Hiện chưa có quy chuẩn về tượng Trần Hưng Đạo
Hôm nay (9/5), Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đặt tại Khu du lịch Hồ Mây xét về tổng thể không phải là hình ảnh sao chép Quan Vân Trường.
Việc xây dựng tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và các tượng danh nhân tại Khu du lịch Hồ Mây, thành phố Vũng Tàu với mục đích tích cực, tạo sản phẩm để các du khách thưởng lãm và tuyên truyền về lịch sử truyền thống của dân tộc.
Theo Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, trên phạm vi toàn quốc, hầu hết các bức tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn theo tư thế đứng thẳng, đeo kiếm, chỉ tay ra xa hoặc cầm cuốn Binh thư yếu lược. Tuy nhiên, trong bức tượng ở Khu du lịch Hồ Mây, có 2 chi tiết là tư thế Hưng Đạo đại Vương cưỡi ngựa và cầm đao nên một số người liên tưởng đến tư thế và vũ khí Quan Vân Trường hay sử dụng. Ngoài ra, các họa sỹ, nhà điêu khắc trong Hội đồng nghệ thuật cũng nhận xét về mặt thẩm mỹ bức tượng có những chi tiết chưa cân đối, chưa thể hiện được thần thái của một danh tướng.
Qua tra cứu từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số cán bộ làm công tác đối ngoại thì tại Việt Nam hiện nay không áp dụng Công ước nào về tượng đài danh nhân cưỡi ngựa như ý kiến phản ánh.
Các chi tiết Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn không cưỡi ngựa mà cưỡi hắc tượng (voi đen) và dùng kiếm chứ không dùng trường long đao cũng chưa đủ các tư liệu lịch sử để xác định.
Theo Giáo sư Sử học Nguyễn Khắc Thuần, Trần Hưng Đạo cưỡi ngựa rất giỏi, vì trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông (1257 – 1258), ông là Tư lệnh quân khu Việt Bắc - cai quản vùng biên giới cực kỳ quan trọng, vừa đường bộ vừa đường biển và lúc bấy giờ ông cưỡi ngựa là chủ yếu. Trần Hưng Đạo là nhà thao lược quân sự nên sử dụng rất giỏi nhiều loại vũ khí. Cũng theo Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần, đây là bức tượng đặt trong khu du lịch, không đặt nơi công cộng nên không phải là loại bức tranh tượng hoành tráng và hiện cũng không có quy chuẩn về tượng Trần Hưng Đạo.
“Bởi vì tượng Trần Hưng Đạo từ xưa nay người ta hay lấy hình ảnh cuối đời của ông ấy, đó là hình ảnh năm 1288 - là tổng chỉ huy chỉ huy trận Bạch Đằng và mọi người cho đó là hình chuẩn, bởi vì ông ở trên cao chỉ xuống sông. Nhưng thật ra thần thái, tầm vóc của Trần Hưng Đạo không phải là cầm gươm hay cầm súng, mà ông là nhà khoa học quân sự đã có công khai sinh ra nền khoa học quân sự Việt Nam, đó là vấn đề lớn”, Giáo sư Sử học Nguyễn Khắc Thuần cho hay.
Trước đó, như VOV đã thông tin, một số diễn đàn mạng xã hội chia sẻ hình ảnh tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo Vương ở Khu du lịch Hồ Mây, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cho rằng bức tượng giống một nhân vật lịch sử của Trung Quốc. Sở Văn hóa Thể thao tỉnh đã lập hội đồng chuyên môn để tiến hành thẩm định, đánh giá về mỹ thuật của bức tượng nói trên/.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/hien-chua-co-quy-chuan-ve-tuong-tran-hung-dao-post942620.vov