Hiểm họa luôn rình rập trẻ trên không gian mạng - Cách nào để an toàn?

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc học tập của trẻ em trên internet là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, việc sử dụng không gian mạng với tần suất lớn khi chưa đến tuổi trưởng thành với các nội dung thông tin trên internet chưa được kiểm chứng khiến trẻ em phải đối diện không ít nguy cơ, hiểm họa.

Theo các chuyên gia, bất kỳ một trẻ em nào truy cập internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bị bắt nạt trên mạng, dụ dỗ qua mạng, lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng.

Nhiều mối nguy từ bàn phím

Google dẫn báo cáo cáo từ DQ Institute cho thấy, trong năm 2020, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có chỉ số an toàn trực tuyến dành cho trẻ em thấp nhất thế giới. Trong khảo sát của Nielsen đối với nhóm đối tượng trẻ em tại 4 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, thanh thiếu niên lên mạng thường đối mặt với những mối nguy như nội dung bạo lực, bắt nạt, tin giả hay các mối nguy từ người lạ.

Theo ông Nguyễn Đức Tuân, quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), trẻ em sẽ phải đối mặt với 5 nhóm nguy cơ khi online. Theo đó, trẻ em có thể tiếp cận những nội dung thông tin độc hại như bạo lực, khiêu dâm, dẫn đến làm lệch lạc suy nghĩ và ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh. Trẻ em cũng có thể bị phát tán những nội dung thông tin riêng tư, cá nhân; bị nghiện Internet hoặc bị cuốn vào những nội dung vô bổ trên mạng.

Không những thế, trên môi trường mạng, các em có thể bị bắt nạt và nghiêm trọng hơn là có thể bị lừa đảo, dụ dỗ, lôi kéo, hoặc ép tham gia vào các hoạt động vi phạm, thậm chí có thể bị xâm hại tình dục…

Các bậc phụ huynh cần luôn đồng hành cùng trẻ em trong quá trình sử dụng thiết bị tham gia môi trường Internet.

Tại sự kiện về an toàn trên mạng cho trẻ em do Google tổ chức mới đây, bà Trần Thu Hà - nhà báo, tác giả nhiều đầu sách về giáo dục trẻ em cho biết, những đứa trẻ bị bắt nạt cả ngoài đời lẫn trên mạng mang tổn thương lâu dài. Khác với sự bạo hành về thể xác cha mẹ có thể nhìn thấy, sự mất mát về tinh thần do bị bắt nạt trên mạng rất khó nhận ra nhưng lại để lại di chứng sâu sắc.

Trong thế giới mạng, trẻ em có thể bị cô lập, bị tẩy chay, bị nói xấu trong một nhóm chat của bạn bè. Thậm chí, học sinh có thể bị đăng số điện thoại lên các hội nhóm và bị gọi điện làm phiền. Có trẻ còn bị bạn bè đăng ảnh lên trang web khiêu dâm.

Vậy bảo vệ trẻ trên không gian ảo thế nào?

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng trước hết phải là ý thức của mỗi người dùng, những người lớn trong nhà luôn kèm cặp, nhắc nhở trẻ em. Ngoài ra, bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật, các nhà mạng có thể hỗ trợ các gia đình kiểm soát nội dung truy cập trên internet của trẻ em, giới hạn giờ truy cập... để dành thời gian cho sinh hoạt cùng gia đình hoặc vui chơi thể thao trong nhà, giúp nâng cao sức khỏe.

Theo bà Hoàng Thu Giang, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, bên cạnh những mối nguy đó thì việc trẻ em khi gặp vấn đề trên mạng thường có xu hướng tự giải quyết vấn đề, không chia sẻ với cha mẹ hay thầy cô. Điều này để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ thế hệ tương lai trên không gian mạng, ngày 1/6/2021, Chính phủ đã ban hành quyết định số 830/QĐ-TTg, phê duyệt chương trinh "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025". Chương trình có mục tiêu kép: bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em; đồng thời duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.

Dưới góc độ chuyên gia an ninh mạng, ông Nguyễn Đức Tuân khuyên người dùng, các phụ huynh cần luôn đồng hành cùng trẻ em trong quá trình sử dụng thiết bị tham gia môi trường Internet. Nếu chưa có biện pháp kỹ thuật, các phụ huynh nên để ý đến thời lượng sử dụng thiết bị của trẻ em, đến các trò chơi, ứng dụng các em đang dùng; cân bằng các hoạt động trên Internet và các hoạt động thể thao...

"Ngay cả khi dịch bệnh qua đi thì việc học tập, làm việc, giải trí trên môi trường mạng đã trở thành thói quen. Do đó, với trẻ em, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, quản lý, quan tâm không chỉ trong giai đoạn dịch COVID-19 phải ở nhà mà cần liên tục, lâu dài khi tham gia môi trường mạng trong tương lai" – ông Đức nhấn mạnh.

Hiện Bộ TT&TT đang lấy ý kiến cho dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đây được xem là vô cùng cần thiết khi môi trường internet mang đến rất nhiều điều bổ ích cho trẻ em, song nó cũng là cái bẫy gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng ra đời nhằm đưa ra những khuyến nghị về chuẩn mực hành vi, ứng xử cho người dùng trên không gian mạng để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn. Đồng thời, phổ biến cách thức báo cáo khi có nghi ngờ về các hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng và hơn hết là nâng cao nhận thức xã hội đối với các nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//hiem-hoa-luon-rinh-rap-tre-tren-khong-gian-mang-cach-nao-de-an-toan-169211105102624421.htm