Hiểm họa từ đồ ăn vặt gắn mác 'hàng nội địa'

Mấy năm gần đây, đồ ăn vặt gắn mác 'hàng Trung Quốc nội địa' tràn lan thị trường và thu hút người tiêu dùng bởi giá rẻ, mẫu mã bắt mắt. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hấp dẫn đó là nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe, khi nguồn gốc và chất lượng của các sản phẩm này không được kiểm định chặt chẽ.

Việc tiêu thụ những món ăn này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao nhận thức và tăng cường kiểm soát thị trường.

Bán tràn lan

"Hàng Trung Quốc nội địa” có mặt khắp nơi, đặc biệt là qua các kênh bán hàng online. Những sản phẩm này thường được rao bán với mức giá rất hấp dẫn, đóng gói đẹp mắt, kèm theo lời giới thiệu về hương vị độc lạ, mới lạ. Tuy nhiên, đằng sau sự phổ biến đó là những vấn đề đáng lo ngại về chất lượng, nguồn gốc và sức khỏe người tiêu dùng.

Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện 1.300 thùng bánh (nội địa Trung Quốc) trên bao bì thể hiện chữ tượng hình và không có nội dung thể hiện nguồn gốc xuất xứ.

Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện 1.300 thùng bánh (nội địa Trung Quốc) trên bao bì thể hiện chữ tượng hình và không có nội dung thể hiện nguồn gốc xuất xứ.

Bất kỳ ai cũng có thể kiếm cho mình một món đồ ăn vặt trên mạng Internet, chỉ cần gõ từ khóa “đồ ăn vặt Trung Quốc”, “đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc”… là có thể cho ra hàng loạt kết quả. Với từ khóa “đồ ăn vặt Trung Quốc”, trang tìm kiếm Google đưa ra khoảng 16.400.000 kết quả trong 0,45 giây. Trong đó, nổi bật là các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee,… đang bày bán công khai các sản phẩm có liên quan.

Tương tự trên mạng xã hội, đơn cử như Facebook, đồ ăn vặt được bán tràn lan với đủ chủng loại, giá cả khác nhau. Khảo sát một fanpage chuyên đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc có tên “Hội sỉ - lẻ đồ ăn vặt nội địa Trung”, với 115,8 nghìn thành viên. Các thành viên trong nhóm này liên tục đăng bài bán hàng, với đủ loại đồ ăn khác nhau. Từ chân gà, chân vịt đóng gói cho đến các loại bánh kẹo, hoa quả… Điều đặc biệt là giá của các mặt hàng này thường rất rẻ, chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn/sản phẩm.

Chỉ cần gõ từ khóa “Đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc” lên mạng xã hội là cho ra hàng loạt các hội nhóm chuyên bán mặt hàng này.

Chỉ cần gõ từ khóa “Đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc” lên mạng xã hội là cho ra hàng loạt các hội nhóm chuyên bán mặt hàng này.

Trong vai người cần nhập sỉ về bán lẻ tại cổng trường học, chúng tôi có liên hệ với một tài khoản tên “Minh Long”. Người này cho biết, họ có kho hàng rất lớn tại Hà Nội, với đủ loại hàng ăn vặt mà trẻ em rất ưa thích. Nếu như lấy số lượng lớn sẽ có chương trình giảm giá. “Chị cứ an tâm, đây đều là hàng chuẩn nội địa Trung Quốc, đảm bảo chất lượng và ngon bá cháy luôn. Chị muốn nhập số lượng bao nhiêu cũng có vì bên em có kho rất lớn ở Hà Nội”, người này chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi về tem mác, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm này thì người bán cho biết: “Cái này không có tem mác gì, bởi đây là hàng xách tay trực tiếp từ Trung Quốc về. Chính vì thế chất lượng rất đảm bảo, ngon và đặc biệt đảm bảo cho sức khỏe người ăn”.

Tương tự, tại một shop có tên “Đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc siêu ngon”, tại đây có bày bán hàng trăm sản phẩm được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc như: Chân gà, vịt chua cay, táo đỏ khô, xúc xích, mỳ cay…. Tuy nhiên, việc mua hàng hoàn toàn dựa vào việc tìm hiểu thông tin quảng cáo trên mạng xã hội hoặc những lời giải thích sơ sài của nhân viên bán hàng. Sau khi lựa chọn ngẫu nhiên một số sản phẩm ăn vặt đang “nổi” trên mạng xã hội như chân gà, chân vịt… Chúng tôi hỏi nhân viên về thông tin sản phẩm. Nhân viên này không đưa ra bất cứ thông tin nào ngoài hạn sử dụng lên tới 270 ngày từ ngày sản xuất.

Các thông tin khác về thành phần và nhà sản xuất, nhân viên tại cửa hàng dường như chỉ giải thích khá sơ sài theo “bài” do không đọc được cụ thể các dòng chữ bằng tiếng nước ngoài.

Một nhóm với hơn 10 nghìn thành viên chuyên bán những đồ ăn vặt được gắn mác “nội địa Trung Quốc”.

Một nhóm với hơn 10 nghìn thành viên chuyên bán những đồ ăn vặt được gắn mác “nội địa Trung Quốc”.

Bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, hoạt động kinh doanh các sản phẩm nói trên rất rầm rộ trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử với giá “siêu rẻ”. Chỉ từ 5.000 đến 10.000 đồng/sản phẩm trở lên, người tiêu dùng đã có thể sở hữu các đồ ăn uống sau vài giờ đặt hàng. Những sản phẩm này được bán theo set, bombo với giá chỉ từ 50.000 -100.000 đồng, thậm chí người mua còn được miễn phí vận chuyển.

Không chỉ dừng lại ở đó, các sản phẩm đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc được các YouTuber, TikToker… nổi tiếng làm các video quảng cáo, review rầm rộ gắn kèm với link bán hàng ở phần bình luận hoặc miêu tả. Tuy nói là review, nhận xét khách quan về sản phẩm nhưng đa phần các sản phẩm được những người sáng tạo nội dung nói dùng những lời lẽ gây sự tò mò kích thích người xem trải nghiệm.

Anh Nguyễn Hoàng Thái, chuyên gia trong lĩnh vực marketing chia sẻ, hình thức nói trên là một mô hình quảng bá sản phẩm affiliate marketing (tiếp thị liên kết). Qua đó, sau khi người tiêu dùng xem các video và mua thông qua đường link do nhà sáng tạo nội dung đăng tải, lợi nhuận sẽ được đơn vị cung cấp chia sẻ cho những người này.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe

Để mục sở thị sản phẩm được quảng cáo với những từ ngữ “có cánh” này, chúng tôi có mua sản phẩm chân gà, chân vịt cay trên sàn thương mại điện tử. Theo quan sát của phóng viên, sản phẩm này không hề có nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt. Từ đó đặt ra nghi ngờ về nguồn gốc thật sự của những sản phẩm này.

Chân gà sấy gắn mác “hàng nội địa Trung Quốc” mà phóng viên mua trên mạng xã hội không hề có tem mác tiếng Việt và thông tin về sản phẩm.

Chân gà sấy gắn mác “hàng nội địa Trung Quốc” mà phóng viên mua trên mạng xã hội không hề có tem mác tiếng Việt và thông tin về sản phẩm.

Nói về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật về bao bì ở Việt Nam, sản phẩm phải có nhãn ghi bằng tiếng Việt để cho người tiêu dùng nắm bắt rõ thông tin sản phẩm trước khi mua. “Sản phẩm không đạt yêu cầu này thì dù có là thực phẩm an toàn, hàng chính gốc cũng là sản phẩm không đáp ứng quy định, khi đó cơ quan chức năng sẽ có quyền tịch thu hàng hóa”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS, TS Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, khi đánh giá về tính an toàn, dinh dưỡng những sản phẩm thức ăn nhập khẩu phải có bao bì, nhãn phụ, hóa đơn xuất nhập khẩu… “Ví dụ như những sản phẩm có chữ Trung Quốc phải có tem chú thích như tên, hạn sử dụng, nguồn gốc, công ty sản xuất, phân phối… Còn những sản phẩm như thế này thì không biết có thật sự xuất phát từ nước ngoài hoặc đơn vị, công ty uy tín hay không. Mỗi sản phẩm khi được sản xuất sẽ có 2 tiêu chí, ngày sản xuất và ngày hết hạn. Sau ngày đấy, sản phẩm sẽ bị biến đổi về hóa học hoặc không đảm bảo dinh dưỡng. Để đưa ra được hạn sử dụng, người ta sẽ có kĩ thuật riêng. Ở đây, những sản phẩm này không đáng tin cậy. Nếu như sản phẩm có quy cách sẽ có thời hạn rõ ràng và bắt buộc phải có tem phụ. Khi đã mua những sản phẩm như thế này mà không được kiểm soát, không đảm bảo được công ty cung ứng từ nước ngoài có đảm bảo tiêu chí không, không tem mác phụ nên có thể thấy nó không an toàn cho người sử dụng”, vị chuyên gia phân tích.

Nói về những lo ngại về việc các sản phẩm nói trên có thời hạn tự công bố lên tới hàng trăm ngày, PGS, TS Bùi Thị Nhung cho biết, việc bảo quản phụ thuộc vào công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, các sản phẩm trôi nổi sẽ khó đảm bảo các tiêu chí. Ngoài ra, bà Nhung cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng các sản phẩm đồ ăn vặt đang được bán tràn lan trên các nền tảng Internet. Bà Nhung cho rằng: “Hiện nay, không có ngành chức năng nào kiểm soát được hoạt động này, qua đó, sức khỏe người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu mua bán ở siêu thị, các sản phẩm đều có hóa đơn chứng từ, được kiểm soát rất tốt. Nhưng nếu mua trên các nền tảng mạng xã hội (mua online), tôi thấy rằng không có được sự đảm bảo về pháp luật của sản phẩm”.

Cần phải xử lý nghiêm những trường hợp rao bán đồ ăn vặt gắn mác “nội địa Trung Quốc” trên mạng xã hội.

Cần phải xử lý nghiêm những trường hợp rao bán đồ ăn vặt gắn mác “nội địa Trung Quốc” trên mạng xã hội.

Đánh giá thêm về tình trạng các loại đồ ăn vặt, gia vị xuất xứ nước ngoài đang được bán tràn lan trên mạng, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ thêm, việc quản lý cần được tổ chức bài bản ngay tại các cửa khẩu biên giới, tránh tình trạng “thả gà ra đuổi”. “Các sản phẩm này nếu là hàng ngoại nhập cần có sự kiểm soát ngay từ cửa khẩu biên giới, nếu để đến lúc vào bụng người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ rồi thì đã quá muộn.

Ngoài ra, các sản phẩm này được quảng cáo là đồ “nội địa Trung Quốc” nhưng tôi rất nghi ngờ về nguồn gốc. Nếu không phải các sản phẩm được chính phủ Trung Quốc kiểm định chất lượng mà từ những nguồn không xác định khác thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Các lực lượng chức năng cần lập tức vào cuộc vì người tiêu dùng rất dễ hình dung khi sản phẩm được bán ra là đã đảm bảo về tính hợp pháp”, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết.

Mặc dù các sản phẩm “nội địa Trung Quốc” được truyền tai nhau về độ ngon rẻ, tuy nhiên chất lượng, nơi sản xuất cụ thể lại hoàn toàn chưa qua kiểm tra đánh giá. Tháng 6 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lào Cai đã phát hiện lô hàng 8.000 que kem nhập lậu. Qua kiểm tra, lô hàng gồm 8.000 que kem các loại được xác định do Trung Quốc sản xuất, đóng trong 200 hộp các tông (40 que/hộp).

Ngày 12/4, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đột xuất đối với điểm kinh doanh, tập kết hàng hóa tại địa điểm số 838 đường Bạch Đằng, Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thực tế kiểm tra, việc kinh doanh tập kết hàng hóa thuộc địa điểm kinh doanh Taxi tải Việt Hiếu 1 - Công ty cổ phần NET GROUP do bà Mai Thị Thương Huyền là người đứng đầu địa điểm kinh doanh. Địa điểm kinh doanh này hoạt động theo ủy quyền của Công ty cổ phần NET GROUP do ông Trương Xuân Hiếu là Tổng Giám đốc công ty.

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện 1.300 thùng bánh (nội địa Trung Quốc) trên bao bì thể hiện chữ tượng hình, và không có nội dung thể hiện nguồn gốc xuất xứ. Đại diện doanh nghiệp không xuất trình được giấy tờ hợp pháp liên quan đến lô hàng.

Đại diện doanh nghiệp chỉ xuất trình được 2 bản phô tô Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh và thừa nhận lô hàng này không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không xuất trình được giấy tờ liên quan đến lô bánh nêu trên. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ 1.300 thùng bánh không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không xuất trình được giấy tờ liên quan.

Bảo Phương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hiem-hoa-tu-do-an-vat-gan-mac-hang-noi-dia-i753804/