Hiểm họa khôn lường khi sao Bollywood phẫu thuật thẩm mỹ
Dù biết trước những nguy cơ tiềm ẩn mà phẫu thuật thẩm mỹ gây ra, nhiều ngôi sao Ấn Độ vẫn chấp nhận đánh đổi để có ngoại hình như ý muốn.
Vụ diễn viên Chethana Raj qua đời ở tuổi 22 sau ca hút mỡ làm dấy lên nỗi lo sợ về thực trạng phẫu thuật thẩm mỹ ở Ấn Độ. Hiện nay, có nhiều sao Bollywood nhờ cậy "dao kéo" để cân chỉnh mắt, mũi, ngực và nhiều bộ phận khác trên cơ thể.
Dù biết trước những nguy cơ tiềm ẩn mà phẫu thuật thẩm mỹ gây ra, họ vẫn chấp nhận đánh đổi để có ngoại hình như ý muốn.
Những biến chứng nguy hiểm
Hindustan Times đưa tin ngày 16/5, Chethana Raj đến cơ sở làm đẹp ở tiểu bang Karnataka với mong muốn loại bỏ mỡ thừa để có vóc dáng thon gọn như đồng nghiệp. Tuy nhiên, sau khi rời bàn mổ, cô bị biến chứng dẫn đến khó thở, tay chân tím tái.
Nữ diễn viên nhanh chóng được đưa đến bệnh viện Kaade gần đó để cấp cứu. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tim, phổi trong vòng 45 phút nhưng không thể cứu sống Chethana.
Bác sĩ ở bệnh viện nói rằng thẩm mỹ viện biết Chethana tử vong nhưng cố tình tạo các chứng cứ giả nhằm che giấu thời điểm cô qua đời. Phía bệnh viện đã cung cấp cho cảnh sát báo cáo về tình trạng của Chethana khi được đưa đến cấp cứu.
Chia sẻ trên India Today, người thân của Chethana kể nữ diễn viên từng bị chê béo, miệt thị ngoại hình nên đã giấu gia đình đi trùng tu. Vì áp lực phải đẹp nhanh cộng thêm thiếu kiến thức, chưa tìm hiểu kỹ trước khi chọn nơi thẩm mỹ, Chethana đã nhận cái kết đắng.
Gia đình Chethana gần như suy sụp trước cái chết của con gái. Họ nói sẽ thu thập bằng chứng và khởi kiện trung tâm thẩm mỹ.
Trước Chethana, showbiz Ấn Độ cũng từng xôn xao vụ diễn viên Aarthi Agarwal mất với nguyên nhân tương tự. Vào tháng 6/2015, Aarthi rơi vào trạng thái suy hô hấp khi được chuyển tới Trung tâm Y tế AtlantiCare Regional ở Atlantic City (Mỹ). Nữ diễn viên gốc Ấn Độ sau đó tắt thở tại bệnh viện do biến chứng từ ca phẫu thuật hút mỡ cách đó một tháng.
Theo Daily Mail, Aarthi ra đi ở tuổi 31. Khi còn sống, cô phải đã chiến đấu với bệnh béo phì và phổi thời gian dài.
Ayesha Takia thuộc lứa diễn viên thực lực, nhan sắc nổi bật của điện ảnh Bollywood và thậm chí được ưu ái danh xưng "biểu tượng sắc đẹp Ấn Độ". Tuy nhiên, ngoại hình của Ayesha những năm gần đây gây bàn tán vì sự khác lạ, xuống dốc.
Vào năm 2017, khán giả gần như không thể nhận ra Ayesha với gương mặt cứng đờ, môi sưng phồng. Một số tờ báo khẳng định Ayesha đã thẩm mỹ trong quá khứ và giờ cô phải gánh chịu hậu quả. "Sự thay đổi này khiến người hâm mộ Ayesha phải tiếc nuối", trích một ý kiến tiêu biểu trên India Today.
Ayesha đã lên tiếng chỉ trích truyền thông chỉnh ảnh cô đến biến dạng, nhưng tờ Bollywood Life nhanh chóng cung cấp bằng chứng ảnh chưa qua photoshop, cho thấy ngoại hình nữ diễn viên thực sự xuống dốc.
Trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái, Priyanka Chopra tiết lộ vào đầu thập niên 2000, cô đã thực hiện ca phẫu thuật mũi tưởng chừng đơn giản nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngoại hình.
Do sự cố, sống mũi của Chopra bị sập. Gương mặt cô bắt đầu trở thành chủ đề bàn tán tại Ấn Độ. Chopra miêu tả đó là trải nghiệm kinh khủng: "Chiếc mũi ban đầu của tôi biến mất. Gương mặt thật khác lạ. Tôi không còn là mình nữa".
Theo Masala, Aishwarya Rai Bachchan, Anushka Sharma, Katrina Kaif, Karisma Kapoor, Janhvi Kapoor, Shilpa Shetty... cũng ít nhiều sử dụng thủ thuật thẩm mỹ xâm lấn hoặc không xâm lấn, và không phải ai cũng hài lòng với kết quả.
Trong khi đó, Koena Mitra, Minissha Lamba, Gauhar Khan, Rakhi Sawant... bị gọi là thảm họa thẩm mỹ vì lạm dụng "dao kéo" quá đà.
Lý do ngành thẩm mỹ ở Ấn Độ phát triển
Từ năm 2009, Ấn Độ cùng với Đài Loan, Thái Lan trở thành "thiên đường mới của phẫu thuật thẩm mỹ". Theo cuộc khảo sát toàn cầu của Hiệp hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ quốc tế (ISAPS), Ấn Độ đứng thứ tư thế giới về số ca phẫu thuật thẩm mỹ với trung bình hơn 9 triệu ca/năm, con số tăng dần theo từng năm.
Năm 2021, Statista liệt kê phương pháp thẩm mỹ phổ biến nhất ở Ấn Độ là cấy tóc với hơn 30.000 ca/tháng, tiếp theo là hút mỡ - 20.000 ca và nâng mũi - hơn 19.000 ca.
Đối với phụ nữ, họ yêu thích nhất là hút mỡ, sau đó đến nâng ngực, nâng cơ hoặc căng da bụng, truyền collagen để có vẻ ngoài trẻ trung hơn, và cuối cùng là nâng mũi và cắt mắt.
Trong khi đó, nâng mũi được đàn ông cân nhắc sửa nhiều nhất. Hơn 2/3 dân số nam trên thế giới bị hói đầu một phần hoặc toàn bộ, do vậy, phương pháp cấy tóc cũng thu hút lượng lớn khách hàng.
Ngành thẩm mỹ ở Ấn Độ phát triển là do chi phí thấp, thiết bị y tế tốt và nhân viên y tế cũng thành thạo tiếng Anh. Hơn nữa, với những phụ nữ đến từ Tây Phi, "dao kéo" ở nơi xa như Hàn Quốc và Mỹ - hai thị trường thẩm mỹ hàng đầu - không mang tính khả thi. Do vậy, họ đặt niềm tin vào ngành thẩm mỹ nước láng giềng.
Theo ALCS India, hóa đơn cho một lần thẩm mỹ ở Ấn Độ chỉ bằng 1/5 so với Mỹ, Anh. Nhờ vậy, ngành du lịch cũng phát triển theo. Mỗi năm có hàng triệu người ngoại quốc đến Ấn Độ nghỉ dưỡng kết hợp trùng tu nhan sắc.
Ashish Davalbhakta - thư ký của Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Ấn Độ - chia sẻ: "Thu nhập của những người trong độ tuổi 35 đến 45 tăng đáng kể và do nhu cầu ngày càng cao, họ mạnh dạn chi tiền cho thẩm mỹ để đẹp hơn".
Davalbhakta cho biết khoảng 13,5% khách hàng thẩm mỹ ở Ấn Độ đến từ Mỹ, Anh và UAE. "Người nước ngoài đến thăm đất nước này, đặc biệt là để du lịch và thẩm mỹ vì những thủ tục này không được bảo hiểm y tế ở quốc gia họ chi trả", ông nói.
Tuy nhiên, ngành thẩm mỹ ở Ấn Độ phát triển kéo theo nhiều hệ lụy. Số ca phẫu thuật tăng đồng nghĩa số người gặp biến chứng, hậu quả sau "dao kéo" cũng tăng, nhưng nhìn chung vẫn chiếm tỷ lệ thấp (dưới 3%).
Tiến sĩ Richie Gupta - Giám đốc kiêm trưởng khoa phẫu thuật tạo hình của bệnh viện Fortis ở Shalimar Bagh - cho biết biến chứng có thể xảy ra ngay sau khi khách hàng phẫu thuật, hoặc có thể là vài năm sau đó. Ông cũng nhận định trường hợp tử vong do biến chứng thẩm mỹ như diễn viên Chethana Raj là hiếm gặp.
Vivek Kumar - bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình tại Bệnh viện Sir Ganga Ram (Ấn Độ) - giải thích: "Những khách hàng tử vong có thể là do phản ứng thuốc sau khi bị dị ứng kháng sinh hoặc thuốc gây mê, dẫn đến phù phổi và ngừng tim".