'Hết thời' sợ trùng thuốc khi có hồ sơ sức khỏe điện tử
Khi có hồ sơ sức khỏe điện tử, người bệnh tránh được tình trạng bác sĩ cho trùng thuốc vì thiếu thông tin; hoặc bà mẹ đưa con đi tiêm chủng cũng không phải lo lắng vì biết con tiêm những loại vắc-xin gì…
Đây là nhìn nhận của PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM khi Đoàn Bộ Y tế làm việc với trạm y tế P.15, Q.Tân Bình (TPHCM) về triển khai phần mềm quản lý thông tin y tế cơ sở V20 chiều ngày 26/11.
Theo ông Tăng Chí Thượng, tại TPHCM, ngành y tế từ Sở đến trạm y tế đều đang triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hồ sơ khám chữa bệnh.
“Chúng tôi đã ứng dụng phần mềm V20 trong công tác quản lý ở trạm y tế hơn một năm qua. Trước đây, theo thống kê, một trạm y tế có hơn 80 cuốn sổ để ghi lại tất cả hoạt động của trạm thì nay, thay thế cho 80 cuốn sổ là phần mềm v20. Bước đầu khá ổn định thấy rõ được hiệu quả. Hiện, phần mềm đang được triển khai tại 112/319 trạm y tế ở TPHCM. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng triển khai ứng dụng quản lý trên tại các bệnh viện của Thành phố” – ông Thượng cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, phần mềm này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi thực hiện đồng bộ trên tất cả trạm y tế. Dự kiến khoảng 5 năm nữa sẽ triển khai đồng bộ ở 100% trạm y tế phường, xã tại TPHCM.
“Trước mắt phần mềm điện tử giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức, thông tin liên thông trở thành dữ liệu lớn cho ngành. Ví dụ liên thông dữ liệu tiêm chủng tốt thì chỉ cần gõ máy tính, là có thể biết được tỷ lệ tiêm chủng của thành phố là bao nhiêu. Còn trước đây, để có được con số này thì phải chờ thống kế ở các nơi gửi về, cộng lại rồi tính rất lâu; thậm chí còn không chính xác. Khi các dữ liệu thông tin liên thông với nhau thì sẽ cung cấp thông tin cho đơn vị quản lý.
Về người dân, khi người mẹ đưa con đi tiêm chủng sẽ không còn lo lắng vì biết con được tiêm những loại vắc-xin gì. Hay khi đi khám bệnh, bệnh nhân cũng sẽ tránh được tình bác sĩ cho thuốc trùng lặp do thiếu thông tin, tiết kiệm được cho gia đình và xã hội” – ông Thượng cho biết.
Tại Trạm y tế Phường 15 (Q.Tân Bình, TPHCM), BS CK1 Châu Quang Khải, Trưởng trạm chia hay, trước đây một bệnh nhân tới khám bệnh với các biểu hiện đau đầu, chóng mặt, ho cảm sốt… thì bác sĩ phải mở rất nhiều dữ liệu, việc quản lý sức khỏe bệnh nhân khó khăn.
“Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai phần mềm VNPT (phần mềm thống nhất dữ liệu) thì giảm gánh nặng về làm sổ sách báo cáo cho nhân viên y tế, việc quản lý hồ sức khỏe của người dân cũng tiện hơn. Bác sĩ chỉ tra thông tin sức khỏe người bệnh nhân thì mọi dự liệu đều hiện lên, giúp bác sĩ kê đơn và đưa ra lời khuyên nhanh chóng và chính xác. Trung bình một ngày trạm y tế khám và điều trị cho gần 20 bệnh nhân” – BS Khải thông tin.
Theo TS.BS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, nhiều năm trước, trạm y tế phường xã phải quản lý rất nhiều sổ sách. Về sau bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin nhưng lại có rất nhiều phần mềm như phần mềm tiêm chủng, bệnh tật, sinh đẻ, dân số… các dữ liệu lại không liên thông với nhau. Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng chuẩn hóa một phần mềm tại các cơ sở y tế có tên V20. Cả nước sẽ liên thông trước mắt 5 dữ liệu gồm bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và tiêm chủng mở rộng.
Ngành y tế Thành phố sẽ tham mưu cho UBND TPHCM, phấn đấu một năm nữa sẽ triển khai đồng bộ phần mềm này trên tất cả các trạm y tế của Thành phố. Đây là bước rất quan trọng để tạo ra một nguồn dữ liệu chung về công tác khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế.
Trong 5 năm nữa, các bệnh viện trong Thành phố cũng có phần mềm bệnh án điện tử. Ngành y tế TPHCM cũng đang quyết tâm làm hồ sơ sức khỏe điện tử, đến năm 2025, phấn đấu tất cả bệnh viện hạng 1 có hồ sơ sức khỏe điện tử và khuyến khích các bệnh viện hạng 2 thực hiện - ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết.