Hiện đại hóa nền hành chính
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong 3 khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và là công cụ quan trọng, tác động tích cực tới sự phát triển KT – XH, tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 – 2020 với những giải pháp đột phá, phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển, xây dựng nền hành chính hiện đại, vì nhân dân phục vụ.
Những cách làm sáng tạo, đột phá
Để chương trình tổng thể CCHC thực sự đi vào chiều sâu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo về CCHC với mục tiêu xây dựng nền hành chính vì nhân dân phục vụ, chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho nhân dân; đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và tình hình thực tiễn của địa phương, tỉnh có nhiều cách làm mới, đột phá, mang lại hiệu quả cao.
Năm 2016, tỉnh ta là tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai hệ thống giao ban trực tuyến từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Cách làm này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại hàng tỷ đồng mỗi năm mà còn giúp công tác lãnh, chỉ đạo các nội dung đến nhiều đối tượng một cách kịp thời. Đột phá thứ 2 mang tính đi trước, đón đầu xu thế là việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, góp phần làm thay đổi rõ rệt về chất lượng cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao tinh thần phục vụ của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Trung tâm Hành chính công tại các huyện, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đến giao dịch. 100% ý kiến, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được giải quyết. Sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 đạt 84,80%, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố.
Năm 2019, tỉnh khai trương Sàn giao dịch thương mại điện tử với địa chỉ dacsanhagiang.net. Đây là xu thế thương mại tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi phương thức sản xuất, quản trị xã hội và dịch vụ như hiện nay; giúp xóa dần khoảng cách giữa người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Sàn có hỗ trợ thanh toán điện tử thông qua mã QRcode, Vnpay và tiến tới sẽ tích hợp công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Về cải cách tổ chức bộ máy; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tiên phong sáp nhập các đơn vị trực thuộc, phòng, ban chuyên môn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Bộ Chính trị. Qua đó giảm được các đầu mối, số lượng lãnh đạo các phòng, ban và đội ngũ cán bộ.
Với cách làm linh hoạt, hiệu quả, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2020 đạt nhiều kết quả tích cực: Tỉnh hoàn thành tất cả các mục tiêu CCHC so với các mục tiêu và nhiệm vụ Chính phủ giao. Đặc biệt, chỉ số PAR INDEX năm 2016 đã có bước tăng vượt bậc, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 29 bậc so với năm 2011; Chỉ số SIPAS năm 2019 xếp thứ 35/83, tăng 28 bậc. Có 31,55% TTHC được rút ngắn 30% thời gian giải quyết; số TTHC cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 19,28%, mức độ 4 đạt 14,79%. Thu hút đầu tư tăng mạnh qua từng năm. Từ năm 2015 đến nay đã tinh giản được trên 1.470 biên chế; 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị hoàn thành Đề án vị trí việc làm…
Phó Giám đốc Sở TT&TT Lã Đình Điền khẳng định: “Hà Giang đã biến khó khăn thành cơ hội phát triển; trong gian khó, những cách làm đổi mới, sáng tạo, đột phá đã thực sự mang lại hiệu quả, đặc biệt việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước. Trong 10 năm, bức tranh tổng thể về CCHC tỉnh Hà Giang có bước phát triển ngoạn mục, nhiều chỉ số CCHC xếp hạng khá của cả nước; là tiền đề quan trọng cho tỉnh bứt phá trên con đường hội nhập và phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo”.
Xây dựng chính quyền điện tử
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 đòi hỏi sự thay đổi của chính quyền trong quản lý, điều hành để xây dựng chính quyền điện tử hiện đại; từng bước xây dựng nền kinh tế số, xã hội số và hiện đại hóa nền hành chính. Sau 10 năm triển khai chương trình tổng thể CCHC, với sự đầu tư mạnh mẽ của tỉnh cả về hạ tầng CNTT và nguồn nhân lực, mô hình chính quyền điện tử đã “thành hình” và hoạt động hiệu quả.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh có 30 quầy giao dịch, được trang bị đầy đủ thiết bị ứng dụng CNTT đảm bảo thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại Trung tâm và công cụ đánh giá sự hài lòng của khách hàng đối với giao dịch viên và cơ quan tham gia tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại trung tâm. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã, phường, thị trấn đều được trang bị cơ sở vật chất đồng bộ, đáp ứng nhu cầu hoạt động.
Bên cạnh đó, các cơ quan đều triển khai phần mềm dùng chung và phần mềm chuyên ngành; sử dụng hòm thư điện tử công vụ; triển khai hệ thống văn bản điều hành VNPT ioffice; cấp trên 5.900 chữ ký số cho lãnh đạo có thẩm quyền ký; xây dựng mô hình chính quyền điện tử, đô thị thông minh… Việc thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng giúp công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí văn phòng phẩm hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Chỉ số ICT INDEX năm 2012 tỉnh Hà Giang xếp thứ 38/63, đến năm 2019 xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố.
Ngày 2.11.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2453/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng đô thị thông minh Tp. Hà Giang đến năm 2020 nhằm xây dựng Tp. Hà Giang thành đô thị thông minh, kiểu mẫu, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và nâng cao hoạt động các cơ quan nhà nước, thúc đẩy KT – XH phát triển. Thành phố đã phối hợp với VNPT Hà Giang xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành giám sát IOC. Mục tiêu là cung cấp cho lãnh đạo thành phố cách nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn. Hệ thống có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống; các chỉ tiêu đánh giá về tình hình KT – XH; chất lượng dịch vụ; giải quyết dịch vụ hành chính công…
Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định: Muốn xây dựng chính quyền điện tử phải có “công dân điện tử”. Hiện, toàn tỉnh có 287 cán bộ chuyên trách CNTT công tác tại các cơ quan, đơn vị, giúp tham mưu cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị triển khai mạnh mẽ nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong quản lý và điều hành công việc. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan khối Đảng, Nhà nước, MTTQ, đoàn thể chính trị cấp tỉnh, huyện đều được trang bị máy tính và kết nối Internet; 100% cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường sử dụng chữ ký số, trao đổi thông tin qua hệ thống thư điện tử công vụ. Các cơ quan, đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thành Công cho biết: “Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 – 2020 mang lại diện mạo mới trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; tác động rất lớn đến sự phát triển KT – XH của tỉnh; góp phần gỡ “điểm nghẽn” về TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Sở Nội vụ đã xây dựng nghị quyết trình BTV Tỉnh ủy xem xét, phê duyệt về Chương trình CCHC giai đoạn 2021 – 2030, trong đó tập trung: Đẩy mạnh tuyên truyền về CCHC, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; nêu cao vai trò, sự quyết liệt của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tiếp tục rà soát, cắt giảm TTHC; ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa CNTT trong quản lý, điều hành cơ quan nhà nước; đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; thực hiện thành công đô thị thông minh Tp. Hà Giang; nâng cao các chỉ số CCHC; đẩy mạnh xã hội hóa CCHC…”.