Hiểm họa khó lường từ những chiếc cầu treo dân sinh
Sơn La hiện có trên 300 cầu treo dân sinh, đa phần đã qua 5-10 năm hoạt động
Địa hình chia cắt sâu, phức tạp, hệ thống sông suối dày đặc, nên các cầu treo dân sinh ở Sơn La đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, cầu treo là loại công trình bán vĩnh cửu, nhanh xuống cấp, nên việc sử dụng cầu treo luôn song hành với các hiểm họa khó lường. Vụ việc sập cầu treo ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, làm 8 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương xảy ra cuối tháng 2 vừa qua càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa trên những cây cầu treo dân sinh.
Toàn tỉnh Sơn La có trên 300 cầu treo dân sinh
Những chiếc cầu treo vắt vẻo từ lâu đã trở thành những hình ảnh quen thuộc trong khắp các bản làng ở tỉnh miền núi Sơn La. Địa hình chia cắt sâu, nhiều sông suối, nên các cây cầu treo trở thành điểm nhấn quan trọng nối liền các tuyến giao thông đường bộ ở đây. Bất chấp cây cầu được xây dựng thế nào, hàng ngày, người dân vẫn đi qua, đi lại và nó trở nên quen thuộc với cuộc sống của họ.
Theo thống kê, tỉnh Sơn La hiện có trên 300 cầu treo dân sinh. Trong đó, chỉ có 11 cầu được làm mới, sửa chữa và đưa vào sử dụng trong năm 2013, còn lại là sử dụng ít nhất 5 năm, hoặc trên 10 năm. Do khối lượng nhỏ, vật liệu chủ yếu bằng thép và gỗ dễ chịu tác động của môi trường, nên các cầu treo dân sinh ở Sơn La hầu hết đã xuống cấp, như hệ thống cáp bị đứt, han gỉ; dầm ngang, dọc và mặt cầu bị gãy, mục mát…gây mất an toàn giao thông trong quá trình khai thác, sử dụng.
Đa số các cây cầu treo ở Sơn La đã có trên 10 năm tuổi
Sau sự cố sập cầu treo ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu làm 8 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương, ngành giao thông - vận tải tỉnh Sơn La đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cầu treo trên địa bàn. Trên cơ sở đó kịp thời sửa chữa các hư hỏng, nhằm không để xảy ra các tình huống tương tự.
Hiện nay, một khó khăn không nhỏ là đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp cơ sở còn thiếu, kinh phí hạn hẹp, nên việc bảo dưỡng, sửa chữa cầu treo không được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc bảo vệ công trình còn hạn chế, nên nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn.
Một vụ sập cầu
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã có các hiện tượng đứt, sập cầu treo, điển hình như các vụ ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La; Mường Hung, Chiềng Khoong, huyện Sông Mã; cầu Bùa Chung (huyện Phù Yên)…Tuy không thiệt hại lớn, nhưng đây là lời cảnh báo để cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần sớm rà soát lại chất lượng các loại cầu treo; tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu đúng về khả năng khai thác cầu và có ý thức bảo vệ công trình, cũng như cách thức đi lại an toàn./.
Nguồn VOV: http://vov.vn/doi-song/hiem-hoa-kho-luong-tu-nhung-chiec-cau-treo-dan-sinh/314793.vov