Hiếm muộn và hạnh phúc đong đầy

Cặp song sinh đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị được chào đón trong niềm hạnh phúc đong đầy của nhiều người. Ngày 10/11/2019 trở thành ngày có ý nghĩa đặc biệt không chỉ của một gia đình, mà còn đối với ngành Y tế tỉnh bởi đây được xem là sự kiện bước ngoặt mở trong điều trị vô sinh hiếm muộn ở Quảng Trị.

 Nụ cười mãn nguyện của người mẹ cặp song sinh đầu tiên thụ tinh nhân tạo ở Quảng Trị. Ảnh: LT

Nụ cười mãn nguyện của người mẹ cặp song sinh đầu tiên thụ tinh nhân tạo ở Quảng Trị. Ảnh: LT

Chào con yêu!

“Cả đêm qua tôi không ngủ được. Cảm xúc hôm nay thật khó diễn tả!”, niềm vui mừng, hạnh phúc vỡ òa khi chị đưa tay chạm vào má con… những giọt nước mắt lăn dài. Chưa đầy một ngày sau ca “vượt cạn” bằng phương pháp mổ lấy thai nhi, chị Lê Thị Hương Giang, ở thị xã Quảng Trị đã có thể đến phòng chăm sóc đặc biệt trẻ sơ sinh ở Khoa Nhi để gặp hai thiên thần bé bỏng của mình bởi sự thôi thúc của tình mẫu tử.

Khoảnh khắc “chào con yêu!” này vợ chồng chị Giang đã chờ đợi suốt 3 năm qua với đủ các cung bậc cảm xúc; những áp lực vô hình mà chỉ người trong cuộc mới có thể thấu hiểu. Lặng lẽ quan sát vợ, anh Lê Văn Ý, chồng chị Giang, nhẹ nhàng kéo chiếc khăn quấn trên người hai đứa trẻ: “Con chị nằm ngoài, con em nằm trong nhé! Ông bà mình nói chị thường nhường em nên cho ra trước”. Chị Giang mỉm cười hiểu ý chồng muốn “chú thích” dấu hiệu để chị nhận biết các con trong lần đầu tiên gặp mặt bởi hai bé gái sinh đôi giống nhau như hai giọt nước. Trên con đường “tìm con” của mình, chị Giang hiểu rằng nếu không có sự đồng hành, chia sẻ của chồng thì rất khó để vượt qua.

Sau hai năm lấy nhau mà chưa thấy vợ chồng chị có con, đi đâu ai cũng hỏi “Vợ chồng chưa có chi luôn à?”, “Sao lâu có em bé vậy?”… Về nhà thì ba mẹ thúc giục: “Vợ chồng bây lo đi khám đi chơ”…, thậm chí mẹ chồng chị còn đi xem bói, tính toán phong thủy… đủ kiểu về bắt anh chị thực hiện. Với anh Ý thì nghe ai nói món gì bổ dưỡng cũng chạy đi mua về bồi bổ cho vợ. Bác sĩ bảo không nên rượu bia, thuốc lá anh cũng sẵn sàng từ bỏ hết. Chị Giang và anh Ý từng vào Huế khám và được chẩn đoán vô sinh không rõ nguyên nhân. Vì quá nóng lòng muốn có con nên ngoài điều trị theo phương pháp tây y, ai bày gì anh chị cũng áp dụng. “Càng làm theo nhiều phương pháp mà đợi mãi không có kết quả thì càng áp lực. Tâm lí ấy khiến cuộc sống của chúng tôi thật sự mệt mỏi”, anh Ý chia sẻ thêm.

Đang lúc rối như tơ vò thì chị Giang tình cờ biết thông tin Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa đưa vào hoạt động Đơn vị hỗ trợ sinh sản. “Khi biết thông tin này tôi xin ngay số điện thoại ở đây và liên lạc nhờ tư vấn. Thật tình lúc đó chúng tôi cũng cảm thấy phân vân bởi sự mới mẻ của đơn vị. Nhiều người thân quen cũng góp ý một lần đi, lần khó nên chọn cơ sở y tế có uy tín, kinh nghiệm trong nước mà thực hiện thụ tinh nhân tạo chứ ai lại đưa mình ra làm thí nghiệm như vậy. Tuy nhiên, sau khi nhận được những thông tin phản hồi, tư vấn từ bác sĩ quá nhiệt tình và hết sức tâm lí, nhẹ nhàng khiến chúng tôi vững tâm hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc điều trị ở ngay trên địa bàn tỉnh cũng thuận tiện, dễ dàng trong quá trình chăm sóc, theo dõi của bác sĩ. Và tôi thật may mắn khi thành công ngay ở chu kì thụ tinh nhân tạo đầu tiên. Đó là món quà vô giá mà ông trời đã ban cho chúng tôi”, chị Giang nhớ lại.

Ươm mầm hạnh phúc

Đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn như anh Ý- chị Giang, đứa con chào đời sau bao ngày tháng mong mỏi là món quà tuyệt vời của tạo hóa. Nhưng với ngành y tế Quảng Trị nói chung, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị nói riêng, đó là cả quá trình chuẩn bị để đến ngày gặt hái những “quả ngọt” đầu tiên.

 Đội ngũ y, bác sĩ Đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: LT

Đội ngũ y, bác sĩ Đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: LT

Hơn 9 tháng chờ đợi kể từ ngày thực hiện công đoạn đầu tiên của quá trình thụ tinh nhân tạo cho chị Giang, một trong những bệnh nhân đầu tiên của đơn vị, bác sĩ Trần Trung Hoành, người trực tiếp điều trị cũng là người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật lấy thai nhi thụ tinh nhân tạo đầu tiên của tỉnh cho biết rằng: “Dù đã trực tiếp đón hàng ngàn trẻ chào đời nhưng lần này, tôi không thể giấu sự hồi hộp xen lẫn bao cảm xúc mừng vui. Khoảnh khắc em bé cất tiếng khóc chào đời cứ như chính mình đón đứa con đầu lòng”.

Để chính thức thành lập Đơn vị hỗ trợ sinh sản vào tháng 11/2018, trước đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã cử một số cán bộ y tế ở Khoa Phụ sản vào đào tạo, học tập kinh nghiệm từ Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh. Trong điều kiện nhân lực ít, để đáp ứng nhu cầu công việc, đội ngũ y bác sĩ tham gia các khóa đào tạo về lĩnh vực hiếm muộn phải sắp xếp công việc cơ quan, gia đình để có thể thường xuyên đi lại từ Quảng Trị và TP. Hồ Chí Minh vừa học, vừa làm. Sau hơn một năm thành lập đến nay, đơn vị đã thực hiện thăm khám, hỗ trợ tư vấn về sinh sản cho trên 300 cặp vợ chồng hiếm muộn, đồng thời thực hiện 85 chu kì thụ tinh nhân tạo, trong đó có 21 trường hợp đã thành công. Với chi phí dao động từ 3 - 5 triệu đồng/chu kì thụ tinh nhân tạo, thấp hơn nhiều so với cùng phương pháp điều trị vô sinh ở các đơn vị ngoại tỉnh. Ngoài ra, cũng có 15 trường hợp sau khi được điều trị, tư vấn tại đơn vị đã có con bằng quan hệ tự nhiên. Theo chia sẻ của những người điều trị vô sinh tại Quảng Trị, tốn kém tiền bạc để có được đứa con thì nhiều người chịu được, nhưng áp lực về thời gian lưu trú, nay đợi mai chờ, nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại... đã khiến họ đã căng thẳng lại càng căng thẳng, lo âu hơn. Đến với Đơn vị hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh họ được giải tỏa về tâm lí đó, khi cần là có thể đến trực tiếp để thăm khám, tư vấn và ra về với tinh thần rất thoải mái, có lẽ vì thế mà dễ thụ thai hơn.

Trung bình mỗi năm gần đây, Việt Nam có tới gần 1 triệu cặp vợ chồng được chẩn đoán vô sinh, trong đó tỉ lệ vợ chồng dưới 30 tuổi chiếm tới 50%. Vô sinh đang ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng tăng cao ở các cặp vợ chồng trẻ, trở thành rào cản lớn đối với hạnh phúc gia đình và sự tăng trưởng nói chung của toàn xã hội. Trước nhu cầu điều trị vô sinh hiếm muộn tăng cao, trong nước có 2 phương pháp điều trị vô sinh phổ biến là bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF/ICSI). Tại Quảng Trị, phương pháp điều trị vô sinh Bệnh viện đa khoa tỉnh đang thực hiện là phương pháp IUI. Theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Trần Quốc Tuấn, hiện cả nước mới có khoảng 30% bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được việc điều trị vô sinh hiếm muộn bằng phương pháp IUI. Vì thế, cặp song sinh đầu tiên ra đời sau hơn 1 năm đơn vị hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đi vào hoạt động là bước ngoặt lớn cho lĩnh vực hỗ trợ sinh sản còn non trẻ ở Quảng Trị. Việc thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp IUI thành công đã giải quyết được rất nhiều vấn đề cho người hiếm muộn trên địa bàn tỉnh, đó là mang đến cơ hội có con cho nhiều gia đình mà không cần phải đi xa, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí. Đây là tiền đề quan trọng để bệnh viện tiếp tục nâng cao đội ngũ, cũng như trang thiết bị tiến tới thực hiện những kĩ thuật hiện đại hơn trong điều trị vô sinh hiếm muộn, đáp ứng nhu cầu người bệnh.

Cuối năm dù bận rộn nhiều công việc nhưng anh Hoàng Tất Thắng, ở thành phố Đông Hà, vẫn tranh thủ dành thời gian chuẩn bị đồ lễ đầy tháng cho con theo đúng phong tục cúng mụ của ông bà. An Phương, con gái đầu lòng của anh trộm vía ngoan, ăn ngủ tốt, là “trái ngọt” sau 6 năm chạy chữa hiếm muộn khắp nơi cho đến khi vợ chồng anh quyết định thực hiện thụ tinh nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tết này không riêng gì gia đình anh Thắng, anh Ý mà còn có nhiều ngôi nhà nhỏ ở Quảng Trị sẽ rộn ràng hẳn lên khi có tiếng khóc trẻ thơ và nụ cười mãn nguyện của những người chính thức được làm cha, làm mẹ sau một hành trình dài “tìm con”. Dù hiếm muộn nhưng với họ hạnh phúc đã đong đầy!

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145639