Hiện chưa có báo cáo xử lý lấn chiếm hành lang đường dẫn cầu Vàm Cống
Các trường hợp đấu nối ra QL, trong đó có đấu nối đường dẫn ra vào các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đều phải có sự chấp thuận của Bộ GTVT.
Được đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 19/5, Dự án cầu Vàm Cống và đường dẫn cầu Vàm Cống đã trở thành tuyến giao thương quan trọng kết nối các tỉnh ĐBSCL như TP Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An với TP HCM, giảm áp lực cho QL1A, rút ngắn thời gian di chuyển. Tuy nhiên trong thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng lấn chiếm phạm vi đất đường bộ, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên đường dẫn cầu Vàm Cống (thuộc phía bờ Cần Thơ) dẫn đến nguy cơ mất ATGT khiến chủ đầu tư của dự án là Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) chưa thể bàn giao dự án cho Tổng Cục đường bộ Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Tràn lan lấn chiếm hành lang đường bộ
Theo thống kê, có trên 20 trường hợp lấn chiếm đất đường bộ thuộc dự án, tự ý san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ, xây dựng các công trình là nhà cấp 4 để buôn bán hàng hóa và quán cà phê dọc theo 2 bên tuyến nối từ đường dẫn cầu Vàm Cống (QL N2B) ra QL80. Đặc biệt là tại vị trí 2 cửa hàng xăng dầu Hồng Hào 7 và Điện Hiền số 11. Các đơn vị đã tự ý xây dựng, dỡ bỏ các cọc tiêu theo chiều dài công trình, xây dựng đường dấu nối ra đường dẫn cầu Vàm Cống cao hơn cao hơn cao độ mặt đường dẫn đến nguy cơ gây mất ATGT.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, Cửa hàng xăng dầu Hồng Hào 7, do Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hồng Hào là chủ đầu tư có vị trí tại Km 1+230. Còn cửa hàng xăng dầu Điện Hiền số 11 có vị trí tại Km 7+347, do Công ty TNHH MTV Điện Hiền làm chủ. Hai cửa hàng này đã được Sở Công thương chấp thuận địa điểm đầu tư cửa hàng xăng dầu, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy và có giấy phép xây dựng do địa phương cấp.
Vị trí đấu nối đường dẫn ra vào của cửa hàng Điện Hiền 11 và Hồng Hào 7 trên tuyến đường nối QL80 với đường dẫn cầu Vàm Cống không nằm trong quy hoạch điểm đấu nối các tuyến đường địa phương vào hệ thống QL trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020 đã được UBND TP Cần Thơ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-UBND ngày 11/7/2013, sau khi thỏa thuận với Bộ GTVT.
UBND TP Cần Thơ đã lần lượt có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét chấp thuận cho các đơn vị được đấu nối với đường dẫn ra vào của cửa hàng xăng dầu vào tuyến nhánh nối đường dẫn cầu Vàm Cống.
“Xé rào”?
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, cửa hàng xăng dầu Hồng Hào 7 và cửa hàng xăng dầu Điện Hiền số 11 đã được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
“Giấy phép của các đơn vị này, họ đủ điều kiện theo quy định của ngành Công thương thì chúng tôi cấp. Cải cách thủ tục hành chính, vấn đề nào Nhà nước quy định thì chúng tôi đưa vào còn những gì Nhà nước không quy định, không bắt buộc thì chúng tôi bỏ ra. Đối với 1 số trường hợp đấu nối ra QL, công ty làm hồ sơ gửi ra Bộ GTVT, đã quá 15 ngày nhưng Bộ vẫn chưa trả lời thì chúng tôi vẫn phải cấp giấy để không làm ảnh hưởng đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn”, ông Nguyễn Minh Toại nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, đường nhánh đấu nối vào QL phải thông qua điểm đấu nối thuộc quy hoạch điểm đấu nối đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ GTVT.
Ông Nguyễn Văn Thành khẳng định, đối với tất cả các trường hợp đấu nối ra QL thì phải xin phép Bộ, trong đó có đấu nối đường dẫn ra vào của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Trường hợp chưa nhận được sự chấp thuận thì đều là đấu nối trái phép.
“Đối với cây xăng Điện Hiền và Hồng Hào nằm trên Dự án đường dẫn cầu Vàm Cống và dự án này chưa được bàn giao, Cục chưa tiếp nhận dự án nên chúng tôi vẫn chưa nhận được hồ sơ của đơn vị này. Sau khi bàn giao, chúng tôi sẽ kiểm tra lại thủ tục xem đã đủ cơ sở pháp lý theo quy định hay chưa, trường hợp chưa thì sẽ tiến hành xử lý. Muốn làm gì là phải có giấy phép”, ông Nguyễn Văn Thành khẳng định.
Trước đó, CIPM đã hai lần gửi văn bản đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, UBND quận Thốt Nốt, UBND huyện Vĩnh Thạnh kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi xây dựng vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm trên vẫn chưa được giải quyết mà còn có xu hướng ngày càng tăng nên Công ty tiếp tục báo cáo vụ việc đến UBND TP Cần Thơ.
Sau đó, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản chỉ đạo UBND quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo văn bản của CIPM.
Thông tin cho báo chí, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa có báo cáo từ các địa phương dù trước đó đã có văn bản yêu cầu. Do đó, TP vừa chỉ đạo các đơn vị này nhanh chóng có báo cáo xử lý về vụ việc.