Hết thời điện thoại 'đẻ trứng vàng', doanh nghiệp bán lẻ tìm động lực mới
Thời kỳ điện thoại, máy tính 'đẻ trứng vàng' cho ngành bán lẻ ICT đã qua đi, các doanh nghiệp phải tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Cách đây khoảng 5-6 năm, điện thoại thông minh, máy tính xách tay vẫn là những món hàng mơ ước của nhiều người dân Việt Nam. Điều đó tạo nên “mảnh đất” kinh doanh màu mỡ cho những doanh nghiệp bán lẻ ICT như Thế giới Di động (MWG), FPT Retail (FRT), Digiworld (DGW)... Đặc biệt trong 2 năm Covid-19 (2020, 2021), các doanh nghiệp “bội thu” nhờ xu hướng làm việc, học tập online, giao tiếp qua mạng xã hội...
Tuy nhiên ngọn núi nào cũng phải có điểm xuống và giai đoạn cao trào của ngành bán lẻ cũng không thể duy trì mãi. Từ cuối năm 2022, sức cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế hậu Covid khiến doanh số bán hàng sụt giảm. Cùng với đó là sự bão hòa của các mặt hàng điện thoại, máy tính khiến sự cạnh tranh trong ngành trở nên vô cùng khốc liệt. Thực tế này phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của MWG, FRT, DGW năm 2023.
Trong năm vừa qua, MWG mang về tổng cộng 118.279 tỷ đồng doanh thu, giảm 11% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 168 tỷ đồng, giảm 96%. Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm sâu hơn doanh thu do giá vốn cao, biên lợi nhuận thấp. Điều này được lý giải bởi chiến dịch “giá rẻ quá” cho chính MWG khởi động hồi đầu năm nhằm tranh giành thị phần, trong bối cảnh sức cầu các mặt hàng ICT suy giảm.
FPT Retail ghi nhận doanh thu đạt 31.850 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022; tuy nhiên lỗ sau thuế hơn 329 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi gần 400 tỷ đồng. Digiworld khả quan hơn nhưng doanh thu và lợi nhuận cũng đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt đạt 18.817 tỷ đồng (giảm 15%) và 363 tỷ đồng (giảm 47%).
MWG cải tổ Bách Hóa Xanh, FRT dồn lực cho chuỗi dược phẩm
Trong bối cảnh các mặt hàng điện thoại, máy tính không còn sức hút, các doanh nghiệp đã phải xoay chuyển phương hướng kinh doanh để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. MWG “đặt cược” vào chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh, với việc tái cơ cấu toàn diện để có thể đóng góp lợi nhuận cho công ty.
Thực tế, Bách Hóa Xanh đã là “con cưng” của Thế giới Di động từ khi ra đời năm 2015, với kỳ vọng mang về doanh thu tỷ USD và dẫn đầu ngành bán lẻ hàng tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên do mở rộng mạng lưới quá nhanh lại chưa có phương pháp quản lý để tối ưu chi phí, chuỗi này đã liên tục thua lỗ, với mức lũy kế hiện lên đến 8.300 tỷ đồng.
Để cải tổ Bách Hóa Xanh, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG trực tiếp điều hành chuỗi từ quý 2/2022, sau đơn từ nhiệm của ông Trần Kinh Doanh - CEO gắn bó từ những ngày đầu đặt nền móng. Công ty dừng hẳn việc mở rộng mạng lưới để lược bỏ những nhóm hàng hiệu suất kinh doanh kém, thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, xử lý các cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Chuỗi cũng thay đổi định vị từ mô hình chợ hiện đại sang "siêu thị mini".
Việc cải tổ thực sự đã giúp Bách Hóa Xanh “chuyển mình”. Tháng 12/2023, MWG công bố chuỗi đã đạt điểm hòa vốn tại mức doanh thu 1,8 tỷ đồng/cửa/tháng. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự phóng Bách Hóa Xanh có thể lãi khoảng 300 - 400 tỷ đồng trong năm 2024, nhờ doanh thu tăng trưởng và chi phí tiếp tục được tối ưu.
Tương tự MWG, FPT Retail đã không còn nhiều kỳ vọng cho chuỗi bán lẻ ICT khi giảm 31 cửa hàng FPT Shop trong năm 2023. Ngược lại, công ty dồn lực cho chuỗi dược phẩm. Trong năm vừa qua, FPT Long Châu mở mới tới 560 cửa hàng, nâng số lượng nhà thuốc phát sinh doanh thu lên đến 1.497. FRT còn xác định dược phẩm là mũi nhọn sắp tới khi mở rộng hệ sinh thái quanh lĩnh vực này, bắt đầu bằng việc mở các trung tâm tiêm chủng mang thương hiệu FPT Long Châu.
Thực tế, chuỗi dược phẩm chính là động lực giúp FRT tăng trưởng doanh thu trong năm 2023 khi đóng góp tới 50% tổng doanh thu hợp nhất, đạt 15.888 tỷ đồng (tăng trưởng 66% so với năm 2022).
Trao đổi với Mekong ASEAN trong bài phỏng vấn gần đây, bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FPT Retail, CEO FPT Long Châu cho biết, thị trường dược phẩm Việt Nam nhiều tiềm năng, còn dư địa tăng trưởng tốt. Vì vậy trước mắt, doanh nghiệp xác định đây là lĩnh vực nòng cốt, chiến lược để đảm bảo cho sự tăng trưởng dài hạn. FPT Retail sẽ đưa thêm nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe tới khách hàng chứ không chỉ là thuốc. Đó chính là khai thác phần trên thượng tầng – phần tạo giá trị cao và lâu bền của lĩnh vực dược phẩm.
Digiworld chưa cho thấy "át chủ bài" trong thời gian tới nhưng đang đi theo hướng mở rộng kinh doanh tại nhiều lĩnh vực tiềm năng.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, doanh nghiệp công bố kế hoạch năm 2024 với doanh thu 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 490 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 38% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, mảng laptop và điện thoại - chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất của công ty dự kiến sẽ chỉ tăng một chữ số. Ngược lại, DGW nhắm doanh thu tăng mạnh hơn ở mảng thiết bị văn phòng và thiết bị gia dụng.
Công ty sẽ phân phối thêm máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh thương hiệu Xiaomi; phân phối độc quyền nhãn hàng Poly chuyên cung cấp các thiết bị hỗ trợ việc học trực tiếp như tai nghe, loa, giải pháp hình ảnh, USB…
Đáng chú ý, lãnh đạo Digiworld thông tin đã nâng tỷ lệ sở hữu tại chuỗi cầm đồ Vietmoney (hiện có 16 chi nhánh trên toàn quốc) lên hơn 72% trong quý 4/2023. Theo Chủ tịch Digiworld Đoàn Hồng Việt, mục đích M&A Vietmoney là do công ty này có thể kinh doanh các sản phẩm secondhand, chủ yếu là điện thoại, laptop (hàng đã qua sử dụng).