Hiểm họa khi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại

Hiện tượng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại trên đường phố không phải đến bây giờ mới được đề cập. Hành vi này không những gây nguy hiểm cho tính mạng của người lái xe, mà còn trực tiếp đe dọa sự an toàn của những phương tiện khác cùng lưu thông trên đường.

Ẩn họa chết người

Mới đây, một video khiến cư dân “mạng” thót tim đang được lan truyền là cô gái vừa lái xe máy vừa dùng điện thoại. Vì thiếu chú ý, xe máy của cô bị va vào thùng hàng của xe chạy phía trước.

Cú va chạm khiến cả cô gái và xe máy ngã ra đường, sau đó lao đầu thẳng vào ô tô đang chạy ngược chiều. May mắn, cô gái chỉ bị xây xát nhẹ mà không gặp chấn thương gì nghiêm trọng sau vụ tai nạn.

Dẫn như vậy để thấy rằng, hành vi này không chỉ gây mất an toàn giao thông cho chính bản thân còn trực tiếp gây nguy hiểm những người xung quanh.

Cuộc sống hiện đại khiến thói quen sử dụng điện thoại ở mọi lúc mọi nơi trở nên phổ biến. Nhiều người vì mải mê với những cuộc gọi, tin nhắn hay lướt mạng xã hội mà không để ý đến những rủi ro có thể xảy đến với mình khi tham gia giao thông.

Hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. (Ảnh: Đinh Luyện)

Hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. (Ảnh: Đinh Luyện)

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao động Thủ đô tại nút giao Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) thời điểm 8h15, chỉ trong thời gian 30 phút, phóng viên chứng kiến không dưới 15 trường hợp người điều khiển xe máy, xe đạp điện một tay điều khiển phương tiện, tay còn lại cầm điện thoại nhắn tin, gọi điện khi xe vẫn lao vun vút.

Tại các nút giao thông này, không ít trường hợp còn “tận dụng” khoảng thời gian chờ đèn đỏ ngắn ngủi để tranh thủ lướt facebook, nghe nhạc... Đáng nói, khi đèn tín hiệu từ đỏ chuyển xanh, các phương tiện phía sau còi inh ỏi, những người sử dụng điện thoại mới tá hỏa một tay cầm điện thoại, một tay lái xe qua nút giao thông.

Dù nhận bức xúc của nhiều người đi đường song hành vi này vẫn tái diễn thậm chí còn có xu hướng ngày một phổ biến.

Cần sớm chấn chỉnh

Vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại là hành vi vi phạm pháp luật, điều này được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, việc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại còn kéo theo các lỗi vi phạm khác như chuyển hướng không báo hiệu, qua đường thiếu quan sát, không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông hoặc lực lượng cảnh sát giao thông.

Theo tìm hiểu, Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định rõ mức phạt đối với hành vi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, các thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính).

Cụ thể, đối với các trường hợp điều khiển ô tô và các phương tiện tương tự sử dụng điện thoại, thiết bị âm thanh sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng và tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng nếu như để xảy ra tai nạn giao thông.

Đối với người điều khiển mô tô, xe máy và xe tương tự sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng - 1.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng và từ 2 - 4 tháng nếu như để xảy ra tai nạn giao thông. Đối với người điều khiển xe thô sơ, xe đạp điện vi phạm sẽ bị xử phạt từ 80.000 đồng - 100.000 đồng.

Một hành vi khác mà nhiều người điều khiển xe thường làm là đeo tai nghe khi tham gia giao thông. Điều này cũng rất nguy hiểm và vi phạm pháp luật. Dù đeo tai nghe để nghe nhạc, chống ồn… thì hành động này cũng trực tiếp làm giảm khả năng nghe còi, chi phối việc chú ý tín hiệu giao thông từ các phương tiện khác hay hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, dẫn đến có thể xảy ra tai nạn.

Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh. (Ảnh: Đinh Luyện)

Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh. (Ảnh: Đinh Luyện)

Đáng lo ngại, ngoài việc trực tiếp giảm sự tập trung và khả năng quan sát, khả năng xử lý tình huống, đáng lo ngại, những hành vi vi phạm này lại đang lan rộng với sự tham gia đa dạng của các lứa tuổi, phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, để xử phạt rất khó khăn bởi hành vi này diễn ra rất nhanh, việc ghi lại hình ảnh để chứng minh vi phạm gần như không thể.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Học (hiện công tác tại Báo Nhân Dân), người đã giành Giải Nhì của cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban An toàn giao thông Thành phố, Sở GTVT Hà Nội và Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức nhận định, việc vừa sử dụng điện thoại vừa điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến việc mất tập trung rất cao, thậm chí nguy hiểm tương tự như uống rượu, bia. Đặc biệt khi người điều khiển xe ở tốc độ cao và dùng tin nhắn.

Tại tọa đàm “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn ở đô thị”, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu quan điểm, để hạn chế các vi phạm thì việc nêu gương phải đặt lên hàng đầu. Cụ thể, các bậc phụ huynh, ông bà, cha mẹ nói riêng và những người trưởng thành sẽ trở thành những tấm gương mẫu mực trong việc chủ động tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Để mỗi người là “hạt nhân đỏ” chia sẻ lan tỏa các thông điệp về an toàn giao thông ngay trong gia đình và cộng đồng (đơn giản như việc đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn hoặc dùng các thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô, xe máy… đã uống rượu bia không lái xe, không sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông).

“Chúng ta cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục văn hóa giao thông cho mỗi thành viên trong gia đình, bạn bè và người thân. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy giáo dục về cách thức ứng xử có văn hóa với con em mình, góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ một cách hiệu quả và bền vững”, ông Trần Hữu Minh nhấn mạnh.

Xuyên suốt vấn đề có thể thấy, để hạn chế tai nạn thì cần cấm hoàn toàn hành vi sử dụng điện thoại di động cầm tay khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, điều quan trọng là các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh triển khai triệt để việc xử lý vi phạm, tránh tình trạng nhiều quy định hiện nay, lúc làm lúc bỏ, chỗ làm chặt, chỗ lơ là... dẫn đến người dân có biết cũng không chấp hành.

Mặt khác lái xe nghe điện thoại bắt nguồn từ ý thức của chính mỗi người tham gia giao thông. Họ cần nhận thức được việc nghe điện thoại là vi phạm và có thể dẫn đến tai nạn cho chính bản thân và những người xung quanh.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hiem-hoa-khi-vua-lai-xe-vua-su-dung-dien-thoai-182020.html