Hiểm họa đồ chơi bạo lực trẻ em
Bất chấp những cảnh báo nguy hại đến tính cách, sức khỏe, nhiều đồ chơi dành cho trẻ em mang tính bạo lực như: dao, kiếm, súng, cung tên... được bày bán tràn lan, tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường.
Đủ loại "hàng nóng"
Tại nhiều cửa hàng bán đồ chơi dành cho trẻ em ở TPHCM, phụ huynh không khó để bắt gặp các loại dao, kiếm, súng, đạn làm bằng nhựa được bày bán nhan nhãn.
Bên cạnh các loại đồ chơi thân thiện dành cho trẻ em như: búp bê, máy bay, xe cộ..., một cửa hàng bán đồ chơi dành cho trẻ em nằm trước cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Q1, TPHCM) còn bán các loại đồ chơi mang tính bạo lực như: súng, kiếm Nhật bằng nhựa. Nhiều cây kiếm dài cỡ nửa mét được chủ cửa hàng đặt giữa gian hàng đồ chơi, thu hút nhiều ánh mắt tò mò của trẻ con. Nằm đối diện với Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhiều người trải bạt trên vỉa hè rồi bày bán nhiều loại đồ chơi trẻ em, trong đó có nhiều loại đồ chơi mang tính bạo lực như: kiếm, súng lục, súng AK bằng nhựa. Tương tự, xung quanh Bệnh viện Nhi Đồng 1, Q10 cũng có không ít điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em bày bán nhiều loại dao kiếm, súng ống. Nhiều ông bố, bà mẹ sẵn sàng bỏ tiền mua các đồ chơi bạo lực này cho con em mình sử dụng.
Không chỉ xung quanh các bệnh viện nhi, tại khuôn viên của một số chùa cũng bày bán nhiều loại đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực cao. Trước chùa bà Châu Đốc 3 (TP.Thủ Đức), khách hành hương dễ dàng bắt gặp nhiều cửa hàng bán đủ loại đồ chơi như: búp bê, thú cưng, xe cộ, mô hình lắp ghép và nhiều loại dao, kiếm, súng ống bằng nhựa. Có loại được xếp ngay ngắn trên kệ, nhưng có loại đựng trong chiếc sọt bằng nhựa, rất tiện cho khách lựa chọn.
Trong khuôn viên chùa Hội Sơn (TP.Thủ Đức) và đoạn đường dẫn lên chùa Châu Thới (Bình Dương) cũng có không ít người bán đồ chơi bạo lực dành cho trẻ em. Tại đường dẫn lên núi Châu Thới (Bình Dương), chúng tôi chứng kiến người bán hàng di động bày bán nhiều loại dao, kiếm, súng nhựa treo lủng lẳng trên những chiếc xe máy hoặc bày trên những tấm bạt trải ven đường. Tùy vào chất liệu, mẫu mã, các loại súng, dao kiếm nhựa này có giá bán khá rẻ, từ vài chục cho đến vài trăm ngàn đồng, thu hút nhiều phụ huynh mua cho con em mình.
Vào buổi chiều, tại cổng Nhà thiếu nhi Thủ Đức (cơ sở 2) nằm trên đường Hồ Thị Tư (TP.Thủ Đức) thường xuất hiện một người đàn ông bán đồ chơi dạo. Người này treo nhiều loại đồ chơi trẻ em như: búp bê, các loại xe nhựa, bóng bay, dao, kiếm, súng ống trên chiếc xe máy để bán cho khách. Tương tự, tại nhiều công viên khác trong thành phố, người đi đường không khó để bắt gặp đồ chơi mang tính bạo lực dành cho trẻ em được bày bán công khai.
Hiểm họa khôn lường
Chị Hoa (ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) cho biết, dịp du xuân đầu năm, chị dẫn đứa con trai 6 tuổi vào một điểm bán đồ chơi, con chị nằng nặc đòi mẹ mua bằng được thanh kiếm bằng nhựa. Trở về nhà, cậu bé cầm cây kiếm đi khoe với đám bạn trong xóm rồi chơi trò đánh nhau. Trong lúc vui đùa, con chị không may làm trầy xước bạn mình khiến chị hối hận vì chiều theo ý con.
Nhân dịp sinh nhật 8 tuổi, con trai của chị Linh (ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) được bố mẹ bạn học cùng lớp tặng món quà là chiếc súng bắn đạn xốp. Sau khi có món quà, không ít lần cậu lấy súng chỉa vào đầu mấy đứa bạn trong xóm bắn đùng đùng khiến chị Linh phát hoảng. Chị khuyên can không được nghịch dại thì cậu bé tuyên bố "sẽ gọi các anh em trong biệt đội siêu nhân đến tiêu diệt tất cả!". Tá hỏa với phát ngôn gây sốc của con, chị đành tịch thu chiếc súng, cấm con sử dụng.
Tại các khu dân cư, nhiều người không khỏi choáng váng khi thấy không ít đứa trẻ mang dao, kiếm, súng nhựa ra đấu nhau hoặc bắn nhau chí chóe mà không lường hết được tác hại từ những trò chơi này gây ra. Anh Đinh Văn Hoàng (ngụ Q.Gò Vấp) ngao ngán: "Mang tiếng là đồ chơi giải trí, nhưng cho trẻ con sử dụng nhiều các loại dao, kiếm, súng nhựa đồ chơi sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ dễ dàng gây ra sát thương, việc trẻ con lạm dụng chơi đồ chơi mang tính bạo lực quá sớm khiến tâm lý trẻ con biến đổi phức tạp. Nhiều đứa trẻ dễ bị hoang tưởng, bản tính trở nên hung hăng rất nguy hiểm".
Một tiểu thương bán đồ chơi trẻ em cho biết, các đồ chơi như: súng, dao, kiếm... rất được trẻ em yêu thích nên bán đắt hàng. Người bán cũng không phân biệt được đâu là đồ chơi mang tính bạo lực, không lành mạnh, không rõ xuất xứ nguồn gốc... Chỉ thấy đồ chơi nào được trẻ em ưa chuộng thì lấy về bán.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ bị cấm. Đó là các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng, súng nén bằng hơi hoặc bằng lò-xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác; súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ và các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí như lựu đạn, kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ (làm bằng các loại vật liệu kể cả gỗ, tre, giấy nén...); các loại pháo, các loạt vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng; các loại đồ chơi ảo... Bán hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi này đều bị xử phạt.
Trước thực trạng đồ chơi bạo lực bày bán tràn lan trên thị trường, các bậc phụ huynh, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua đồ chơi cho con em mình. Không nên chiều theo ý thích của con mà mua những các loại đồ chơi bạo lực, ảnh hưởng xấu đến việc phát triển nhân cách của trẻ.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/hiem-hoa-do-choi-bao-luc-tre-em_159830.html