Hiểm họa rình rập từ những hố chứa nước tưới nông nghiệp
Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng, là khu vực khí hậu trong năm được chia thành hai mùa mưa nắng rõ rệt. Để có nước tưới cho cây trồng vào mùa khô, hầu hết các gia đình đều tự đào trong vườn hoặc trên rẫy một hố sâu, rộng từ vài chục tới cả trăm mét vuông, đổ bê tông hoặc lót nilon bao quanh để chứa nước.
Điều đáng nói, các hố chứa nước này thường không được gia chủ rào chắn. Nhiều năm qua, đây chính là “cái bẫy” khiến không ít người rơi xuống dẫn đến hàng loạt cái chết thương tâm. Nạn nhân phần lớn là trẻ em và phụ nữ, những người không biết bơi.
Tại tỉnh Lâm Đồng, chỉ trong 3 ngày, từ 17 đến 20/2 vừa qua đã xảy ra hai vụ trẻ nhỏ rơi xuống các hố tích trữ nước tưới nông nghiệp khiến 4 trẻ em chết đuối thương tâm. Chị Ka Hởi (ngụ xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) bật khóc nức nở khi nhắc đến cái chết tức tưởi của hai con nhỏ, đó là em Ka Ha Tiên (SN 2012) và Ka Thuynh (2013). Đó là ngày 20/2, do được nghỉ học, em Ka Ha Tiên và Ka Thuynh theo cha mẹ vượt hơn 10km qua xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh) để tưới cà phê thuê.
Tại đây, trong lúc cha mẹ mải mê làm việc, hai chị em Ka Thuynh và Ka Hạ Tiên lủi thủi chơi cùng nhau trong rẫy cà phê. Khoảng 15h30 cùng ngày, vợ chồng chị Ka Hởi thấm mệt, về lại chỗ hai con nghỉ uống nước thì không thấy các con đâu nữa. Gọi mãi không thấy con trả lời, hai vợ chồng chia nhau đi tìm, mãi sau đó mới tá hỏa phát hiện thi thể các con đang nằm dưới lòng hố chứa nước tưới cà phê.
Trước đó, một vụ chết đuối thương tâm tương tự cũng đã xảy ra tại TP Đà Lạt, nạn nhân là em Nguyễn Ngọc An (SN 2015) và Trần Hảo Nam (SN 2018).
Trưa ngày 17/2, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thi (tạm trú tại đường Tô Hiệu, phường 7, TP Đà Lạt), đưa con là Nguyễn Ngọc An, được nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19, tới khu vực tổ dân phố Đa Phú, phường 7, TP Đà Lạt, để đi làm vườn thuê.
Tại đây, cháu An đi chơi với nhóm trẻ nhỏ ở xóm, trong đó có cháu Trần Hào Nam, là con của vợ chồng anh Trần Văn Đồng (tạm trú tại khu Ruộng Nhỏ, tổ Đa Phú, TP Đà Lạt). Chiều tối cùng ngày, khi vợ chồng anh Thi làm xong việc thì không thấy con đâu nữa. Mọi người tỏa đi tìm thì phát hiện hai cháu An và Nam đã tử vong dưới hố chứa nước tưới nông nghiệp của gia chủ kề đó.
Điều đáng nói, đây không phải là các trường hợp cá biệt. Những năm qua, tại khu vực Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng, đã xảy ra hàng loạt vụ chết đuối thương tâm tại các hố chứa nước tưới nông nghiệp.
Trước đó, ngày 31/12/2019, vợ chồng ông Ha Thôm My (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) đi hái cà phê về không thấy hai con (bé gái 9 tuổi và bé trai 7 tuổi) đâu nữa. Được nhiều người trong xóm hỗ trợ tìm kiếm, lúc trời gần tối thì phát hiện cả hai cháu nhỏ đã chết đuối dưới hố chứa nước tưới nông nghiệp gần nhà.
Ông KLôl, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, nơi vừa xảy ra vụ hai em nhỏ chết đuối thương tâm cho biết, tại địa phương, hầu như gia đình nào cũng tự đào ít nhất một hố chứa nước để phục vụ tưới tiêu vào mùa khô. Các hố này thường sâu từ 3-5m và quanh năm luôn có đầy nước.
“Không riêng gì trẻ em, nếu người lớn không biết bơi mà rơi xuống hố nước này cũng sẽ tử vong!..”, ông KLôl cho biết. Một thực trạng chung là dù những hố chứa nước này rất nguy hiểm nhưng hầu hết các gia đình đều xem nhẹ, có tâm lý rất chủ quan, chưa có biện pháp rào chắn, bảo vệ.
Ông Lê Bá Chu, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng cho biết, những năm qua, tình trạng trẻ em rơi xuống các hố chứa nước tưới nông nghiệp dẫn đến tử vong xảy ra khá phổ biến tại Lâm Đồng.
Theo ông Chu, trước thực trạng trên, từ cách đây 10 năm, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều đề án, kế hoạch cho từng giai đoạn về phòng, chống đuối nước, trong đó có nội dung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân phải che chắn, đảm bảo an toàn cho các hố chứa nước nông nghiệp; Phát động toàn dân đẩy mạnh luyện tập bơi lội, phòng chống đuối nước, nhất là vào cao điểm mùa hè khi thời tiết nắng nóng và học sinh các cấp được nghỉ học.
Theo thống kê của phòng Bảo trợ xã hội - Bảo vệ chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2015 đến nay, tỉnh này đã có tổng cộng 112 trẻ em chết đuối, trong đó nguyên nhân tử vong phần lớn là rơi xuống các hố chứa nước tưới nông nghiệp.