Hiểm họa từ các hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội
Ngày nay, mạng xã hội (MXH) đã và đang xuất hiện rầm rộ nhiều hội, nhóm có tính kết nối và lan truyền rộng rãi. Bên cạnh những hội, nhóm được thành lập với mục đích lan truyền những điều tích cực, thì cũng có nhiều hội, nhóm có mục đích tiêu cực với số lượng lớn thành viên tham gia. Tên gọi của những hội, nhóm này thường được đặt theo chiều hướng xấu, trái với đạo đức, song lại đánh vào tâm lý hiếu kỳ của nhiều người dùng MXH.
Tràn lan hội, nhóm tên gọi phản cảm
Chỉ với vài từ khóa đơn giản, người dùng facebook hoàn toàn có thể tìm thấy và gia nhập các hội nhóm “đen” mang xu hướng tiêu cực. Có thể kể đến một số cái tên như Hội những người đi tù (hơn 275.000 thành viên), Hội vỡ nợ muốn làm liều (hơn 6.800 thành viên), Hội những người muốn tự tử, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, ám ảnh cưỡng chế (hơn 11.000 thành viên)…
Khi người dùng MXH tham gia vào các hội nhóm này, sẽ có rất nhiều các thành viên chia sẻ các kinh nghiệm được coi là “đáng tự hào” như các chiêu trò đòi nợ, trốn nợ sao cho nhanh và hiệu quả nhất; chia sẻ những cách tự tử nhanh nhất, thậm chí có không ít chủ đề được mang ra bàn luận sôi nổi về việc thực hiện các hành động vi phạm pháp luật như cướp giật, sử dụng chất cấm...
Trước tình trạng trên, một số phụ huynh có con đang trong độ tuổi trưởng thành bày tỏ rất lo ngại nếu con mình tình cờ tham gia vào những hội, nhóm này. Chị Nguyễn Vân, phường Khai Quang, thành phố chia sẻ: “Tôi rất lo ngại về việc con trẻ giờ hiểu biết quá sâu về các phương tiện, công cụ trên MXH, vì hiện nay bên cạnh những hội, nhóm có tư tưởng tích cực thì các hội nhóm có tính tiêu cực, phản cảm xuất hiện quá nhiều, nên tôi rất lo lắng.
Tôi được biết nhiều vụ cướp giật, tự tử do một số cháu còn nhỏ tuổi là thủ phạm hoặc là nạn nhân, nên cảm thấy lo sợ cho một số bộ phận giới trẻ hiện nay có xu hướng tiêu cực, lệch lạc tư tưởng vì “chìm” trong thế giới ảo quá nhiều.
Vì có 2 con trong độ tuổi mới lớn, nên gia đình tôi luôn chỉ bảo, khuyên các con không nên tham gia vào các hội nhóm tiêu cực, thường xuyên chia sẻ những điều tích cực, cùng các con tham gia vào các hoạt động cộng đồng để không mất nhiều thời gian trên không gian ảo trên mạng xã hội”
Hầu hết các nhóm “đen” trên MXH đều “câu like”, thu hút nhiều người tham gia theo hướng độc, lạ và các yếu tố trái với thuần phong mỹ tục, nơi hội tụ của các tư tưởng lệch lạc. Điều đáng nói là, có rất nhiều người quan tâm, theo dõi và bị dụ dỗ vào những nhóm “rác” bằng những chiêu trò như vậy.
Lúc đầu chỉ có một vài thành viên, nhưng bằng việc đánh trúng tâm lý hiếu kỳ, tò mò của nhiều người, số lượng thành viên ngày một tăng lên.
Hành vi ảo, hệ lụy thật
Thực tế cho thấy, đa phần người dùng MXH khi tham gia vào các hội nhóm “đen” đều không ý thức được việc khi thực hiện tương tác tại đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác cũng như cho chính bản thân mình.
Mặc dù môi trường MHX là “ảo”, nhưng nếu vì những lời bình luận, cổ vũ gây ra hệ quả thật thì kết quả nhận được đều có thể là các hình phạt về mặt pháp lý hoặc có thể gây hại cho chính bản thân mình và những người xung quanh.
Có những lúc, việc tham gia một số hội nhóm trên MXH trở thành trào lưu của một bộ phận giới trẻ với tâm lý nếu không tham gia thì sẽ bị tụt hậu so với người khác. Bởi vậy, nhiều người đã tham gia những nhóm này theo tinh thần “a dua” để bắt kịp xu thế với mọi người mà không quan tâm đến những nội dung xấu, độc hại mà các hội nhóm đó đem lại.
Nhiều người vì muốn câu like, tăng lượt tương tác mà sẵn sàng đưa tin giả, thậm chí là có những hành vi khuyến khích cho cái xấu, cổ vũ, kích động, tung hô những hành động của mình như một sự đáng tự hào để cho người khác noi theo.
Trên thực tế, đã có những hành vi phạm tội ngoài đời thật xuất phát từ các hội nhóm ảo trên MXH. Bộ Công an mới đây cũng đã cảnh báo về trào lưu tội phạm lập nhóm kín trên MXH để rủ nhau thực hiện hành vi cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng tiện ích. Và chắc chắn một điều rằng, dù xuất phát từ thế giới ảo, nhưng những hành vi vi phạm pháp luật, kể cả việc chia sẻ, bình luận mang tính cổ vũ, chia rẽ, gây hiềm khích khi để xảy ra hệ quả thật thì đều sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê, chỉ riêng từ hội nhóm Hội những người vỡ nợ muốn làm liều, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã ghi nhận được 2 vụ cướp có tổ chức tính từ đầu năm 2022. Vụ đầu tiên là cướp nhà dân tại khu Linh Đàm (tháng 1/2022) và vụ cướp Ngân hàng VietinBank (tháng 3/2022) trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, TS.Nguyễn Thị Phương Thảo, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nêu quan điểm: “Một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ có xu hướng nghiện MHX, mất quá nhiều thời gian cho việc lên MXH. Một số bộ phận giới trẻ hiện nay đã và đang có những xu hướng tiêu cực do bị ảnh hưởng xấu từ các hội, nhóm nguy hại ngày càng xuất hiện nhiều trên MXH.
Khi tham gia vào MXH, trẻ vị thành niên nói riêng và tuổi trẻ nói chung phải đương đầu với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, khó lường như tiếp xúc với thông tin xấu, bị bắt nạt trên mạng, bị lừa đảo, dụ dỗ, mắc bệnh nghiện internet... Mắc phải một trong các vấn đề này khiến trẻ bị tổn thương, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc mà việc chữa trị thường tốn không ít thời gian, công sức và chi phí.
Đặc biệt, khi các con bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào một hội, nhóm tiêu cực thì hậu quả sẽ rất khó lường. Mục đích ban đầu của các em chỉ là để chia sẻ, giải tỏa những áp lực, mệt mỏi trong học tập, những mâu thuẫn nhỏ trong quan hệ bạn bè, gia đình. Nhiều khi chỉ là để thỏa mãn tình tò mò, hiếu kỳ... sau đó các em bị cuốn vào những trạng thái, những dòng suy nghĩ tiêu cực không hồi kết và nhận những hậu quả đáng tiếc.
Do đó, đối với không gian mạng, mỗi người cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia vào các hội, nhóm. Đã đến lúc các ngành chức năng cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt và thường xuyên hơn để ngăn chặn những hội, nhóm tiêu cực này từ khi mới phát sinh”.