nhiều thầy cô khác. Dẫu không ai hô hào, vận động nhưng các thầy cô đã trở thành những tượng đài trong lòng đồng nghiệp, Nhân dân. Hiến dâng cả thanh xuân, thậm chí hơi thở của mình, cùng với các đồng nghiệp, họ đã góp phần giúp ngành giáo dục thời ấy gặt hái kết quả đáng mừng. Đánh giá thành tựu của ngành giáo dục Quảng Trị trong 10 năm đầu lập lại tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII khẳng định: “Giáo dục là một trong ba thành tựu tiêu biểu nhất của tỉnh”.
Viết tiếp những câu chuyện đẹp
Vì một số lý do, có thời điểm, nghề giáo không còn nhận được nhiều sự chọn lựa. Vì thế, có những năm học, ngành GD&ĐT Quảng Trị phải vất vả đi tìm… thầy. Nỗi lo thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng khó khiến những người đứng đầu ngành rất trăn trở. Không đâu xa, ngay năm học 2022 - 2023, trên địa bàn tỉnh thiếu khoảng 500 giáo viên ở tất cả đơn vị trường học, đặc biệt là ở vùng khó.
Trong khó khăn, những người công tác trong ngành GD&ĐT Quảng Trị mới càng “thấu tận lòng nhau”. Từ miền xuôi, nhiều đảng viên, giáo viên đã tình nguyện lên công tác tại các trường miền núi. Chọn vùng cao công tác, họ phải đối diện với cảnh xa mái nhà, người thân; đời sống tinh thần “nghèo nàn” hơn; lương bổng không cải thiện được là bao… Điều thôi thúc họ ký vào đơn tình nguyện có lẽ là “mệnh lệnh từ trái tim”. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”, một đảng viên, giáo viên đề nghị giấu tên đã chọn câu hát ấy để nói hộ lòng mình khi được phóng viên hỏi về quyết định mà nhiều người cho là… dại dột.
Chuyến tình nguyện tăng cường lên vùng cao lần này đối với một số đảng viên, giáo viên như thầy Lê Kiên Cường, hiện đang công tác tại Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa chính là sự trở lại. Năm 2009, từ ngôi trường vùng cao của huyện Đakrông, thầy Cường được chuyển về công tác gần nhà sau gần 10 năm cống hiến. Ngày nhận tin về xuôi, thầy rất mừng vì được ở gần người thân. Vậy mà, vừa qua, nghe tin các trường miền núi đang thiếu giáo viên, trong khi nơi mình công tác lại thừa một giáo viên môn Hóa học, thầy Cường đã quyết định trở lại với đại ngàn.
Chuyến này, người thầy có cái tên của ý chí, nghị lực đi xa hơn, lên tít xã A Túc. Hôm biết quyết định của thầy, nhiều người rất ngạc nhiên bởi thầy Cường từng nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao, không thuộc diện luân chuyển. Đáp lại những câu hỏi, thầy Lê Kiên Cường chỉ cười, nói: “Tôi không nề hà khó khăn. Trong lòng tôi chỉ còn một nỗi niềm canh cánh, đó là vợ con. Vợ đang đi học cao học ở Huế, giờ tôi vắng nhà, hai con phải gửi cho bà ngoại chăm sóc. May mà biết nỗi lòng của tôi, vợ đã động viên, ủng hộ”.
Trò chuyện về sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao, điều khiến chúng tôi rất ngạc nhiên là phần lớn thầy cô tình nguyện lên non trong đợt này đều biết câu chuyện về những đảng viên, giáo viên cắm bản đi trước như thầy Hà Công Văn, cô Nguyễn Thị Nghiệp, cô Phan Thị Pháp… Điều đó có nghĩa là họ biết, khi viết đơn tình nguyện lên công tác ở vùng cao, mình đã đặt chân vào nơi gian khó. Một số giáo viên như thầy Lê Kiên Cường đã biết quá rõ thế nào là hiến dâng thanh xuân cho vùng cao, vậy mà giờ đây vẫn tiếp tục cống hiến phần tuổi trẻ còn lại. Vậy, tại sao họ vẫn lên đường? Đáp án cho câu hỏi ấy có lẽ chỉ con tim mới trả lời trọn vẹn.
Trương Quang Hiệp
Bài 3: Giữ ngọn lửa nghề cháy mãi