Hiểm họa từ ong vò vẽ

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra vụ việc người dân bị ong vò vẽ đốt. Trong đó, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong, trường hợp nhẹ thì nhập viện điều trị trong tình trạng nguy kịch. Trước sự việc trên, người dân cần cảnh giác với loài ong này.

Bị ong vò vẽ đốt, 4 mẹ con nguy kịch

Ngày 05/9, ông Nguyễn Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh (H.Phú Ninh, Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ ong vò vẽ đốt khiến 4 mẹ con nhập viện. Theo ông Sự, ngày 02/9, chị N.T.L (SN 1983, ngụ xã Tam Sơn, H.Núi Thành, Quảng Nam) dẫn theo 3 con nhỏ về nhà mẹ ruột ở thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh chơi lễ. Khoảng 10 giờ cùng ngày, khi đến cổng nhà mẹ ruột, 4 mẹ con chị L. bị đàn ong vò vẽ bay vào đốt hàng trăm mũi. Các nạn nhân nhanh chóng được người dân đưa đi cấp cứu. Trong đó, cháu T.T.B (3 tuổi) bị ong đốt 53 mũi, cháu T.V.Q (5 tuổi) bị đốt 55 mũi và cháu T.T.N (8 tuổi) bị đốt 23 mũi. Riêng chị L. hôn mê, phải lọc máu và truyền huyết thanh tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, 3 con của chị sau đó được chuyển ra Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng điều trị.

Trước đó, ngày 23/7, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cũng tiếp nhận bệnh nhân L.V.P (SN 1992, ngụ xã Tam Mỹ Tây, H.Núi Thành) bị ong vò vẽ đốt. Vào sáng cùng ngày, anh P. cùng một số người đến địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để lấy tổ ong vò vẽ bán kiếm tiền, không may bị ong đốt vào vùng mặt, ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp. Nạn nhân được đưa đến Bệnh xá Sư đoàn 315 cấp cứu nhưng không thành công nên chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Các bác sĩ xử lý theo phác đồ sốc phản vệ độ 4 do ong đốt thì có mạch và huyết áp trở lại. Khám đánh giá tình trạng: đồng tử giãn hoàn toàn, đáp ứng kém ánh sáng, hôn mê sâu; được chẩn đoán theo dõi sốc phản vệ độ 4 do ong đốt, biến chứng ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp hồi sinh. Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, tiên lượng tổn thương não sau ngưng tuần hoàn, hôn mê sâu và đồng tử giãn. Anh P. sau đó được gia đình đưa ra Bệnh viện Đà Nẵng điều trị nhưng không qua khỏi.

Một tổ vong vò vẽ

Một tổ vong vò vẽ

Nọc ong vò vẽ nguy hiểm như thế nào?

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Thanh Tiên - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam cho hay, một khi ai đó bị ong chích, có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... Nếu không xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng. Độc tố có trong nọc độc của ong vò vẽ khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương thận, gan, hủy cơ, tán huyết, rối loạn đông máu, tổn thương phổi gây suy hô hấp...

Nhiều người dân bất chấp nguy hiểm, lấy nhộng ong vò vẽ bán kiếm tiền

Nhiều người dân bất chấp nguy hiểm, lấy nhộng ong vò vẽ bán kiếm tiền

Ba con của chị L. đang điều trị tại bệnh viện

Ba con của chị L. đang điều trị tại bệnh viện

Bác sĩ Tiên hướng dẫn, khi không may bị ong vò vẽ đốt, phải đặt nạn nhân nằm yên, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể. Ong thường để lại kim và túi chứa nọc độc tại vị trí đốt. Trong trường hợp vòi chích nổi lên bề mặt da thì dùng nhíp gắp nhẹ lấy kim ra càng nhanh càng tốt, tránh chất độc gây sưng, nhức nhối nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, tránh dùng tay để lấy hoặc chà xát, đè lên vết chích bởi mũi kim dính vào da có kèm theo túi chứa nọc độc sẽ tiếp tục bơm chất độc lan nhanh ra khắp cơ thể, ngấm sâu vào tế bào khiến quá trình cứu chữa khó khăn hơn. Khi kim chứa nọc ong được gắp ra thì cần rửa vết chích bằng xà phòng hoặc nước sạch, nước ấm, dung dịch sát trùng. Ngoài ra, đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để giảm sưng, giảm đau... và cho nạn nhân uống nhiều nước để thải bớt độc tố.

Bác sĩ Tiên khuyến cáo, tuyệt đối không dùng các phương pháp dân gian như vôi, ruột ong, thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược... để bôi lên vết ong chích. Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. "Sau khi bị ong đốt, phải sơ cứu nhanh chóng và theo dõi biểu hiện của nạn nhân. Nếu có các dấu hiệu nặng như khó thở, nhịp tim nhanh, nổi mề đay... cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức", bác sĩ Tiên chia sẻ.

Ong vò vẽ hay còn gọi là ong mặt quỷ có tên khoa học là Vespa affinis. Ong vò vẽ có bụng thon và có khoang đen xen kẽ màu vàng. Ong vò vẽ là loại ong thường làm tổ nơi lộ thiên, cụ thể là thường làm tổ trên cành cây hay bụi cây, đôi khi loại ong này còn làm tổ trong mái nhà. Tổ của ong vò vẽ gồm nhiều lớp, giống như cây bắp cải và có bề mặt nhăn nhúm. Ong vò vẽ ăn côn trùng và ấu trùng nhện. Khi tổ ong bị phá hoặc bị đe dọa, ong thợ sẽ đốt người và động vật để tự vệ. Ong vò vẽ bị thu hút khi người mặc quần áo sặc sỡ, xịt nước hoa, hay bỏ chạy sau khi chọc phá tổ của chúng.

Tiêu Ngọc

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/suc-khoe/hiem-hoa-tu-ong-vo-ve_152184.html