Hiểm họa từ những 'chuồng cọp' chắn lối thoát nạn
Để phòng ngừa kẻ gian, nhiều gia đình, hộ kinh doanh đã dựng lên những lồng sắt, 'chuồng cọp', gia cố thêm cửa hay biển quảng cáo ngoài ban công trên các tầng nhà… gây nên tình trạng 'nội bất xuất, ngoại bất nhập', che chắn hết lối thoát nạn khi có cháy, nổ, sự cố xảy ra và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Do đó, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động gia đình, hộ kinh doanh tự giác tháo dỡ 'chuồng cọp', đảm bảo có lối thoát nạn thứ hai, tham gia vào các mô hình toàn dân phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở khu dân cư và tự trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó khi xảy ra hỏa hoạn, sự cố tại gia đình, khu dân cư.
Thời gian qua, trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã xảy ra không ít vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về người. Mới đây nhất, vụ cháy tại phố Thành Công (phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) đã khiến 4 bà cháu tử vong thương tâm và 1 người bị thương trong lúc hỗ trợ chữa cháy.
Điều đáng nói, tại khu vực xảy ra đám cháy là dạng nhà ống, toàn bộ mặt trước và các mặt tiếp giáp 2 bên với nhà bên cạnh đều bị chủ hộ rào chắn bằng hệ thống “chuồng cọp”, sắt thép kiên cố, không có lối thoát hiểm thứ hai.
Trên địa bàn tỉnh, những năm qua đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng tại các cơ sở kinh doanh karaoke, nhà hàng vì không chú trọng tạo lập lối thoát nạn thứ hai; để biển quảng cáo giăng kín các tầng nhà, rào sắt chống trộm, nên khi xảy ra cháy, nạn nhân khó có thể thoát hiểm ra bên ngoài bằng các lối phụ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác ứng cứu, phải mất nhiều giờ mới có thể phá dỡ các hạng mục tường chống ồn, rào sắt kiên cố…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hiện nay trên địa bàn tỉnh, số khu dân cư còn để “chuồng cọp” không nhiều. Tuy nhiên, tại một số khu tập thể cũ, nhà ống liền kề kết hợp với kinh doanh vẫn còn cơi nới hay tạo những “chuồng cọp” làm bằng sắt thép kiên cố nhằm phòng ngừa kẻ gian đột nhập. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, hỏa hoạn xảy ra.
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh nhấn mạnh: "Việc tạo lập những “chuồng cọp” bằng sắt thép gây cản trở lớn đến việc thoát nạn cũng như công tác tiếp cận hiện trường khi hỏa hoạn xảy ra để dập lửa và giải cứu nạn nhân. Với dạng nhà ống, các lối thoát nạn bên ngoài bị bịt kín bằng những lồng sắt nên chỉ có cầu thang trong nhà là lối thoát nạn duy nhất. Khi có cháy, nổ xảy ra lực lượng PCCC&CNCH chỉ còn cách duy nhất là cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn, do đó sẽ bị bỏ qua thời điểm "vàng" để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ".
Để phòng ngừa các vụ cháy, nổ, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng Công an tỉnh đã tăng cường thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Trong đó, lực lượng Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp ngăn chặn cháy lớn. Đến nay, lực lượng công an đã xây dựng được hàng trăm mô hình về PCCC ở khu dân cư như tổ liên gia an toàn về PCCC, điểm chữa cháy công cộng, nhà trọ an toàn về PCCC…
Thông qua hoạt động của mô hình, lực lượng chức năng tuyên truyền, phát động mở lối thoát nạn thứ hai và vận động các gia đình tự trang bị phương tiện chữa cháy. Qua đó, tạo sự đồng thuận giúp người dân nâng cao nhận thức và tự mở lối thoát nạn thứ hai tại nhà ở, địa điểm kinh doanh.
Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh khuyến cáo: Để phòng ngừa hỏa hoạn, bảo đảm công tác ứng cứu nhanh chóng, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” khi có sự cố, cháy, nổ xảy ra, mỗi gia đình, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không được bịt kín hoàn toàn ngôi nhà bằng các vật liệu kiên cố; phải chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công.
Trong trường hợp lắp hàng rào bảo vệ nhà thì người dân phải thiết kế ô cửa có khóa, để chìa khóa ở nơi dễ lấy và thông báo đến các thành viên trong gia đình. Trong mỗi gia đình cần trang bị các thiết bị, dụng cụ PCCC và phá dỡ cơ bản như bình chữa cháy xách tay, kìm cộng lực, búa… để kịp thời ứng phó khi phát hiện đám cháy ban đầu.
Các hộ kinh doanh không nên làm biển quảng cáo kiên cố kín các tầng nhà ảnh hưởng lớn đến công tác cứu nạn, cứu hộ khi gặp sự cố. Các nhà dân liền kề nhau cũng nên xây dựng phương án để tạo lập lối thoát hiểm ở ban công, thông báo với nhau bằng chuông báo cháy trong mô hình tổ liên gia an toàn về PCCC và điểm chữa cháy công cộng, trợ giúp nhau khi có cháy, nổ xảy ra…
Cháy, nổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nên mỗi người dân tự nâng cao ý thức PCCC&CNCH. Bảo đảm mọi yếu tố trong ngôi nhà, cơ sở kinh doanh được an toàn. Đặc biệt, phải bố trí lối thoát hiểm thứ hai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do hỏa hoạn gây ra.