Hiểm họa từ 'bom nước' trên cao
Hàng trăm nghìn bồn nước đang lơ lửng trên nóc các khu tập thể cũ tại Hà Nội, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Muôn kiểu treo "bom"
Các bồn nước đủ kích cỡ nằm la liệt trên các mái nhà. Nhiều tòa nhà xây dựng vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, dù có thiết kế dạng mái nghiêng nhưng người dân vẫn đặt bồn nước lên.
Theo tìm hiểu, các hộ dân thường lắp bồn nước inox dung tích 1.000-1.500 lít, có gia đình dùng giá đỡ dày, có hộ dùng thanh sắt mỏng manh, thậm chí chèn gạch, thanh gỗ. Nhiều bồn nước còn “hiên ngang” đứng giữa nóc nhà lợp mái tôn.
Đa số nhà tập thể cũ ở Hà Nội đều xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước nên hiện trong tình trạng chung là đã xuống cấp. Thêm nữa, phần mái của các khu nhà không tính đến tải trọng của hàng trăm bồn nước inox, đã và đang là nguy cơ gây mất an toàn cho những người dân sinh sống tại đây.
Tại các khu tập thể như Thành Công, Thanh Xuân, Trung Tự, Kim Liên… không khó để bắt gặp những chiếc bồn nước inox. Không chỉ lắp ở phần nóc của tòa nhà mà bất cứ đâu, hễ còn chỗ trống là lắp đặt, bất chấp rủi ro về an toàn.
Với những hộ dân sinh sống ở khu tập thể cũ thì việc tìm vị trí cho những bồn nước inox là một bài toán khó. Tầng thượng hay bên vách nhà được xem là phương án lý tưởng nhất, bởi tiết kiệm không gian trong nhà, mà lực nước từ trên dồn xuống mạnh giúp các gia đình không phải lắp đặt máy bơm.
Ở các khu tập thể cũ, thường xuyên phải trữ nước và mỗi nhà có 1 - 2 bồn nước. Bình quân bồn nước chứa khoảng 1.000-2.500 lít. Một nhà tập thể cũ có khoảng 30 căn hộ cũng đồng nghĩa sẽ phải nâng sức nặng hàng chục nghìn tấn.
Với những chung cư lắp ghép cũ nát, số lượng bồn nước sử dụng được người dân chất lên nhiều nên mức độ nguy hiểm càng lớn.
Thực tế, đã từng xảy ra những vụ bồn nước nặng cả tấn bỗng dưng rơi xuống nhà dân gây ra hậu quả đau lòng.
Vào năm 2017, tại đầu đường Láng - Ngã Tư Sở, khi các phương tiện đang lưu thông trên đường thì một bồn nước từ trên nóc nhà 5 tầng bất ngờ rơi xuống đất. Chiếc bồn nước có kích thước lớn, không chứa nước bị móp méo một bên sau khi rơi. Sự việc khiến những người đi dưới lòng đường một phen hú vía.
Trước đó, xảy ra một vụ tai nạn sập bồn nước inox tại trường tiểu học Diễn Tháp, Diễn Châu, Nghệ An, làm hai học sinh tử vong và một học sinh bị thương.
Đau lòng nhất là vụ tai nạn rơi bồn nước từ tầng bốn của một gia đình ở P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức, TP.HCM) khiến một cháu bé 8 tháng tuổi tử vong.
Chấp nhận sống chung với hiểm họa
Chênh vênh trên những sân thượng chung cư cũ kỹ, xuống cấp; hay treo lơ lửng trên các vị trí đắc địa ở các dãy nhà cao tầng, nơi có rất nhiều người qua lại… những bồn nước được ví như những quả "bom nước" được lắp một cách lộn xộn, đang thực sự trở thành hiểm họa.
Nhiều người dân, dù biết rõ những hiểm họa này, nhưng vẫn phải sống chung với chúng vì không có lựa chọn khác hoặc không biết làm thế nào để giải quyết vấn đề một cách an toàn và hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Oanh đã sinh sống ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình, được hơn 30 năm và dường như việc sống chung với những bom nước treo lơ lửng trên đầu đã là việc bà phải chấp nhận trong nhiều năm qua. Không có những bồn nước inox này thì không có nước sinh hoạt, mà nếu có thì không biết ngày nào tai họa này sẽ ập xuống đầu .
“Mình thấy rất là nguy hiểm nhưng mà bây giờ không còn cách nào. Nhà thì càng ngày càng xuống cấp, thậm chí mưa nó sẽ dột. Cái trần của cái nhà vệ sinh thì nó bị bong ra mà cũng không có cách nào để sửa vì nó là tấm đan, vậy nên cũng rất sợ mỗi khi mưa bão đến”, bà Oanh bày tỏ lo lắng.
Bà Oanh cho biết, hiện tại, ở phía bên kia bức tường đang có tới 5 bồn nước inox với khối lượng 5 tấn đe dọa sự an toàn của gia đình bà. Đó cũng là lý do chỉ có bà dám dũng cảm ở lại nơi bà đã gắn bó hơn 30 năm qua, còn người con của bà, vì lo sợ nguy hiểm, đã không dám ở trong căn nhà này.
Mặc dù việc lắp đặt các bồn nước inox có thể ảnh hưởng xấu đến tuổi thọ của các khu nhà, song hiện chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Tổ dân phố hay các đơn vị quản lý tòa nhà cũng khó có thể góp ý với dân cư để cải thiện tình trạng này, bởi các hộ gia đình đều đưa ra lý do không thể sử dụng được nước tại các bể chứa cũ. Bên cạnh đó, phần mái là diện tích sử dụng chung của các hộ trong khu nhà nên các gia đình đều cho rằng mình có quyền sử dụng.
Ông Nguyễn Lê Quốc Toản, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công, quận Ba Đình, cho biết: Trong những năm gần đây, UBND phường vận động người dân không lắp thêm, chỉ sữa chữa, thay thế. Hàng năm, phường có văn bản gửi tổ dân phố vận động người dân chằng buộc, giữ chặt bể nước trên nóc nhà, tránh bị rơi xuống trong mùa mưa bão; đồng thời vận động người dân lắp nằm, không lắp bồn nước cao vượt mái, tránh ảnh hưởng đến mỹ quan.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/hiem-hoa-tu-bom-nuoc-tren-cao-249856.htm