Hiểm họa khi trẻ học chế pháo trên mạng
Chỉ trong khoảng 2 tuần qua, các bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương tiếp nhận hàng loạt ca tai nạn thương tích nặng do chế tạo pháo. Nạn nhân chủ yếu là học sinh, vì hiếu kỳ nên làm pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng xã hội.
Dùng máy sinh tố để xay hỗn hợp làm pháo
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận nam sinh 12 tuổi (Quảng Ninh) trong tình trạng bàn tay phải dập nát, ngón cái đứt rời, ngón 3 đứt rời đốt 2-3, các ngón 2, 4, 5 dập nát phần mềm và xương gãy phức tạp nhiều vị trí.
Bệnh nhân nát tay trong quá trình chế tạo pháo nổ.
Kíp phẫu thuật đã xử trí cắt lọc tổn thương, găm đinh cố định các ngón và để ngỏ tổn thương. Theo người thân, nam sinh bị thương do tự chế pháo nổ.
TS. BS Nguyễn Viết Ngọc, Phó trưởng khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh nhân được điều trị kháng sinh, khâu vết thương và ghép da làm liền vết thương. Khi vết thương liền da ổn định sẽ được khám lại để thực hiện tiếp phẫu thuật. Việc điều trị cần nhiều thời gian.
Ngày 8/1, P.G.B và Đ.N.H (cùng 15 tuổi, trú tại xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, Lâm Đồng) cũng bị chấn thương toàn thân rất nặng khi tự chế tạo pháo. Sự việc xảy ra khi các em sử dụng máy xay sinh tố để xay hỗn hợp lưu huỳnh và chất hóa học để làm thuốc pháo.
Cả hai được người nhà chuyển tới Bệnh viện Đa khoa 2 Lâm Đồng cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh. B bị hàng chục vết thương nặng khắp cơ thể và được chẩn đoán thủng khí quản, thủng phổi và tràn máu màng phổi. H cũng bị đa chấn thương nặng, trong đó có vết thương bụng kín vỡ gan, thủng ruột. Cả hai nhanh chóng được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để tiếp tục điều trị trong tình trạng nguy kịch.
Trước việc nhiều học sinh đặt mua hợp chất pha sẵn để chế tạo pháo theo clip hướng dẫn trên mạng xã hội, PGS.TS Đào Hữu Dân, giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an cho biết, thuốc pháo thực chất là thuốc nổ với cấu trúc các thành phần chính như Natri Kali, than, lưu huỳnh trộn với nhau.
Trong quá trình thực hiện theo các clip hướng dẫn, các em không biết đặc tính rất nguy hiểm của thuốc nổ là chỉ một va chạm hoặc hiện tượng gây ma sát sẽ dẫn đến cháy nổ rất nhanh.
"Các tổn thương do pháo nổ thường phức tạp, nhiều người bị tổn thương hàng loạt vị trí trên cơ thể nên điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn", BS Viết Ngọc cho biết.
Nhan nhản video hướng dẫn tự chế pháo
Chỉ với việc gõ từ khóa "làm pháo nổ", trên mạng xã hội xuất hiện vô vàn video hướng dẫn tự chế tạo pháo, giới thiệu chi tiết cách thức hòa trộn hóa chất để làm thuốc pháo, cách cuốn cuộn vở đến cách nhồi thuốc pháo, gắn ngòi…
Nhan nhản hình ảnh hướng dẫn cách làm pháo (ảnh chụp lại từ clip).
Trên Facebook còn có nhóm Đam mê chế pháo… để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, mua bán nguyên liệu chế tạo pháo, hay đăng tải clip chiến tích khoe pháo tự chế nổ to…
Bên cạnh đó là clip hướng dẫn chi tiết cách tìm mua nguyên liệu KClo3, lưu huỳnh, natri… để chế thuốc pháo dưới các tên gọi trá danh "phân bón", "bột đá thạch cao" (KClo3), "bột xua đuổi gián" (lưu huỳnh), "bột chống mốc bảo quản " (natri). Do vậy, các nguyên liệu để làm pháo hiện cũng đều rất dễ dàng mua trên các sàn thương mại điện tử.
BS Viết Ngọc cho hay, để hạn chế việc tự chế tạo pháo, cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để nâng cao nhận thức cho trẻ. Đối với gia đình cần quản lý, kiểm soát, thấy trẻ tích lũy thuốc pháo, có biểu hiện chế tạo pháo thì ngăn chặn ngay. Về phía nhà trường, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền tới học sinh.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng để hạn chế tối đa hệ lụy đáng tiếc từ việc trẻ chế tạo pháo trái phép, cũng cần ngăn chặn sự tồn tại của các clip hướng dẫn làm pháo trên các trang mạng xã hội…
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư Hà Nội, Nghị định số 137/2020 nghiêm cấm các hành vi như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo quy định). Cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
Việc đăng tải các clip hướng dẫn người khác tự chế pháo nổ là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị xử phạt phạt tiền 10 - 20 triệu đồng.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tự chế pháo nổ trong giới trẻ, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để thanh, thiếu niên nhận thức rõ về hành vi vi phạm về pháo, không nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán pháo trái phép.