Hiểm họa từ hội chứng 'thối não'
Thuật ngữ 'brain rot' (tạm dịch: thối não) được Nhà xuất bản Đại học Oxford chọn làm từ nổi bật nhất năm 2024, chỉ trạng thái suy giảm trí tuệ hoặc tinh thần của một người. Brain rot được xem là hậu quả của việc nghe, xem quá nhiều nội dung trực tuyến tầm thường hoặc không có tính thử thách.
Báo động
“Nội dung trực tuyến tầm thường” được các chuyên gia cảnh báo sẽ tiếp tục đe dọa bộ não của giới trẻ trong năm 2025 và thời gian tới. Bởi, các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube hay Instagram không ngẫu nhiên gây nghiện. Các thuật toán được thiết kế tinh vi để giữ người dùng càng lâu càng tốt, bằng cách liên tục cung cấp những kích thích mới mẻ, nhưng thường thiếu chiều sâu. Điều này vô tình kéo người trẻ vào dòng chảy tin tức mạng xã hội, khiến họ tiêu thụ nội dung trực tuyến tầm thường như một thói quen và một nhu cầu bắt buộc.
Bàn về brain rot và dự đoán về trạng thái này với giới trẻ năm 2025, ThS. Tạ Thanh Trung - Phó trưởng phòng Đào tạo, Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Giáo dục Sài Gòn đã dẫn nguồn một số kết quả nghiên cứu đáng báo động. Cụ thể, một báo cáo từ Đại học Harvard (2024) cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội trong khi học sẽ làm giảm hiệu suất đến 30% do tình trạng “đa nhiệm ảo”.
Tại Việt Nam, khảo sát của Đại học Quốc gia Hà Nội (2023) chỉ ra rằng, sinh viên sử dụng mạng xã hội quá nhiều thường chịu áp lực về cảm xúc, thời gian và khả năng làm chủ bản thân. Đặc biệt, TikTok và YouTube đang trở thành “bẫy thời gian”, khiến nhiều sinh viên trì hoãn việc học để tham gia các nội dung giải trí.
Hơn nữa, về hoạt động chuyên môn, thời gian dành cho mạng xã hội đang làm giảm cơ hội rèn luyện kỹ năng. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (2024) chỉ rõ, gần một nửa số người lao động trẻ thiếu các kỹ năng cơ bản để đáp ứng yêu cầu công việc, trong khi trung bình họ dành 4 - 5 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội. Điều này cho thấy, thế hệ trẻ đang lãng phí thời gian vào các nội dung không mang lại giá trị thực tế cho sự nghiệp.
“Theo quan điểm của tôi, tình trạng học sinh, sinh viên tiêu thụ quá nhiều nội dung trực tuyến tầm thường, hay nói vui là “thối não” thực sự đáng lo ngại. Nội dung trực tuyến tầm thường chỉ mang tính giải trí nhất thời, như video hài ngắn, thử thách vô nghĩa hoặc nội dung câu view, mà không mang lại giá trị lâu dài về mặt tri thức hay kỹ năng”, ThS. Trung nhận định.
Đi cùng với brain rot, “chữa lành” cũng là xu hướng nổi bật trong nhiều năm qua, và ngày càng gia tăng cùng với làn sóng của mạng xã hội, công nghệ số. Nhiều câu hỏi và sự mâu thuẫn đặt ra rằng: “Xem làm gì để rồi brain rot, rồi lại chữa lành?”, “Tại sao thế hệ Z lại dễ gãy vỡ đến vậy?” hay “Chữa lành có thật sự chữa lành?”… Muốn ngăn brain rot, không cách nào khác, người trẻ không thể dễ dãi với chính mình và ưu tiên thời gian cho những việc khó, việc mới.
Học cách huấn luyện não bộ
Phân tích sâu hơn về hậu quả của brain rot, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM) nhận định, môi trường ảo đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của thanh thiếu niên.
Việc lớn lên cùng công nghệ khiến họ coi internet là nguồn giải trí, thông tin và là kênh giao tiếp chính. Hơn nữa, áp lực hòa nhập xã hội và nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) khiến họ càng dễ lao vào tiêu thụ các nội dung thịnh hành, đôi khi thiếu chọn lọc. Sự tiếp xúc liên tục với các nội dung này không chỉ gây lãng phí thời gian mà còn dẫn đến tình trạng “thối não”, làm suy giảm khả năng tư duy sâu và sức khỏe tinh thần.
Bên cạnh đó, việc thiếu các hoạt động thay thế bổ ích hoặc môi trường khuyến khích tư duy sâu sắc cũng góp phần khiến họ lạm dụng mạng xã hội như một cách “lấp đầy” thời gian rảnh.
“Về nhận thức, việc tiêu thụ nội dung nông cạn khiến họ mất khả năng suy nghĩ sâu, giảm tư duy phản biện và dễ chấp nhận thông tin sai lệch. Về hành vi, việc ưu tiên các hoạt động trực tuyến vô nghĩa có thể dẫn đến trì hoãn công việc, giảm hiệu suất học tập, thậm chí xa lánh giao tiếp ngoài đời thực. Đặc biệt, với đối tượng thiếu niên, khi hệ thống nhận thức về thế giới chưa hoàn chỉnh, trẻ dễ bắt chước các trào lưu xấu độc, có những trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng”, chuyên viên tâm lý Tâm An nhìn nhận.
Theo đó, chuyên gia tâm lý đưa ra một số khuyến nghị giúp người trẻ đối phó với tình trạng brain rot. Trước tiên, cần “giải độc” trang mạng xã hội bằng việc thoát khỏi các hội nhóm, các trang thông tin giật tít, câu view. Chuyển sang theo dõi các nội dung chính thống, khoa học, các mẹo vặt cuộc sống... để dần “cách ly” với nội dung tiêu cực.
“Huấn luyện não bộ với các nội dung dài, sâu, chuyển đổi từ các nền tảng nội dung ngắn (dưới 5 phút) sang các thông tin dài để nâng cao khả năng chú ý, tập trung. Trong quá trình lắng nghe, hãy liệt kê những ý kiến phản biện của bản thân để tập cách đặt câu hỏi, phản biện”, chuyên gia gợi ý.
Ngoài ra, bạn trẻ có thể đưa ra các thử thách nhóm để giám sát lẫn nhau. Thay vì tự học tại phòng, có thể lập nhóm học tập ở thư viện, công viên... nộp hết điện thoại và tập trung một khoảng thời gian chất lượng (khoảng 40 - 60 phút) để cùng nhau giải đề, tham gia các trò chơi, hoạt động nhóm.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hiem-hoa-tu-hoi-chung-thoi-nao-post1706988.tpo