Hezbollah cảnh báo bắn hạ F-35 Israel bằng tên lửa SAM của Nga

Các chiến binh Hezbollah đang tìm cách bắn hạ chiến đấu cơ của Israel, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là máy bay tàng hình F-35I.

Trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và số thương vong tiếp tục gia tăng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại Hamas bất chấp sự lên án của toàn cầu. Trong khi đó, lực lượng Hezbollah đã đe dọa bắn hạ các máy bay chiến đấu của Israel, bao gồm cả F-35, bằng tên lửa của Nga.

Chiến đấu cơ tàng hình F-35 là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Khả năng tàng hình, giúp máy bay tránh được sự phát hiện của radar và mang lại cho F-35 lợi thế lớn so với máy bay thông thường. Tuy nhiên, một số quốc gia cũng đang tích cực nghiên cứu và tìm cách chống lại công nghệ tàng hình.

Theo EurAsian Times, nhóm chiến binh Hezbollah được cho là đang tìm cách để hạ gục những chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Israel. Theo truyền thông Kuwait, Hezbollah có kế hoạch triển khai các tên lửa do Nga cung cấp và Iran sửa đổi, để nhằm vào máy bay phản lực của Israel. Hezbollah tin rằng họ có thể gây sốc cho Israel và thế giới bằng cách bắn hạ máy bay tàng hình F-35.

Theo các chuyên gia quân sự, mục tiêu lý tưởng của Hezbollah sẽ là F-35, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, được đưa vào hoạt động trong Lực lượng Không quân Israel từ tháng 12/2017.

Các chiến binh Hezbollah.

Các chiến binh Hezbollah.

Nhóm phiến quân Hezbollah

Hezbollah là một nhóm chiến binh Hồi giáo Shia và cũng là đảng chính trị có trụ sở tại Lebanon, tổ chức này được Iran hậu thuẫn. Được thành lập trong cuộc nội chiến ở Lebanon, Hezbollah đã từng bước xây dựng được một lực lượng đông đảo và có sức mạnh quân sự đáng kể.

Bất chấp vai trò là một đảng chính trị ở Lebanon, lực lượng quân sự của Hezbollah bị nhiều quốc gia coi là tổ chức khủng bố do từng tiến hành bắt giữ con tin và tấn công nhằm vào các mục tiêu của Israel và phương Tây.

Hezbollah đã nói rõ rằng họ không có ý định thu hẹp quy mô hoạt động chống lại Israel, đặc biệt là ở phía bắc. Nhóm này có kế hoạch tiếp tục chiến đấu cho đến khi nào cuộc xung đột giữa Israel và các chiến binh Palestine ở Gaza kết thúc.

Các báo cáo cho thấy Hezbollah đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài và triển khai những chiến thuật mới để chống lại lực lượng Israel.

Iran tấn công Israel

Máy bay tàng hình gần như là bất khả chiến bại do tín hiệu radar thấp nên có thể hoạt động bí mật trong không phận của đối phương. Máy bay phản lực F-35I Adir của Israel đặc biệt hiệu quả trong việc chống lại các đối thủ trong khu vực như Hezbollah và Hamas, cũng như phòng thủ trước tên lửa của Iran.

Vào tháng 4/2024, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công trả đũa lớn nhằm vào Israel với khoảng 350 tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái. 99% các mối đe dọa này đã bị lực lượng phòng thủ của Israel và đồng minh ngăn chặn, các báo cáo cho thấy mục tiêu chính dường như là Căn cứ Không quân Nevatim ở sa mạc Negev - nơi có phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35I Adir tiên tiến của Israel.

Tờ Times of Israel đưa tin rằng, tên lửa và máy bay không người lái của Iran dường như tập trung vào “căn cứ không quân nhạy cảm”, nơi chứa máy bay tàng hình F-35 tiên tiến nhất của Israel. Bất chấp cuộc tấn công, căn cứ Nevatim vẫn hoạt động.

Trước đó, vào tháng 11/2023, IDF cho biết, máy bay chiến đấu F-35I Adir của Israel đã đánh chặn thành công tên lửa do một nhóm được Iran hậu thuẫn ở Yemen bắn đi. Điều này đánh dấu trường hợp đầu tiên được ghi nhận, về việc F-35 đánh chặn tên lửa hành trình.

Nhưng Iran không phải là lực lượng duy nhất theo đuổi mục tiêu này. Hezbollah, đối thủ lâu năm của Israel, được cho là đã hợp tác với Nga, nhằm mục đích nâng cấp kho vũ khí của mình để có thể chống lại máy bay tàng hình.

Máy bay F-35I của Israel.

Máy bay F-35I của Israel.

Điều gì khiến F-35 trở thành mục tiêu có giá trị cao?

Phiên bản F-35 của Israel có tên là “Adir”, nghĩa là “Người hùng mạnh” trong tiếng Do Thái. Israel đã làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên đặt mua F-35 thông qua quy trình Bán hàng Quân sự Nước ngoài (FMS) của chính phủ Mỹ và được chính thức hóa bằng Thư Thỏa thuận ký vào tháng 10/2010.

Lực lượng Không quân Israel (IAF) đã nhận được chiếc F-35 Adir đầu tiên vào ngày 22/6/2016. Toàn bộ phi đội đã đạt trạng thái sẵn sàng hoạt động vào tháng 12/2017.

F-35I được trang bị động cơ Pratt & Whitney F135 hiện đại, với tốc độ tối đa đạt Mach 1.6, giúp máy bay có thể duy trì tốc độ siêu thanh và hoạt động tầm xa ngay cả khi được nạp đầy tải.

Hơn nữa, F-35I có khả năng mang theo các loại vũ khí tiên tiến, chẳng hạn như tên lửa dự phòng không đối đất (JASSM) hoặc tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM), giúp máy bay mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động, khả năng sát thương và khả năng sống sót của chúng.

Tên lửa phòng không Isayev S-125.

Tên lửa phòng không Isayev S-125.

Tên lửa Nga từng bắn hạ tiêm kích tàng hình

Máy bay chiến đấu tàng hình từng được coi là đỉnh cao của ưu thế trên không. Tuy nhiên lịch sử đã chứng minh rằng, không có pháo đài nào thực sự bất khả xâm phạm. Năm 1999, Quân đội Nam Tư đã sử dụng tên lửa Neva có nguồn gốc từ Nga, bắn hạ máy bay chiến đấu tàng hình F-117 Nighthawk của Mỹ, sự kiện này gây chấn động quân đội và chính phủ Mỹ.

Mỹ đã dành nhiều thập kỉ để nghiên cứu và phát triển máy bay tàng hình F-117, chiếc máy bay này là phương tiện quan trọng của Mỹ để chống lại Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh. Mặc dù chuyến bay đầu tiên diễn ra vào năm 1981 nhưng sự tồn tại của nó vẫn được giữ bí mật cho đến năm 1988.

Vào ngày 27/3/1999, Quân đội Nam Tư đã bắn rơi chiếc F-117 Nighthawk, bằng tên lửa đất đối không Isayev S-125 “Neva” hay Pechora của Liên Xô. Sự kiện này đã phá vỡ niềm tin vào sự bất khả chiến bại của công nghệ tàng hình, đánh dấu vụ bắn hạ máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, phi công F-117 đã nhảy dù an toàn và được đơn vị tìm kiếm cứu nạn của Không quân Mỹ giải cứu.

Theo các phương tiện truyền thông, vào thời điểm đó, các đặc vụ Trung Quốc đã nhanh chóng truy lùng và thu mua các bộ phận của chiếc máy bay bị bắn rơi từ người dân địa phương sau vụ việc. Người ta suy đoán rằng Trung Quốc - quốc gia nổi tiếng với năng lực kỹ thuật đảo ngược - muốn thu thập những thông tin quan trọng về công nghệ tàng hình từ chiếc F-117 bị hạ.

Sau những diễn biến này, Trung Quốc đã dành một thập kỷ để nghiên cứu và phát triển công nghệ tàng hình. Một số chuyên gia cho rằng, công nghệ được tích hợp vào máy bay chiến đấu tàng hình J-20 hiện tại của Trung Quốc, có thể bắt nguồn từ chiếc máy bay F-117 bị bắn rơi.

Lê Hưng (EurAsian Times)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hezbollah-canh-bao-ban-ha-f-35-israel-bang-ten-lua-sam-cua-nga-ar876303.html