Hiểm họa từ việc giao xe máy cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện
Một thực trạng đáng báo động diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước là không ít bậc phụ huynh vì nhiều lý do đã mua xe, giao xe mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) cho con em mình, mặc dù các em chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện. Điều này đã gây ra những vụ việc với hậu quả đau lòng…
Hậu quả đau lòng
Nhiều ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi một nhóm quái xế gây tai nạn tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm một cô gái tử vong.
Theo đó, Khoảng 0 giờ 5 phút ngày 3.11, tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo-Bà Triệu (Hà Nội) xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại sự đau đớn, xót xa đối với người thân nạn nhân cũng như sự ân hận, day dứt với mẹ của thủ phạm vì đã giao xe máy trái phép cho con mình điều khiển.
Tại thời điểm xảy ra tai nạn, chị N.H.Q, sinh năm 1997, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang dừng đèn đỏ tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo-Bà Triệu thì một nhóm thanh, thiếu niên điều khiển khoảng 25-30 xe máy đi theo chiều ngược lại với tốc độ cao. Trong đó, N.H.N, sinh năm 2005, lái xe Honda Vision chở theo N.P.A do không chú ý quan sát nên đã đâm vào chị N.H.Q làm chị Q ngã ra đường.
Ngay sau đó, N.T.M.K, sinh năm 2008, ở Thanh Trì, Hà Nội điều khiển xe Honda Wave chở theo L.Đ.C chạy theo đoàn đã tiếp tục đâm vào chị Q, khiến chị Q tử vong tại chỗ.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc đau lòng, gây tại nạn thương tâm, mà nhiều người trong nhóm "quái xế" điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi lái xe. Và hàng ngày trên đường phố, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh thanh thiếu niên, học sinh trung học phổ thông không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, lạng lách đánh võng. Đáng nói, hiện nay khá nhiều bậc phụ huynh trên địa bàn cả nước hoặc vì không hiểu biết, hoặc coi thường pháp luật nên vẫn “vô tư” mua xe, giao xe máy cho con mình, dù con chưa đủ tuổi để điều khiển hoặc chưa có giấy phép lái xe. Chỉ cần quan sát tại cổng một số trường THPT ở các thành phố lớn vào giờ tan trường cũng có thể thấy rõ tình trạng này. Lý giải về hành vi giao xe máy cho con sử dụng khi chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe, hầu hết phụ huynh đều đưa ra lý do chung như nhà xa, con phải đi học thêm nhiều, con đi xe máy để chủ động hơn trong việc đi lại, học tập...
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, trong tháng 10.2024, sau gần một tháng triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh, lực lượng chức năng đã xử lý gần 6.040 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 2.928 phương tiện các loại. Trong đó, vi phạm về mũ bảo hiểm là 5.303 trường hợp, 1.092 trường hợp học sinh điều khiển phương tiện khi không đủ điều kiện; xử lý 338 trường hợp phụ huynh, chủ xe giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển…
Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm
Luật sư Phạm Thị Trang, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, hành vi giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông của các bậc phụ huynh là hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội và đáng bị lên án. Những hành vi như vậy cần bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Phạm Thị Trang, khoản 10, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ đã quy định nghiêm cấm giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển tham gia giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, hiện nay pháp luật đã quy định 2 loại chế tài điều chỉnh hành vi giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Cụ thể, theo quy định tại Điều 30, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, cha mẹ giao phương tiện cho con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng; đối với ô tô thì phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Trường hợp để xảy ra tai nạn giao thông chết người thì người cho mượn, giao phương tiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.
Có thể thấy, pháp luật đã có chế tài điều chỉnh khá rõ ràng và nghiêm minh, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được Nhà nước quan tâm, vấn đề ở đây vẫn là ở ý thức của các bậc phụ huynh và các em học sinh. Việc các bậc phụ huynh “cố tình” và “vô tư” giao xe cho con, em mình khi chúng không đủ điều kiện tham gia giao thông mà không lường đến hậu quả tai hại thì đó là hành vi không chỉ hại mình, mà còn hại cả người.
Để từng bước ngăn chặn tình trạng người không đủ điều kiện, nhất là đối tượng học sinh điều khiển xe máy, chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông, ngành giáo dục cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức của các em học sinh, để các em tự giác chấp hành. Cùng với đó, cần tiếp tục chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự các trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển nhằm tạo sự răn đe.