Hiểm họa rình rập từ xe ba bánh tự chế - những 'hung thần' trên đường phố
Như ANTĐ đã đưa tin, mới đây tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, 1 xe 3 bánh tự chế chạy ngược chiều chở thép đã xuyên thủng kính xe buýt khiến nhiều người chứng kiến gặp phen thất kinh.
Xe tự chế - “hung thần” trên đường phố
Rất may vụ tai nạn xảy ra tại đường Nguyễn Trãi đã không xảy ra thiệt hại về người do lái xe buýt hãm phanh kịp thời và chạy khỏi cabin trước khi những thanh sắt lao thẳng vào kính chắn gió.
Đáng buồn, sự việc trên không phải hiếm gặp. Thời gian qua, không ít vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ xe tự chế chở hàng quá tải quá khổ, vi phạm các quy định về an toàn giao thông.
Dạo một vòng quanh các tuyến phố có mật độ giao thông cao ở Hà Nội như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Tam Trinh, Láng…, chúng ta có thể bắt gặp xe tự chế đủ loại ngang nhiên chạy trên đường, trong đó hầu hết là những chiếc xe máy cũ được cơi nới thêm thùng để chở hàng.
Khi lưu thông trên đường, những chiếc xe này thường chở theo rất nhiều hàng hóa cồng kềnh như gạch, đá, sắt thép… gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Bà Lê Thị Dịu ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, mỗi khi đưa đón cháu đi học tôi sợ nhất là những chiếc xe tự chế. Chúng chở hàng cao ngút, chằng buộc sơ sài, luồn lách trong các ngõ ngách bấm còi inh ỏi, gây cản trở việc tham gia giao thông của các phương tiện khác.
“Thực tế cho thấy, xe tự chế đã gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Cách đây không lâu, tại TP.HCM, một người đi đường đã bị 11 thanh sắt loại to đâm xuyên chân trái sau cú va chạm với xe tự chế chở sắt xây dựng. Do vậy, tôi rất mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm các cá nhân điều khiển xe tự chế vi phạm luật giao thông, tiến tới cấm lưu hành loại xe này trên các tuyến đường” - Bà Dịu kiến nghị.
Thà bỏ xe còn hơn nộp phạt?!
Theo Chỉ thị 46 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 32 năm 2007 của Bộ Công an, Bộ GTVT, các loại xe tự chế bị cấm lưu hành từ 1-1-2008 gồm: Xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và xe thô sơ ba bánh, xe bốn bánh, trừ xe ba bánh dùng làm phương tiện của thương binh, xe tự chế cho người tàn tật, có đăng ký, biển kiểm soát...
Về chế tài xử phạt, khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.
Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng - Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Trường hợp người điều khiển xe tự chế gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS 2015.
Cũng theo Luật sư Thu, mặc dù quy định đã có song tình trạng xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Nguyên nhân là do ngoài một bộ phận người dân thực sự có thu nhập thấp, thiếu vốn để chuyển đổi phương tiện mưu sinh thì đối tượng sử dụng xe thô sơ, 3 - 4 bánh, xe tự chế còn là các chủ cửa hàng kinh doanh.
Với ưu điểm tiết kiệm chi phí trong việc mua sắm, bảo dưỡng phương tiện, giảm giá thành vận chuyển hàng, dễ dàng đi lại trong nội đô ở nhiều tuyến đường, xe 3 bánh tự chế vẫn là phương tiện được ưu tiên lựa chọn.
Bên cạnh đó, hiện các quy định xử lý chỉ tập trung vào các lỗi vi phạm hành chính xảy ra trên các phương tiện như xe không kính chiếu hậu và đèn tín hiệu, chở hàng cồng kềnh... Do mức phạt tiền khá cao nên người vi phạm thường có tâm lý bỏ xe vì số tiền mua xe mới còn thấp hơn tiền nộp phạt.
Để hạn chế các vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra tiếp theo, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế tham gia giao thông, kiên quyết tạm giữ phương tiện.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, không nên vì cái lợi trước mắt mà bất chấp quy định, cố tình lưu hành các loại phương tiện không bảo đảm an toàn, gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và những người tham gia giao thông khác.