Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Trị
Dự án 'Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển' (FMCR) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018 và do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với địa điểm thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố ven biển trong đó có Quảng Trị với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 195 triệu USD. Đối với tỉnh Quảng Trị, vào tháng 6/2019, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án để triển khai thực hiện từ năm 2019 - 2023.
Tỉnh Quảng Trị có 75 km bờ biển, có hệ thống đê điều với tổng chiều dài gần 177 km. Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 75 km bờ biển thì có gần 20 km bờ biển bị xâm thực sạt lở kéo dài từ xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh) đến Trung Giang, Gio Hải (Gio Linh), ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất sản xuất, cơ sở hạ tầng và an toàn của hàng trăm hộ dân. Quảng Trị cũng là tỉnh nằm trong số các địa phương thường chịu ảnh hưởng rất lớn của hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là thiên tai như bão, lụt, hạn hán… ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất và tính thất thường. Nhiều nghiên cứu cho thấy, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ lên các mặt tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh. Chính vì thế, việc ứng phó với biến đổi khí hậu được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Kể từ những năm 1990, ngành Lâm nghiệp Quảng Trị đã rất nỗ lực trong việc trồng và phục hồi rừng phòng hộ ven biển. Trong đó phải kể đến những chương trình dự án lớn đã thực hiện trên vùng đất cát như chương trình 5 triệu ha rừng, chương trình 327, dự án 2780, 4304...Từ năm 2009, được sự hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cấp và bảo vệ đê điều của Trung ương, người dân xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong đã trồng được trên 40 ha rừng ngập mặn, chủ yếu là cây bần, bao quanh tuyến đê biển dài 5 km với tổng kinh phí gần 20 tỉ đồng. Từ thành công của mô hình rừng này, tỉnh Quảng Trị đã và đang nhân rộng việc trồng, bảo vệ rừng ngập mặn ra nhiều địa phương ở vùng ven biển và cửa sông. Như đối với huyện Gio Linh, tại xã Gio Việt đã xây dựng mô hình bảo vệ gần 4,5 ha rừng ngập mặn lâu năm dựa vào cộng đồng. Ngoài ra, thực hiện dự án cải tạo, phục hồi môi trường và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, Trung tâm Quan trắc và Kĩ thuật môi trường đã trồng gần 2,5 ha cây ngập mặn, góp phần phủ xanh diện tích đất ngập nước của địa phương. Hay như tại xã Gio Mai, ngoài 191 ha rừng trên cát được trồng từ dự án trồng rừng Việt Đức, còn có 20 ha rừng tự nhiên được người dân bảo vệ tốt.
Tỉnh Quảng Trị cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức thực hiện nhiều dự án, chương trình thiết thực để cải thiện đời sống người dân; ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã hỗ trợ Quảng Trị thực hiện chương trình Hạnh Phúc Quảng Trị bao gồm hợp phần môi trường đã triển khai trồng khoảng 60 ha trên cát ven biển của tỉnh để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua Tổ chức GCS, UBND tỉnh đã kêu gọi Công ty TNHH Dữ liệu Doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án xây dựng mô hình rừng ngập mặn tại khu vực sông Thạch Hãn (xã Triệu Phước, Triệu Phong)…
Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, dự án FMCR được thực hiện trên quy mô 25 xã vùng ven biển thuộc 5 huyện gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và Cồn Cỏ với tổng mức đầu tư trên 490 tỉ đồng; trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới hơn 394 tỉ đồng, vốn đối ứng trên 96 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2023. Mục tiêu của dự án là khôi phục, phát triển và quản lí bền vững rừng ven biển, nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan, nước biển dâng ở vùng ven biển. Có ba hợp phần được triển khai thực hiện là phục hồi và phát triển rừng ven biển, tạo lợi ích bền vững từ rừng ven biển quản lí, giám sát và đánh giá dự án. Ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Xác định vai trò quan trọng của rừng phòng hộ ven biển, thời gian tới Chi cục Kiểm lâm nói riêng, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện tăng cường bảo vệ tốt rừng tự nhiên và rừng phòng hộ ven biển hiện có, tuyên truyền vận động người dân tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí của rừng phòng hộ ven biển để tham gia bảo vệ rừng. Đồng thời UBND các huyện tăng cường chỉ đạo để Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện tốt dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển đã được UBND tỉnh phê duyệt”.
Dự án thực hiện sẽ đạt được những kết quả quan trọng như đầu tư trồng, phục hồi vào bảo vệ 7.917 ha rừng, trong đó trồng mới 998 ha rừng phòng hộ, bảo vệ 3.629 ha rừng trên cạn ven biển thông qua hình thức giao rừng cho nhóm hộ, cộng đồng quản lí lâu dài theo cơ chế đồng chia sẻ lợi ích; các khu vực đất công cộng thuộc địa bàn 25 xã vùng dự án sẽ được hỗ trợ trồng cây phân tán thông qua đề xuất cạnh tranh từ các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã để trồng, chăm sóc và bảo vệ lâu dài.
Ngoài ra, dự án sẽ cung cấp khoảng 27 gói đầu tư với giá trị ban đầu 10.000 USD/gói được xác định thông qua quá trình lựa chọn cạnh tranh nhằm tạo lợi ích bền vững cho cộng đồng ven biển từ kết hợp giữa bảo vệ rừng và phát triển sinh kế; hỗ trợ 5 gói nâng cấp các cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ sản xuất, chế biến và tiếp thị hàng hóa, dịch vụ từ các khu rừng ven biển với giá trị không quá 600.000 USD/gói cho các xã thuộc các huyện vùng dự án...
Việc triển khai hiệu quả thực hiện dự án FMCR sẽ tạo thêm động lực, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 và Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144163