Hiểm họa với Mỹ vì không hiểu gì về S-500
Nhận định trên được tờ Soho của Trung Quốc đưa ra khi nói về sức mạnh của hệ thống S-500 của Nga và sự nguy hiểm với Mỹ nếu tấn công Moscow.
Theo nội dung bài viết, việc Nga sở hữu hệ thống phòng thủ S-500 sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng với Mỹ một khi xảy ra kịch bản Mỹ phát động một cuộc tấn công vào các mục tiêu Nga.
S-500 là báu vật Nga tạo ra và là tổ hợp phòng thủ được đánh giá mạnh nhất hành tinh. Với thiết kế đặc biệt, vũ khí phòng thủ này có thể đánh chặn hầu hết các mục tiêu đường không trong phạm vi tác chiến.
Bài báo cũng chỉ ra rằng, với các tính năng nổi trội, hệ thống phòng thủ S-500 sẽ là sự thay thế hoàn hảo cho "rồng lửa" S-400 trở thành tổ hợp phòng thủ tối tân nhất của Nga.
"Một trong số các thuộc tính độc đáo của S-500 là khả năng phá hủy ngay cả các thiên thạch va chạm với Trái đất", báo Trung Quốc nói và nhắc lại sự kiện năm 2013, khi một thiên thạch có đường kính 20m rơi xuống vùng ngoại ô của thành phố Chelyabinsk của Nga.
Các nhà khoa học khi đó xác định rằng thiên thạch đã đi qua bầu khí quyển với tốc độ 67.600km/h. Nếu tại thời điểm đó, S-500 đang làm nhiệm vụ thì thiên thạch đó không thể lao xuống mặt đất.
S-500 có khả năng cùng lúc đánh chặn 10 quả tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 3500 km, cự ly đánh chặn lí tưởng khoảng 600km. Tổ hợp này còn có khả năng bắn hạ vệ tinh tầm thấp và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở đoạn cuối, thậm chí là đoạn giữa hành trình.
Nhưng đến thời điểm này, loại đạn tên lửa nào trang bị cho hệ thống S-500 vẫn chưa được tiết lộ. Và đây chính là điểm mù với Mỹ trong việc tìm cách đối phó với vũ khí này của Nga.
Về độ cao và vận tốc đánh chặn S-500 hơn hẳn S-400 và đứng đầu thế giới. Nó có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay cao tới 200km, với vận tốc 7km/s, trong khi đó, hệ thống S-400 chỉ có khả năng tiêu diệt mục tiêu với tốc độ 5km m/s.
Mặc dù chưa có chút thông tin nào ngoài những gì được Nga công bố về S-500 nhưng Mỹ vẫn khẳng định sẽ không những không chịu bó tay mà họ còn có vũ khí có thể đối phó được với S-500.
Mới đây, Công ty Orbital ATK được Bộ Quốc phòng Mỹ trao cho hợp đồng trị giá 322 triệu USD để phát triển và sản xuất tên lửa chống radar AGM-88G (phiên bản Advanced Anti-Radiation Guided Missile - Extended Range, viết tắt là AARGM-ER).
AGM-88G sẽ được thiết kế lại cánh đuôi nhằm tăng sức cơ động, chỉnh sửa động cơ rocket nhiên liệu rắn nhằm kéo dài tầm bắn, cùng với tích hợp tổ hợp dẫn đường thế hệ mới gồm đầu đạn, đầu dò radar thụ động, bộ nhớ vị trí... chính xác hơn.
Tên lửa AGM-88G sẽ có khả năng chống radar toàn diện hơn nhiều so với phiên bản AGM-88E hiện nay. Với tầm bắn rất lớn, đạn sẽ có khả năng tự hành tới địa điểm dự kiến như một tên lửa hành trình thông qua bộ thu sóng định vị toàn cầu GPS kết hợp cùng chế độ dẫn đường quán tính.
Đặc biệt, tên lửa chống radar AGM-88G còn kế thừa chức năng vô hiệu hóa đầu đạn, chỉ sử dụng động năng để kiểm soát thương vong, tránh gây hại tới mục tiêu không liên quan, đồng thời còn có thể tính toán trước tác hại khi phát nổ.
Chính vì vậy, giới quân sự Mỹ tin rằng, đây là vũ khí đặc trị phòng thủ Nga dù đó là S-400 và sắp tới là S-500.