Hiện đại hóa hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số

Với sự thúc đẩy quyết liệt của tỉnh, hạ tầng viễn thông di động ở Thái Nguyên hiện đang có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Nhờ có sóng viễn thông Viettel, anh Hoàng Xuân Tiến, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên) có thể giữ liên lạc với vợ con khi về quê ở xóm Ba Họ, xã Yên Ninh (Phú Lương).

Nhờ có sóng viễn thông Viettel, anh Hoàng Xuân Tiến, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên) có thể giữ liên lạc với vợ con khi về quê ở xóm Ba Họ, xã Yên Ninh (Phú Lương).

Tháng 12-2022, Chi nhánh Viettel Thái Nguyên đã đầu tư một trạm viễn thông BTS tại khu vực trung tâm xóm Ba Họ, xã Yên Ninh (Phú Lương) phục vụ nhu cầu sóng viễn thông di động và Internet không dây băng thông rộng 4G cho 30/30 hộ dân trong xóm.

Nhờ có sóng viễn thông Viettel, anh Hoàng Xuân Tiến, 34 tuổi, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên) có thể giữ liên lạc với vợ con khi về quê ở xóm Ba Họ để hỗ trợ bố đẻ là ông Hoàng Trung Lâm sản xuất vụ xuân này. Anh Tiến chia sẻ: Trước đây, mỗi khi về quê, tôi phải leo lên quả đồi cao nhất xóm để “câu” sóng và gọi điện về cho vợ con đang sống tại TP. Thái Nguyên. Nay thì khác rồi, tôi có thể giữ liên lạc với gia đình khi về thăm bố mẹ hoặc ở ngoài đồng lúa của xóm Ba Họ.

Những năm gần đây, thị trường viễn thông trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển sôi động, hiện có 7 doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ viễn thông, Internet và truyền hình trả tiền. Trong đó, Viễn thông Thái Nguyên (VNPT), Chi nhánh Viettel Thái Nguyên và Mobifone Thái Nguyên là 3 doanh nghiệp chủ đạo đang đầu tư, quản lý phần lớn hạ tầng mạng viễn thông di động trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Ngọc Dĩnh, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông), cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông không ngừng đầu tư hạ tầng để cung cấp nhiều dịch vụ viễn thông đa dạng ở cả khu vực thành thị và vùng nông thôn, miền núi, vùng cao, đáp ứng nhu cầu tiếp cận, sử dụng các dịch vụ viễn thông, thông tin, giải trí của nhân dân và bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên Chi nhánh Viettel Thái Nguyên thường xuyên kiểm tra hoạt động của các trạm BTS, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên Chi nhánh Viettel Thái Nguyên thường xuyên kiểm tra hoạt động của các trạm BTS, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Về phía địa phương, xác định vai trò quan trọng của hạ tầng số nói chung, hạ tầng viễn thông di động nói riêng, các cấp, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để mở rộng độ phủ sóng và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông di động, như: Hướng dẫn các đơn vị xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động có vị trí phù hợp với Quy hoạch chi tiết hạ tầng viễn thông thụ động của tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, mở rộng vùng phủ sóng tại các thôn, bản chưa có sóng; đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng để mở rộng vùng phủ sóng dịch vụ viễn thông di động…

Song song với đó, ngành Thông tin và Truyền thông cũng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, các hoạt động phát triển hạ tầng mạng viễn thông di động gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh… Qua đó góp phần quan trọng đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Riêng năm 2022, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã đầu tư mới 150 trạm BTS để mở rộng phủ sóng điện thoại di động về 10 xóm vùng sâu, xa và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông tại các khu vực khác. Năm 2022 và quý I/2023, các doanh nghiệp viễn thông cũng tiến hành sắp xếp, chỉnh trang 18 tuyến cáp quang; sắp xếp, chỉnh trang hạ tầng viễn thông di động bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị; bảo đảm thông tin liên lạc và an toàn, an ninh phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước thông qua nền tảng viễn thông di động…

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, chia sẻ: Bước vào thực hiện Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng số nói chung, hạ tầng viễn thông di động nói riêng. Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 phát triển mới trên 800 trạm thu phát sóng 5G; mạng thông tin di động 5G phủ sóng tại 100% các khu trung tâm hành chính cấp xã, các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu du lịch trọng điểm; tốc độ kết nối băng rộng di động đạt 100Mbps; tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 70%...

Trên cơ sở các mục tiêu đề ra, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng viễn thông di động hiện tại; hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; nâng cấp mạng di động 4G, triển khai hạ tầng mạng di động 5G; thí điểm các ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới trên nền viễn thông di động để phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cuoc-song-so/202305/hien-dai-hoa-ha-tang-vien-thong-phuc-vu-chuyen-doi-so-0c91bab/