Hiểm họa từ những công trình nhà xưởng vi phạm về phòng cháy, chữa cháy
Từ thực tiễn ở tỉnh Bình Dương cho thấy, nhiều vụ cháy nhà xưởng trong thời gian gần đây đều rơi vào các công ty vi phạm quy định về PCCC; các cơ sở, công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng đã đưa vào hoạt động…
Trong tháng 7/2024, có hai vụ cháy lớn tại nhà xưởng của 2 công ty bị đình chỉ hoạt động vì vi phạm quy định về PCCC. Khoảng 22h ngày 25/7, tại Công ty TNHH MTV SXTM Cát Đạt nằm trong khu công nghiệp Rạch Bắp, phường An Tây, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương xảy ra cháy. Diện tích nhà xưởng rộng 5.000m2 với kết cấu tường gạch, khung thép, mái tole; diện tích cháy khoảng 1.500m2. Công ty này kinh doanh ngành nghề gia công, chế biến gỗ; chất cháy chủ yếu là gỗ, sơn, bao bì…
Công an tỉnh Bình Dương điều động 1 xe chỉ huy và 11 xe chuyên dụng cùng 66 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương đến hiện trường triển khai công tác chữa cháy. Sau 30 phút, ngọn lửa đã được khống chế nhưng lực lượng chữa cháy phải tập trung dập tắt đám cháy đến rạng sáng ngày hôm sau. Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bình Dương, công ty này đã bị đình chỉ hoạt động từ tháng 3/2024 do không bảo đảm các quy định về PCCC.
Trước đó, khoảng 13h ngày 15/7, Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận thông tin vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty TNHH đồ gỗ Ly Long nằm trên địa bàn phường Khánh Bình, TP Tân Uyên, Bình Dương. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Dương đã điều động 15 xe chuyên dụng cùng 90 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường triển khai công tác chữa cháy. Khu vực cháy có diện tích khoảng 3.000m2 chứa đồ gỗ gồm: giường, tủ, bàn, ghế… Đến 14h20 cùng ngày, ngọn lửa đã được dập tắt, rất may là không có thiệt hại về người. Cũng giống như Công ty Cát Đạt, Công ty Ly Long cũng bị đình chỉ hoạt động từ cuối năm 2022 do không đảm bảo về PCCC…
Một vụ cháy khác xảy ra tại Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng ở khu phố Đông Trác, phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An. Diện tích nhà xưởng của công ty này rộng khoảng 1.500m2, diện tích cháy khoảng 200m2, chất cháy chủ yếu là giấy, nhựa, sản phẩm làm mát máy công nghiệp. Công an tỉnh Bình Dương đã điều động 54 cán bộ, chiến sĩ cùng 10 xe chuyên dụng phục vụ công tác chữa cháy. Cơ sở này đã bị đình chỉ hoạt đông từ ngày 10/5/2024…
Trong khi các đám cháy tại các cơ sở vi phạm về PCCC phải chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến (đã qua thời điểm vàng trong chữa cháy) thì đối với nhiều cơ sở thực hiện tốt quy định về PCCC và có Đội PCCC cơ sở, công tác chữa cháy luôn đạt hiệu quả cao. Đơn cử như vụ cháy xảy ra tại Công ty TNHH Jiang Men Technology ở TP Thủ Dầu Một. Đội PCCC cơ sở đã sử dụng hơn 10 bình chữa cháy các loại và triển khai hệ thống chữa cháy vách tường đã kịp thời khống chế đám cháy. Sau đó lực lượng PCCC chuyên ngành KCN Kim Huy xuất 1 xe chữa cháy, 1 xe bồn tiếp nước cùng 8 đội viên tham gia cứu chữa và đã nhanh chóng dập tắt hoàn toàn đám cháy, thiệt hại không đáng kể.
Mới đây, Công an tỉnh Bình Dương đã công bố danh sách 1.147 cơ sở, công trình trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng. Trong đó, đứng đầu là TP Tân Uyên với 597 cơ sở, công trình; kế đến là TP Thuận An 196 cơ sở, công trình; TP Dĩ An 71 cơ sở, công trình… Một số cơ sở, công trình lớn ở các địa phương chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng như: Chi nhánh 1, Công ty CP Đầu tư T.B (Bình Hòa, Thuận An) với 4 tòa nhà 4 tầng với tổng diện tích 17.244m2, khối tích gần 350.000m3; kho và xưởng bồi dán 2 tầng diện tích 5.600m2, khối tích 67.200m3; xưởng hoàn đế 3 tầng, diện tích 6.300m2, khối tích 113.400m3…
Nhà xưởng cho thuê của Công ty TNHH T.L (TP Dĩ An) với tổng diện tích sử dụng 9.598,8m2, diện tích nhà xưởng 3.272m2, 1 tầng, chiều cao 10m, tổng khối tích nhà xưởng là 32.720m3; Nhà xưởng 2 của Công ty TNHH H.T (Việt Nam) ở khu công nghiệp Rạch Bắp với diện tích nhà xưởng sản xuất gần 15.000m2; Nhà xưởng Công ty TNHH P.C.A (TP Tân Uyên), chiều cao 8m, diện tích 37.511m2; Nhà xưởng Công ty TNHH T.S VN (huyện Bắc Tân Uyên) với diện tích 27.964m2…
Lý do các cơ sở, công trình chưa được nghiệm thu PCCC có rất nhiều nguyên nhân nhưng đa phần đều cho biết do điều kiện khó khăn nên chưa có kinh phí để đầu tư hệ thống PCCC hoặc đã thực hiện nhưng chưa đầy đủ, không đúng theo quy chuẩn.
Về lý do khó khăn kinh tế, nhất là sau đại dịch COVID-19 lần thứ 4 là có thật, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp có khả năng nhưng vẫn còn chủ quan chưa thật sự có ý thức tốt nhất về công tác PCCC để bảo vệ tài sản cho chính doanh nghiệp của mình. Đến khi xảy ra sự cố cháy nổ, thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp thì mới nuối tiếc thì đã quá muộn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra 86 vụ cháy. Trong đó có 1 vụ cháy lớn, 42 vụ cháy trung bình và 43 vụ cháy nhỏ. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đã xuất 223 lượt phương tiện và 1.447 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức chữa cháy 69 vụ; lực lượng tại chỗ và nhân dân dập tắt 17 vụ cháy, nổ; hướng dẫn thoát nạn cho hàng chục người bị mắc kẹt ra nơi an toàn, tổ chức di chuyển tài sản và cứu được tài sản trị khoảng 50 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh xảy ra 435 các vụ cháy cỏ, rác thải, sự cố cháy không gây thiệt hại, khoảng 80% các vụ cháy trên được quần chúng nhân dân và lực lượng PCCC cơ sở kịp thời dập tắt ngay từ khi phát sinh không để cháy lan, cháy lớn.
Công an tỉnh khuyến cáo người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ các nguồn nhiệt có khả năng gây cháy, nổ đặc biệt là trong việc sử dụng hệ thống điện. Thường xuyên kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng hệ thống điện, hết giờ làm việc phải ngắt điện, trường hợp các thiết bị buộc duy trì thường xuyên phải bố trí nguồn điện riêng và có thiết bị bảo vệ như aptomat, CB…. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện PCCC& CNCH tại chỗ để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn khi mới xảy ra; đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn PCCC&CNCH, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, điều kiện nguồn nước, giao thông phục vụ công tác chữa cháy…