Hiểm họa lâu dài

Nếu sử dụng, bom, đạn chùm có thể mang lại cho Ukraine lợi thế tạm thời trên chiến trường. Nhưng khi xung đột vũ trang kết thúc, di sản chết chóc của loại vũ khí không phân biệt mục tiêu như thế này sẽ tồn đọng trong đất đai Ukraine rất nhiều năm tiếp theo.

Giám đốc phụ trách hoạt động của Bộ Tham mưu liên quân Mỹ, Tướng Douglas Sims hôm 13/7 cho biết “bom, đạn chùm đã được chuyển tới Ukraine” nhưng ông không nói rõ liệu chúng đã được sử dụng hay chưa. Cùng ngày, Tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy Chiến dịch Lực lượng Liên hợp Tavria (Ukraine) xác nhận Kiev đã nhận được bom, đạn chùm từ Washington.

Bom, đạn chùm đã bị cấm ở trên 120 quốc gia vì mức độ nguy hiểm của chúng đối với những người không tham chiến.

Bom, đạn chùm đã bị cấm ở trên 120 quốc gia vì mức độ nguy hiểm của chúng đối với những người không tham chiến.

Ông nói: “Chúng tôi vừa nhận, chúng tôi chưa sử dụng nhưng bom, đạn chùm có thể thay đổi hoàn toàn chiến trường. Đối phương cũng hiểu rằng, khi có được loại vũ khí này, chúng tôi sẽ có lợi thế. Đối phương sẽ từ bỏ khu vực có địa hình có thể sử dụng bom, đạn chùm”. Ông cho biết thêm rằng, lãnh đạo cấp cao Ukraine sẽ quyết định sử dụng bom, đạn chùm ở các khu vực nào, nhấn mạnh rằng, đây là một vũ khí rất mạnh mẽ. Theo ông, sử dụng loại vũ khí này có các hạn chế khi bị cấm dùng ở các khu vực đông dân cư, ngay cả nếu khu vực đó do Nga kiểm soát. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov bày tỏ hoan nghênh việc Mỹ gửi bom chùm cho nước này. Ông tuyên bố sẽ chỉ dùng bom chùm để giải phóng các lãnh thổ của nước này đang bị Nga kiểm soát, đồng thời cam kết không dùng nó để tấn công vào lãnh thổ của nước Nga được quốc tế công nhận chính thức.

Bom, đạn chùm là loại vũ khí bị cấm tại hơn 120 nước, bao gồm 23 nước thành viên NATO, dựa trên Công ước cấm sử dụng bom, đạn chùm (Convention on Cluster Munitions - CCM) được thông qua năm 2008. Hồi tháng 6 vừa qua, một liên minh 38 tổ chức (bao gồm tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Quỹ nước Mỹ dành cho UNICEF) đã hối thúc Nhà Trắng “tiếp tục kiên định” chống lại việc chuyển giao bom, đạn chùm. Nghiên cứu của UNICEF chỉ ra rằng, có khoảng 40% nạn nhân của bom, đạn chùm là trẻ em - các em đã tử vong hoặc thương tật do bom, đạn loại này rất lâu sau khi tiếng súng chiến tranh đã ngưng.

Giới chức Mỹ cho biết, kho bom, đạn chùm mà họ chuyển giao cho Ukraine có tỷ lệ chưa phát nổ thấp, chỉ 2,35% hoặc thấp hơn, sau khi khai hỏa. Nhưng giới phê bình cho rằng, tỷ lệ chưa phát nổ thực sự của số vũ khí Mỹ này lên tới 23%, tức là sẽ rất nguy hiểm cho dân thường sau này. Còn theo số liệu của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), một số bom, đạn chùm có tỷ lệ chưa phát nổ cao sau khi khai hỏa, lên tới 40% trong một số trường hợp. Chúng có thể tồn tại hàng chục năm trên mặt đất và có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Điều này khiến nguy cơ dân thường bị ảnh hưởng bởi bom, đạn chùm là rất lớn. ICRC và các tổ chức khác lưu ý rằng, trẻ em dễ bị tổn thương nhất trước loại vũ khí này vì các em thường nhầm chúng với quả bóng hay các đồ chơi cầm tay do kích thước và hình dạng của “bom bi” (bom con tách ra từ bom mẹ).

Quyết định cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine nằm trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD của Mỹ dành cho Kiev. Quyết định được Washington đưa ra bất chấp những lo ngại rằng loại vũ khí gây tranh cãi này có thể gây thương vong cho dân thường. Hai Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Jeff Merkley của đảng Dân chủ đã gọi đây là quyết định “sai lầm nghiêm trọng” và có thể dẫn đến nhiều bi kịch hơn. Tương tự như vậy, quyết định này đã gây tranh cãi gay gắt ngay cả từ các đồng minh của Mỹ. Canada, Anh, Austria và Tây Ban Nha đều lên tiếng phản đối việc Mỹ gửi vũ khí cho Ukraine, viện dẫn hồ sơ theo dõi được biết đến của loại vũ khí này là gây hại cho người vô tội ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc.

Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles nói rằng bom chùm không nên được gửi đến giúp Ukraine, một ngày sau khi Mỹ tuyên bố vũ khí này sẽ được gửi cho Kiev để hỗ trợ cuộc phản công trước các lực lượng Nga. “Tây Ban Nha, dựa trên cam kết chắc chắn với Ukraine, cũng có cam kết chắc chắn rằng một số loại vũ khí và bom nhất định không thể được chuyển giao trong bất kỳ trường hợp nào”, bà nhấn mạnh. Trong khi đó, Chính phủ Canada đặc biệt lo ngại về tác động tiềm ẩn của những quả bom con được giải phóng ra khỏi bom mẹ và chưa nổ sau khi rơi xuống mặt đất, đặc biệt là đối với trẻ em. Về phần mình, nghị sĩ Đức Ralf Stenger, một thành viên của đảng SPD cầm quyền, cũng đã phản đối việc Mỹ cung cấp cho Ukraine vũ khí “bị quốc tế đặt ra ngoài vòng pháp luật”.

Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này ra tuyên bố nhấn mạnh rằng, quyết định của Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine là một hành động nhằm kéo dài cuộc xung đột tại nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục cho thấy đường lối chống Nga của Mỹ nhằm kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã lên tiếng phản đối quyết định của Washington cung cấp bom, đạn chùm cho Kiev. Theo giới chuyên gia, nếu sử dụng, đạn bom chùm có thể mang lại cho Kiev lợi thế tạm thời trên chiến trường. Nhưng khi xung đột vũ trang kết thúc, di sản chết chóc của loại vũ khí không phân biệt mục tiêu như thế này sẽ tồn đọng trong đất đai Ukraine rất nhiều năm tiếp theo.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/hiem-hoa-lau-dai-i700522/