Hiểm họa xe đưa đón học sinh và khoảng trống trách nhiệm

Vì sao nhiều vụ việc đau lòng liên quan trực tiếp đến xe đưa đón học sinh? Ai phải chịu trách nhiệm về những chiếc xe 'tử thần'?

Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng trước vụ việc bé trai lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh gần 10 giờ đồng hồ ngày 6/8, thì chỉ hơn 1 tháng sau, một cháu bé 3 tuổi ở Trường mầm non Đồ Rê Mí (Tiên Du, Bắc Ninh) nguy kịch tính mạng cũng cùng nguyên nhân.

Và mới đây, sau khi các clip xuất hiện trên mạng xã hội, mọi người lại “thất kinh” với 2 vụ việc 5 học sinh ở Đồng Nai bị văng xuống đường từ xe đưa đón đang chạy. Những sự cố vừa nêu liên tiếp xảy ra khiến nhiều người không khỏi rùng mình, sợ hãi.

Hãi hùng cảnh học sinh rơi khỏi xe đưa đón giữa đường tại Đồng Nai. (Ảnh cắt từ clip)

Hãi hùng cảnh học sinh rơi khỏi xe đưa đón giữa đường tại Đồng Nai. (Ảnh cắt từ clip)

Chi phí rẻ, bỏ qua độ an toàn phương tiện

Bận rộn với công việc và lựa chọn trường học cách xa nơi ở, là lý do khiến nhiều gia đình ở huyện Ân Thi, Hưng Yên phải góp tiền chung nhau thuê xe ô tô đưa đón con em mình. Nhưng sẽ không có gì đáng nói nếu đó là những chiếc xe đảm bảo các điều kiện an toàn. Trên thực tế, phía sau những hợp đồng bằng miệng với chủ xe, nhiều phụ huynh đã chấp nhận phí đưa đón con em mình với giá rẻ, nên không đặt “chất lượng phương tiện”, cũng như “chất lượng phục vụ” lên hàng đầu. Điều này cũng có nghĩa là, hàng ngày họ không biết con em mình được đối xử như thế nào trong hành trình từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Và đây là những gì mà một tài xế chở học sinh trường của tiểu học Quang Vinh (huyện Ân Thi) đối xử với các em nhỏ trên chiếc xe cũ rích.

Xe ô tô 16 chỗ nhưng tài xế đã nhồi nhét số học sinh lên gấp đôi so với số ghế quy định. Chiếc tem dán trên mặt kính phía trước cho thấy, xe đã hết niên hạn sử dụng 6 năm. Và người phải gánh chịu hậu quả của chiếc xe ô tô chất lượng kém, chật chội, ngột ngạt này đương nhiên là những đứa trẻ thơ ngây, tội nghiệp, mướt mả mồ hôi kể cả khi trời rét.

Các em học sinh kể lại rằng: “Ngồi trong này chật chội lắm ạ. Nhiều khi cháu phải đứng lên”.

Đông các bạn, ngột ngạt và nóng bức lắm ạ”.

Hầu hết các trường tiểu học ở huyện Ân Thi đều có xe đưa đón học sinh, nhưng không ít xe đã quá thời gian đăng kiểm, quá niên hạn sử dụng. Chủ xe đã tự ý thay đổi kết cấu bên trong để phục vụ mục đích chở quá tải trọng, như tháo ghế to, kê thêm nhiều ghế nhỏ, hoặc tạo ra những khoảng trống để học sinh đứng cho tiết kiệm diện tích.

Ông Vũ Văn H. làm dịch vụ đưa đón học sinh trường tiểu học Phù Ủng, huyện Ân Thi nói về những mánh khóe để qua mặt lực lượng chức năng khi lái xe vi phạm trên đường: “Từ trước đến nay, chúng tôi cũng chỉ chạy trộm thôi, chứ không thể công khai được. Sáng thì chạy sớm. Ngày nào mà các anh công an ra quân thì bọn tôi phải trốn”.

Tình trạng vừa nêu xảy ra tại nhiều địa phương, thậm chí có nơi phụ huynh còn thuê xe lam 3 bánh, xe tự chế không đảm bảo an toàn để đưa đón con em mình. Nhiều em nhỏ phải ngồi “vắt vẻo” trên thành xe, nguy cơ rơi xuống đường bất cứ lúc nào. Tại Hà Nội và Bắc Ninh, sau khi xảy ra sự cố học sinh tử vong hoặc nguy kịch vì bị bỏ quên trên xe ô tô, dịch vụ xe đưa đón học sinh vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

“Trẻ em đang bị coi thường”

Có con học tại trường mầm non quốc tế Winston, thành phố Bắc Ninh, nhưng qua những lần chứng kiến tận mắt, chị Nguyễn Thị Huê đã không tin tưởng dịch vụ xe đưa đón của nhà trường: “Nhà trường có 2 xe đưa đón, một xe to, một xe nhỏ, nhưng xe nhỏ (16 chỗ) thì chở các cháu đông quá. Các cháu chen chúc nhau, không đảm bảo an toàn”.

Theo TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống, Đại học Sư phạm Hà Nội, tình trạng trẻ em không được đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường đã không được quan tâm suốt một thời gian dài. Mặc dù đã xảy ra những vụ việc đau lòng, nhưng nhiều học sinh vẫn bị đe dọa tính mạng, sức khỏe trên những chiếc xe không đủ điều kiện an toàn đưa đón hàng ngày.

“Chúng ta có thể thấy, trẻ em đang bị coi thường quá đáng. Trước nay, phụ huynh chỉ quan tâm đến những gì các em học được ở trong trường mà chưa quan tâm đến sự an toàn của các con. Trước đây, chúng ta đã lo lắng về xâm hại trẻ em nhưng nay những vấn đề an toàn khác như lưu thông trên đường cũng không kiểm soát được. Những vụ việc liên quan đến ô tô trường cũng như việc học sinh đi cùng bố mẹ nhưng không được đội mũ bảo hiểm thì hoàn toàn không được bên nào kiểm soát cả”, bà Hương nhận định.

Nhìn từ góc độ pháp lý thì quyền của trẻ em đã bị vi phạm khi các em nhỏ phải ngồi trên những chiếc xe không đảm bảo an toàn. "Những chiếc xe tử thần" đó, đáng tiếc lại không chỉ là của nhà trường mà còn do chính những phụ huynh đã tự lựa chọn dịch vụ cho con em mình và bỏ qua việc quan tâm, kiểm tra, giám sát./.

Văn Hải-CTV/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hiem-hoa-xe-dua-don-hoc-sinh-va-khoang-trong-trach-nhiem-984873.vov