Quân đội Trung Quốc hé lộ chiến thuật đối phó với 'Địa ngục' UAV của Mỹ
Sau khi Mỹ công bố chiến lược máy bay không người lái 'Địa ngục' ở eo biển Đài Loan, quân đội Trung Quốc đã mô phỏng chi tiết một chiến thuật khắc chế.
Theo một nghiên cứu được quân đội Trung Quốc công bố vào gần đây, lực lượng này có khả năng áp đặt và duy trì phong tỏa với một hòn đảo chỉ bằng máy bay không người lái (UAV).
Trong khi đó, UAV cũng đóng vai trò then chốt trong một chiến lược quân sự mới nhất của Mỹ quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc), được mệnh danh là Hellscape (tạm dịch là chiến lược Địa ngục).
Trong bài báo được bình duyệt trên tạp chí học thuật Trung Quốc Command Control & Simulation, kỹ sư Chen Huijie thuộc đơn vị 92116 của quân đội Trung Quốc, nhận định: "Phong tỏa và kiểm soát khu vực là một chiến thuật ứng dụng điển hình cho các tổ đội UAV trong các hoạt động quân sự”.
Báo cáo nêu rõ kịch bản và kết quả của "nghiên cứu mô phỏng cấp độ nhiệm vụ được tiến hành cho các tổ đội UAV trên không kết hợp với nhiệm vụ chiến đấu thực tế", điều mà ông Chen cho biết hiếm khi được tiết lộ trước đây do tính nhạy cảm của quân đội.
Thành bại tại chiến thuật
Mục tiêu của nhiệm vụ chiến đấu được nêu trong bài báo là tạo ra vòng vây và kiểm soát một hòn đảo không tên có hình dạng hẹp (giống với địa hình của Đài Loan).
Trong kịch bản mô phỏng, hòn đảo được củng cố bằng một số lượng lớn bệ phóng tên lửa phòng không, trong khi các tàu chiến và tàu ngầm của đối phương rình rập vùng biển xung quanh.
Nhóm nghiên cứu viết: "Do sự hiện diện của các mối đe dọa di động phân tán rộng rãi, ẩn nấp kỹ lưỡng trên đảo và vùng biển lân cận, việc sử dụng lực lượng có người lái truyền thống để trinh sát và tấn công đặt ra thách thức về hiệu quả chi phí thấp.
Ngược lại, thiết bị không người lái mang lại những ưu điểm bao gồm khả năng tiêu hao, chi phí thấp và thương vong tối thiểu. Việc tích hợp các tổ đội thiết bị không người lái vào một cuộc chiến tranh có hệ thống sẽ đẩy nhanh các chu kỳ trinh sát, xác định, ra quyết định và tấn công, qua đó thúc đẩy hiệu quả chiến đấu tổng thể".
Trong mô phỏng, quân đội Trung Quốc sử dụng 4 loại UAV, bao gồm các loại cỡ lớn và cỡ vừa, có khả năng chịu đựng cũng như khả năng trinh sát và tấn công tốt. Các đội UAV được phóng từ các căn cứ quân sự ở Trung Quốc đại lục, với nhiệm vụ "hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, phát hiện, nhận dạng và tấn công nhanh chóng các mối đe dọa di động".
Trong khi đó, các tàu hải quân Trung Quốc triển khai UAV trinh sát cánh composite nhỏ để quan sát cận cảnh các mục tiêu được che giấu, trong khi sử dụng UAV tuần tra chống bức xạ để loại bỏ radar của đối phương.
Sau nhiều trận chiến mô phỏng giả lập, nhóm của Chen phát hiện ra rằng thành bại của cuộc chiến không nằm ở số lượng UAV triển khai nhiều hay ít. Trong vùng tác chiến, một khi quy mô và sự đa dạng của đội hình UAV đạt đến một ngưỡng nhất định, chúng có thể kiểm soát hiệu quả hòn đảo và vùng biển xung quanh, chiếm ưu thế trước lực lượng vũ trang trên đảo và ngăn chặn viện trợ bên ngoài.
Kỹ sư Chen là chủ nhiệm dự án nghiên cứu đánh già và thử nghiệm ứng dụng các hệ thống không người lái tại một căn cứ quân sự ở thành phố ven biển Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc. Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia và Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Việc phân tích và đánh giá kết quả mô phỏng có thể làm sáng tỏ những khiếm khuyết của các kịch bản chiến đấu, qua đó giúp cải thiện khả năng chiến đấu và tinh chỉnh các chiến thuật”.
Nghiên cứu mô phỏng trên được công bố sau khi quân đội Mỹ vào tháng trước tiết lộ về chiến lược Hellscape với việc sử dụng nhiều tổ đội UAV ở eo biển Đài Loan. Những UAV này có mục đích chống lại mọi nỗ lực đổ bộ vào đảo Đài Loan của quân đội Trung Quốc.
“Tôi muốn biến eo biển Đài Loan thành địa ngục thiết bị không người lái”, Đô đốc Samuel Paparo, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, trả lời phỏng vấn với tờ The Washington Post hôm 10/6.
Ông Paparo tự tin tuyên bố: “Với khả năng bí mật, chiến lược Hellscape sẽ khiến họ (quân đội Trung Quốc) phải khốn khổ trong một tháng, giúp chùng tôi có thời gian thực hiện mọi việc còn lại".
"Tôi không thể tiết lộ cụ thể về kế hoạch. Nhưng nó là có thật và có thể thực hiện được”, vị tướng Mỹ khẳng định.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Ngô Khiêm đã lên án chiến lược của Mỹ là "điên rồ".