Hiểm họa tràn dầu trên sông

Hoạt động của các phao nổi kinh doanh xăng dầu trên sông hoặc những vụ va chạm phương tiện vận tải thủy có nguy cơ tràn dầu rất cao, không chỉ tác động tới môi trường mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân.

Nhiều phao nổi kinh doanh xăng dầu không có kế hoạch ứng phó sự cố môi trường

Nhiều phao nổi kinh doanh xăng dầu không có kế hoạch ứng phó sự cố môi trường

Hải Dương có hệ thống sông ngòi dày đặc nên vận tải thủy khá phát triển, kéo theo là nhu cầu xăng dầu cho các phương tiện rất lớn. Những phao nổi kinh doanh xăng dầu trên sông đã xuất hiện và đáp ứng được nhu cầu này nhưng cũng kéo theo mối hiểm họa đối với môi trường.

Tác động xấu đến môi trường

Ngày 22.2.2019, sau khi tiếp dầu, trạm xăng nổi trên sông Kinh Thầy của ông Nguyễn Đăng Tuấn (Nam Sách) bị lật nghiêng rồi chìm làm một lượng lớn dầu trong phao chứa tràn ra sông. Dầu theo dòng nước chảy xa hàng nghìn mét làm mấy trăm lồng cá của người dân bị đe dọa. Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn của tỉnh phải nỗ lực trong gần 1 tuần mới xử lý được hết lượng dầu tràn.

Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có khoảng 20 phao nổi trên sông kinh doanh xăng dầu, nhưng theo Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam con số thực tế lớn hơn rất nhiều. Trong quá trình xử lý dầu tràn trên sông Kinh Thầy đoạn qua xã Nhân Huệ, trung tâm đã khảo sát sơ bộ một đoạn sông dài khoảng 3 km xung quanh vị trí dầu tràn. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ một đoạn sông ngắn nhưng có tới 7 phao chứa dầu các loại. Trong khi hệ thống sông ngòi của Hải Dương có chiều dài hàng trăm km, hoạt động của các phương tiện thủy diễn ra tấp nập trên các tuyến sông ở TPHải Dương, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Thanh Hà, Kim Thành, Tứ Kỳ. Vì thế, số lượng phao nổi kinh doanh xăng dầu chắc chắn rất lớn.

Bên cạnh nguy cơ từ các phao kinh doanh xăng dầu, còn có nguy cơ tràn dầu do va chạm phương tiện vận tải thủy. Năm 2019, trên sông Lạch Tray đoạn qua xã Đại Đức (Kim Thành) xảy ra vụ va chạm giữa 2 tàu chở hàng làm một chiếc bị chìm, một lượng lớn dầu từ tàu chìm tràn ra sông. Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đã phải triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp nhằm ngăn chặn những tác động xấu đến môi trường. Mới đây, một vụ tràn dầu nghiêm trọng đã xảy ra trên sông Kinh Thầy đoạn qua xã Nhân Huệ (Chí Linh) ngày 30.10.2020. Vụ va chạm giữa tàu chở dầu số hiệu HD-1898 với tàu cát số hiệu VP-1960 đã làm khoảng 60 m3 dầu bị tràn ra sông. Dầu loang ra làm mấy chục hộ dân nuôi cá lồng trên sông hết sức lo lắng bởi hàng trăm lồng cá đối mặt với nguy cơ chết hàng loạt. Ngoài ra, dầu còn tràn vào cửa hút của một số nhà máy nước sạch dọc bờ sông.

Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam triển khai các biện pháp thu gom dầu tràn trên sông Kinh Thầy

Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam triển khai các biện pháp thu gom dầu tràn trên sông Kinh Thầy

Nâng cao ý thức, trách nhiệm người kinh doanh

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho biết các sự cố tràn dầu chủ yếu do va đâm hoặc đáy tàu nhiễm dầu xả trực tiếp ra môi trường. Vì vậy, chủ các phao nổi chứa dầu nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nguy cơ tràn dầu rất cao. Ô nhiễm dầu không chỉ tác động lâu dài tới môi trường sinh thái mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn phao nổi chứa dầu ở Hải Dương đều được đặt trên các phương tiện thủy đã cũ, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố tràn dầu gần như không có hoặc nếu có cũng chỉ để đối phó với cơ quan chức năng. Đặc biệt, các phương tiện có phao chứa dầu không cố định, thường xuyên di chuyển giữa các tuyến sông nên nguy cơ xảy ra va đâm rất lớn, gây khó khăn cho việc kiểm soát, quản lý của cơ quan chức năng. Ngoài ra, chủ các phao nổi gần như không có kiến thức về ứng phó sự cố tràn dầu nên việc xử lý dầu tràn còn lúng túng. Vì vậy, để ngăn chặn những vụ tràn dầu có thể xảy ra, các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên sông cần xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu có thể thực hiện chung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu trên sông cần trang bị kiến thức cơ bản về các tác động của môi trường đối với cuộc sống, phương pháp phòng chống, ứng phó sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường để chủ động trong mọi tình huống. Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên sông, xử phạt thật nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm chủ động phòng ngừa sự cố về môi trường do tràn dầu gây ra.

VỊ THỦY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/hiem-hoa-tran-dau-tren-song-151610