Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm Oniks thuộc tổ hợp phòng thủ bờ biển Bastion-P được cho là đã nằm trong tay nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon và có thể gây nguy cơ lớn cho hải quân Mỹ và Israel.
Các tay súng Hezbollah đã công bố đoạn video cho thấy họ sở hữu một số hệ thống tên lửa chống hạm ven biển và sẵn sàng sử dụng để chống lại đối thủ. Đoạn video ngắn liệt kê khả năng kỹ thuật của từng loại vũ khí có trong biên chế.
Trong đó bao gồm tổ hợp tên lửa chống hạm Noor của Iran với tầm bắn 120 km - là bản sao YJ-82 của Trung Quốc, và cả bản nâng cấp Qader với cự ly tác chiến 300 km. Đáng chú ý hơn nữa là hệ thống Bastion-P của Nga với tên lửa Oniks có tầm bắn tương tự.
Viễn cảnh tên lửa chống hạm siêu âm tối tân rơi vào tay Hezbollah là một kịch bản còn hơn cả thực tế. Sự thật là vào năm 2006, lực lượng này đã sử dụng tên lửa Noor để tấn công tàu hộ vệ Hanit của Israel.
Cuộc tấn công nói trên rất hiệu quả khi khiến con tàu bị loại khỏi vòng chiến vì hư hỏng đáng kể, 4 thủy thủ thiệt mạng và quá trình sửa chữa mất khoảng thời gian trên 1 tháng.
Israel cùng với Mỹ chắc chắn rất lo lắng nếu những gì xảy ra trong quá khứ lặp lại vào thời điểm hiện nay, khi năng lực tấn công tầm xa của Hezbollah được cho là đã gia tăng đáng kể.
Theo giới quan sát, khả năng Hezbollah có tổ hợp tên lửa chống hạm ven biển Bastion-P của Nga là hoàn toàn thực tế. Năm 2007, Moskva đã bán 2 hệ thống như vậy cho Syria và bàn giao vào giai đoạn 2011 - 2012.
Các nguồn cung cấp thêm tổ hợp Bastion-P cho Damascus cũng không bị loại trừ, trong khi Hezbollah nhận được nhiều sự hỗ trợ đáng kể từ Syria, bao gồm cả việc chuyển giao vũ khí.
Trong mọi trường hợp, mối đe dọa từ tên lửa chống hạm vẫn tồn tại, kinh nghiệm năm 2006 đã cho thấy rõ ràng điều này. Hơn nữa trong thời gian qua, mức độ hiện đại hóa vũ khí của các tổ chức vũ trang tại Trung Đông theo nhận xét đã gia tăng mạnh.
Hiện tại nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ngoài khơi địa Trung Hải, hay các tàu chiến của Israel hoạt động gần đó đều có khả năng bị tên lửa siêu âm Oniks của tổ hợp Bastion-P tấn công và phá hủy.
Tên lửa Oniks (bản xuất khẩu được gọi là Yakhont) có tầm bắn tối đa 300 km, vận tốc lớn nhất Mach 2,5, thực hiện được quỹ đạo bay phức tạp nhằm đánh lừa hệ thống phòng không đối phương, khi tiếp cận mục tiêu, đạn chỉ cách mặt biển 10 m.
Với đầu đạn trọng lượng 200 km và áp dụng cơ chế nổ giữ chậm, tận dụng động năng xuyên sâu vào trong thân tàu mới phát nổ, tên lửa Oniks đủ sức đánh chìm một chiến hạm cỡ lớn.
Trong nhiều cuộc diễn tập, hệ thống phòng thủ hạm tàu của cả Mỹ và Israel đều chưa cho thấy độ tin cậy khi đối đầu với những chiếc bia bay siêu âm mô phỏng tên lửa hành trình chống hạm tốc độ cao như Oniks.
Do vậy để đảm bảo an toàn, trong trường hợp xảy ra chiến sự, Mỹ và Israel sẽ phải đưa tàu chiến của mình ra xa ngoài cự ly 300 km để tránh trở thành mục tiêu của tên lửa Oniks trong tay Hezbollah.