Hiện đại hóa báo chí trong thời đại khoa học - công nghệ
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn cơ quan quản lý, lãnh đạo tòa soạn và phóng viên chung tay xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn.
Tại hội nghị giao ban công tác báo chí sáng 16/6, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận 6 tháng đầu năm 2021 chứng kiến nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Các cơ quan báo chí đã phát huy tinh thần dân chủ, thông tin, tuyên truyền đến người dân một cách thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đất nước đang đứng trước nhiều thuận lợi, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Đó là vấn đề an ninh phi truyền thống, vấn đề biên giới, chủ quyền, biển đảo, tác động của chiến tranh thương mại...
"Nhưng người dân vẫn ổn định, yên tâm, tin tưởng và đồng hành cùng đất nước", ông Nghĩa nói.
Tình trạng "sáng đăng, chiều gỡ" được xử lý quyết liệt
"Không có dư luận trái chiều, không có vấn đề an ninh phức tạp gây bất ổn về an ninh chính trị. Rồi phòng chống dịch, giãn cách xã hội lúc đầu khó khăn, nhưng giờ đây sự nhận thức, tự giác của người dân là rất cao. Đây chính là vai trò của truyền thông báo chí", ông Nghĩa khẳng định.
Bên cạnh đó, những vấn đề nhạy cảm, phức tạp đã được định hướng kịp thời. Báo chí đã thông tin bình tĩnh, khách quan, giúp người dân hiểu được thực chất hơn. Tình trạng "sáng đăng, chiều gỡ" đã được xử lý quyết liệt.
Bên cạnh kết quả tích cực, ông Nghĩa cho rằng việc quản lý báo chí nửa đầu năm 2021 còn bộc lộ hạn chế, thiếu sót.
Theo ông Nghĩa, chất lượng tham mưu, định hướng hoạt động báo chí, xuất bản chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Công tác định hướng chính trị, tư tưởng có lúc chưa kịp thời, thiếu chiều sâu. Sự nhạy cảm chính trị của lãnh đạo, người làm báo tại một số cơ quan còn hạn chế. Thông tin phiến diện, cách khai thác vấn đề mang tính tiêu cực của một số cơ quan báo chí còn xảy ra.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí xây dựng nền báo chí cách mạng, phải là nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, hiệu quả và đi sâu vào quần chúng nhân dân. Từ cơ quan quản lý, đến lãnh đạo, rồi từng cá nhân phóng viên, biên tập viên phải cùng thực hiện mục tiêu này.
Ông Nghĩa mong muốn các cơ quan chủ quản tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp với Hội Nhà báo, Hội Xuất bản và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí.
Các cơ quan chủ quản cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động cơ quan trực thuộc, rà soát, chấn chỉnh công tác tổ chức, điều hành, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm; chú trọng quản lý hoạt động của phóng viên, cộng tác viên, phóng viên thường trú…
"Báo chí phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Công tác tuyên truyền cần đổi mới hơn. Cơ quan chủ quản tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm báo. Hiện đại hóa báo chí trong thời đại khoa học công nghệ để báo chí có điều kiện hoạt động, phát triển hiện đại hơn" ông Nghĩa khẳng định.
Nhìn nhận tích cực về quy hoạch báo chí
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng sau quy hoạch, các cơ quan báo chí đã giảm về số lượng. Vì lẽ đó, việc quản lý theo tôn chỉ mục đích, các quy định của pháp luật có tiến bộ.
"Qua quy hoạch, các cơ quan chủ quản hiểu rõ hơn chức năng nhiệm vụ của cơ quan báo chí", ông Bảo nói.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh việc quy hoạch báo chí nằm trong chủ trương chung về sắp xếp, tinh giản các đơn vị sự nghiệp. Ông cũng thừa nhận một số cơ quan khi chuyển từ báo sang tạp chí gặp nhiều khó khăn nhưng đây là xu hướng chung của báo chí hiện đại.
Thứ trưởng Bộ TT&TT mong muốn các cơ quan báo chí nhìn nhận tích cực quy hoạch báo chí giúp nước ta có những tập đoàn báo chí lớn, cơ quan báo chí đủ mạnh.
Về công tác quản lý báo chí, ông Bảo cho rằng cơ quan chủ quản là đơn vị của Nhà nước, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo tương đối chặt chẽ. Kể cả nếu có trục trặc thì việc chấn chỉnh cũng rất dễ. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan chủ quản chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị cơ quan báo chí cần ưu tiên thời gian, thời lượng cho ngành của cơ quan chủ quản. Còn việc chống tham nhũng, phản biện chính sách đã được quy định trong luật báo chí. Vì vậy ông đề nghị trước hết, cơ quan báo chí cần thể hiện vai trò phản biện ngay trong ngành, lĩnh vực của mình.
"Như khi một bộ chuẩn bị thông qua chủ trương chính sách nào đó thì cần có ý kiến tham mưu từ cơ quan báo chí của bộ đó. Và qua kênh đó cũng cần thu thập thông tin, đánh giá chính sách đưa ra có ổn không", ông Bảo nói.
Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực hỗ trợ các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó, báo chí có cách tiếp cận mới, khai thác và truyền tải thông tin thú vị, sinh động hơn đến độc giả.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng đề nghị các cơ quan chủ quản thường xuyên quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo của các cơ quan báo chí. "Đây là đội ngũ cốt lõi nhất, báo đúng, báo sai, tốt, xấu đều phụ thuộc vào lãnh đạo", ông Bảo cho rằng cần có cơ chế đánh giá, nhận xét thường xuyên đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí.