Hiểm họa cháy nổ từ việc bán xăng tự phát ở ven đường

Trên một số tuyến đường xuất hiện các điểm bán xăng tự phát, đây là nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ.

Trên các tuyến đường như: Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi, Tây Sơn... không khó để bắt gặp các điểm bán xăng tự phát. Người bán xăng thường trữ mặt hàng này vào can, chai lọ nhựa hay "hiện đại" hơn là các cột bơm xăng mini.

Anh Nguyễn Đình Cường (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, các điểm bạn xăng tự phát trên đường khá tiện lợi trong các tình huống xe bất ngờ bị hết xăng. Tuy nhiên, về việc chất lượng xăng hay có bơm đủ xăng hay không thì người mua hàng không thể biết được.

"Bản thân tôi thấy nguy cơ cháy, nổ hiện hữu với các điểm bán xăng tự phát trên đường, họ tự trữ xăng trong nhà thì không lấy gì để đảm bảo an toàn", anh Nguyễn Đình Cường nói.

Chị Mai Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho rằng, việc đổ xăng ở các điểm bán tự phát chỉ là "cực chẳng đã" bởi không ai kiểm soát chất lượng của các điểm bán xăng này.

Xăng được đựng cho chai, lọ bán ở vỉa hè

Xăng được đựng cho chai, lọ bán ở vỉa hè

Không chỉ có nguy cơ không đảm bảo chất lượng, các điểm bán xăng tự phát còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC.

Theo chuyên gia PCCC&CNCH, xăng có khả năng cháy, nổ cao và có tính chất lý, hóa đặc biệt, nếu được tích trữ trong các can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp, với đặc tính của xăng dầu thì rất dễ dẫn đến hiện tượng bị hư hỏng hoặc do va đập làm vỡ, thủng thiết bị chứa dẫn đến rò rỉ xăng dầu ra ngoài, tạo thành môi trường nguy hiểm gây cháy, nổ, đặc biệt là trong không gian kín, hẹp.

Cũng theo chuyên gia này, đối với cá nhân, không được tích trữ xăng, dầu trái phép dưới mọi hình thức. Trường hợp sử dụng xăng, dầu phục vụ nhu cầu sinh hoạt (đun nấu, thắp sáng, đi lại) thì chỉ lưu giữ đủ nhu cầu trong ngày; các vật dụng, thiết bị, phương tiện chứa xăng, dầu phải bố trí tại nơi thoáng mát và phải cách xa các đồ dùng, vật dụng dễ cháy các khu vực khác thường xuyên phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt. Khu vực đun nấu phải được ngăn cách với các không gian còn lại bằng các vật liệu không cháy.

Việc sử dụng dầu hỏa để đun nấu phải đảm bảo bếp có đủ bấc dầu và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa và các nguồn nhiệt xung quanh, tuyệt đối không tận dụng các hóa chất khác như xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Trong quá trình sử dụng phải có người trông coi, giám sát.

Trang bị các phương tiện chữa cháy xách tay cũng như các kiến thức PCCC cho bản thân và mọi người trong gia đình để kịp thời ứng phó khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Không tích trữ xăng, dầu ngoài các thiết bị, kho chứa đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Không tự ý san, chiết xăng, dầu sang các thiết bị, dụng cụ chứa không đảm bảo an toàn PCCC theo quy định. Không sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại những vùng, khu vực nguy hiểm cháy, nổ và những nơi có quy định cấm.

Xử phạt thế nào đối với hành vi tích trữ xăng dầu?

Về xử phạt hành chính, theo Khoản 4 Điều 32 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Người có hành vi tàng trữ xăng dầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy", theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tùy theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy thể bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù. Khung hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù, trong trường hợp: Làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 05 năm.

Đối với hành vi tích trữ số lượng lớn xăng, dầu nhưng không bán ra ngoài cho người tiêu dùng nhằm mục đích chuộc lợi, gây ảnh hưởng tới cộng đồng thì có thể bị xử lý hình sự về "Tội đầu cơ" theo quy định Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá có giá trị từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc bán lại để thu lời bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 - 60.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Khung hình phạt cao nhất bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm trong trường hợp hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên; hoặc thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; hoặc tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt từ 300.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm và có thể bị áp dụng cấm kinh doanh, cấm hoạt động một số lĩnh vực nhất định, thậm chí là bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Đình Hiếu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hiem-hoa-chay-no-tu-viec-ban-xang-tu-phat-o-ven-duong-2226915.html